VCCI đề nghị tiếp tục giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh xuất khẩu gạo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - VCCI cho rằng, về lâu dài, cần tiếp tục giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh xuất khẩu gạo. Việc bảo đảm dự trữ gạo bắt buộc nên được thực hiện theo hình thức Nhà nước đặt hàng doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, thay vì biện pháp hành chính như hiện nay.
Theo VCCI, việc hạ các điều kiện đầu tư kinh doanh đã giúp tăng số lượng thương nhân xuất khẩu gạo, tăng tính cạnh tranh của thị trường lúa gạo.
Theo VCCI, việc hạ các điều kiện đầu tư kinh doanh đã giúp tăng số lượng thương nhân xuất khẩu gạo, tăng tính cạnh tranh của thị trường lúa gạo.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Cụ thể, về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, Điều 7 của Nghị định 107 hiện quy định thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo thuộc về Bộ Công Thương. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp phản ánh với VCCI về chi phí và thời gian đi lại để nộp hồ sơ và nhận Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khá lớn, nhất là khi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ yếu nằm ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong khi đó, việc kiểm tra đủ điều kiện về kho và máy xay xát vẫn do các Sở Công thương thường xuyên thực hiện.

Theo quan điểm của VCCI, để cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng giao thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cho UBND cấp tỉnh hoặc Sở Công thương.

Khi đó, Sở Công thương sẽ chịu trách nhiệm báo cáo về việc cấp phép cho Bộ Công thương và doanh nghiệp vẫn phải báo cáo hoạt động đối với Bộ Công thương định kỳ.

Liên quan đến điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, so với quy định của Nghị định 109/2010/NĐ-CP, Nghị định 107/2018/NĐ-CP đã bãi bỏ quy định về quy mô kho chứa (5.000 tấn thóc) và công suất cơ sở xay, xát (10 tấn/h). Nghị định 107 chỉ còn yêu cầu doanh nghiệp phải có kho và cơ sở xay, xát phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

VCCI cho rằng, việc hạ các điều kiện đầu tư kinh doanh đã giúp tăng số lượng thương nhân xuất khẩu gạo, tăng tính cạnh tranh của thị trường lúa gạo.

Thực tiễn cho thấy, từ khi Nghị định 107 ra đời, người nông dân có thêm sự lựa chọn khi tiêu thụ lúa gạo mình làm ra, giảm tình trạng bị ép giá. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp đã phát hiện và thâm nhập các thị trường khó tính mà trước đây gạo của Việt Nam chưa thể tiếp cận.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, để có thể đáp ứng được Quy chuẩn kỹ thuật về kho và cơ sở xay, xát thóc gạo tại Thông tư 12/2013/TT-BNNPTNT, doanh nghiệp vẫn cần có chi phí đầu tư lớn, kể cả trong trường hợp đi thuê.

Cụ thể, Thông tư 12 vẫn yêu cầu nhiều điều kiện mang tính quy mô như dung tích của silo chứa gạo, công suất của máy xay xát 10 tấn/h và nhiều yêu cầu khác.

VCCI cho rằng, các điều kiện này chỉ phù hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo số lượng lớn nhưng rất khó đáp ứng đối với doanh nghiệp nhỏ đang cố gắng thâm nhập các thị trường mới. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam rất năng động trong việc tìm kiếm các thị trường mới như châu Âu, Canada, Trung Đông… Đây là những thị trường đòi hỏi số lượng gạo ít, nhưng chất lượng cao, quy cách bảo quản, đóng gói tốt và có giá tốt.

Hơn nữa, khách hàng tại các thị trường này (như các siêu thị, chuỗi cửa hàng…) thường có nhu cầu tìm kiếm các doanh nghiệp cung cấp nhiều loại nông sản cùng lúc, chứ không chỉ riêng mặt hàng gạo. Các doanh nghiệp này vẫn không thể đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cao như trên mà buộc phải uỷ thác xuất khẩu cho doanh nghiệp đủ điều kiện.

“Theo các doanh nghiệp, mức phí uỷ thác xuất khẩu hiện khoảng 1 - 5 USD mỗi tấn hàng. Nói cách khác, các doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đang có quyền cho thuê Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh để được hưởng mức phí này. Vô hình trung, các quy định về điều kiện xuất khẩu gạo đang khiến hạt gạo của Việt Nam trở nên đắt hơn, khó xuất khẩu hơn”, VCCI cho hay.

Chính vì vậy, VCCI cho rằng, về lâu dài, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh xuất khẩu gạo, tiến tới tự do hoá thị trường. Việc bảo đảm dự trữ gạo bắt buộc nên được thực hiện theo hình thức Nhà nước đặt hàng doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, thay vì biện pháp hành chính như hiện nay.

Đối với thời hạn của Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Điều 6.5 của Nghị định 107 quy định thời hạn của Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo là 5 năm. Theo đó, sau mỗi 5 năm, doanh nghiệp phải xin cấp Giấy chứng nhận mới với thủ tục chứng minh đủ điều kiện kinh doanh tương tự như lần đầu.

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 107 và phản ánh của các doanh nghiệp, Sở Công Thương các địa phương vẫn thường xuyên kiểm tra định kỳ doanh nghiệp về việc đáp ứng điều kiện kinh doanh (kho và cơ sở xay xát) và kịp thời phát hiện, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp không đủ điều kiện.

Do đã có việc kiểm tra đáp ứng điều kiện thường xuyên, nên việc yêu cầu doanh nghiệp phải xin cấp Giấy chứng nhận mới sau mỗi 05 năm là không cần thiết. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ quy định về thời hạn của Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Đọc thêm