Sớm sửa đổi quy định pháp luật về kinh doanh thuốc lá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thực tế nhiều năm qua cho thấy, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới chưa được quản lý, chưa được lưu hành nhưng đã được bán tràn lan trên thị trường và trên mạng internet. Thực trạng này đòi hỏi các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương tìm giải pháp để có câu trả lời cho những yêu cầu của Chính phủ và mối quan tâm của dư luận.
PGS.TS Đinh Dũng Sỹ nhắc lại một số chỉ đạo của Chính phủ về thuốc lá thế hệ mới.
PGS.TS Đinh Dũng Sỹ nhắc lại một số chỉ đạo của Chính phủ về thuốc lá thế hệ mới.

Chính phủ liên tiếp chỉ đạo về thuốc lá thế hệ mới

Tất cả các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hiện đều được nhập vào nước ta thông qua đường “xách tay”, buôn lậu và không được quản lý về mặt chất lượng, nguồn gốc. Dù chưa được phép thương mại nhưng việc mua bán những sản phẩm này khá công khai và dễ dàng.

Do chưa có biện pháp quản lý và chế tài nên các hoạt động kinh doanh, quảng cáo tự phát tràn lan các sản phẩm nêu trên vi phạm các quy định của pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân và các hệ lụy khác đối với xã hội, bên cạnh việc Nhà nước không thu được các nguồn thu thuế cho ngân sách. Vì vậy, nhu cầu quản lý thuốc lá thế hệ mới trong giai đoạn này là cần thiết.

Nhìn rõ thực trạng trên, lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến thuốc lá thế hệ mới. Tại Hội thảo “Tháo gỡ các quan ngại để thí điểm quản lý thuốc lá thế hệ mới” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức gần đây, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ (khi đó là Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ) đã nhắc lại một số chỉ đạo của Chính phủ.

Cụ thể, tại Công văn 8750/VPCP-V.I ngày 20/10/2020, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tại Văn bản số 4861/VPCP-CN ngày 17/6/2020 của Văn phòng Chính phủ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2020. Các Bộ: Tài chính, Công Thương, Công an, Quốc phòng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nhất là các tuyến, khu vực biên giới, cửa khẩu, địa bàn trọng điểm) chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ, tăng cường quản lý, tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn việc nhập lậu, tàng trữ, vận chuyển và kinh doanh trái phép thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng.

Tiếp đến, tại Công văn số 7830/VPCP-CN ngày 26/10/2021, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về báo cáo nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam của Bộ Công Thương tại Công văn số 5200/BCT-CN ngày 26/8/2021 và Công văn số 5201/BCT-CN ngày 26/8/2021. Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành có ý kiến như sau: Bộ Công Thương làm rõ cơ sở pháp lý, thẩm quyền ban hành chính sách thí điểm quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới; phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, đánh giá các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, trên cơ sở đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và cân đối hài hòa quyền lợi giữa các chủ thể như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4861/VPCP-CN ngày 17/6/2020 và Công văn số 1043/VPCP-CN ngày 10/2/2021, trình Thủ tướng Chính phủ vào thời điểm phù hợp.

Trong thời gian chưa được phép lưu thông, sử dụng sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, các Bộ: Công Thương, Công an, Quốc phòng theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các cơ quan liên quan, tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chính sách đối với thuốc lá thế hệ mới cần được thúc đẩy nhanh chóng

Đặc biệt, ông Sỹ cho hay, từ năm 2017, Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, các tổ chức liên quan nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá. Theo đó, Nghị định 67 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định 106/2017/NĐ-CP, trong đó Nghị định 106 quy định Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức có liên quan nghiên cứu xây dựng quy định phù hợp để quản lý các sản phẩm thuốc lá điện tử, trình Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện quy định này, Bộ Công Thương đã đưa dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 67 vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật từ năm 2020, trong đó bao gồm định nghĩa thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng.

Tại Công văn số 8564/VPCP-CN ngày 23/11/2021 về dự thảo Nghị định kinh doanh thuốc lá do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo, căn cứ quy định tại Điều 94 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và ý kiến các bộ, cơ quan liên quan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, cơ quan liên quan về các nội dung liên quan để khẩn trương, hoàn thiện dự thảo Nghị định và trình Chính phủ trong năm 2021.

Như vậy, theo ông Sỹ, tiến độ xây dựng, thống nhất ý kiến giữa các bộ để trình Chính phủ xem xét, thông qua đến nay đã là muộn. Từ đó, ông Sỹ khuyến nghị, cần sớm thống nhất các nội dung còn ý kiến khác nhau và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá trong thời gian sớm nhất.

Với xu thế hội nhập về mọi mặt như hiện nay, việc trên thị trường xuất hiện những sản phẩm thuốc lá mới là điều có thể hiểu được. Vì thế, Bộ Công Thương mong muốn vấn đề chính sách đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới được thúc đẩy nhanh chóng hơn nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ một cách kịp thời.

Cập nhật về tiến độ nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 67/2013, Trưởng phòng Công nghiệp thực phẩm, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, Cao Trọng Quý cho biết, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả nghiên cứu và đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng tại Công văn số 728/BCT-CN ngày 6/2/2020 và Tờ trình số 5200/TTr-BCT ngày 26/8/2021. Về cơ bản các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư và Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đều thống nhất việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ biện pháp để quản lý đối với mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thiết và có cơ sở.

Tại tọa đàm “Thuốc lá thế hệ mới: Đủ điều kiện để quản lý ngay theo luật hiện hành” do Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh tổ chức vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương Ngô Khải Hoàn cho biết thêm, để hoàn thiện hình thức và chính sách cụ thể đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới, Bộ Công Thương đã tổng hợp đầy đủ ý kiến của Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đối với dự thảo Nghị định thay thế cho Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá. Trong đó, Bộ Công Thương có đề xuất đưa thuốc lá thế hệ mới vào quản lý dưới hình thức quy định trong Nghị định 67 sửa đổi và sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý 2/2023.

Cũng tại tọa đàm này, đề cập đến vấn đề buôn lậu thuốc lá thế hệ mới ngày càng tăng, gây thất thoát hàng tỷ đồng cho Nhà nước, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương Trần Văn Dũng cho biết: “Những tháng cuối năm 2020, chúng tôi đã phát hiện và xử lý trên 15.000 sản phẩm thuốc lá điện tử, năm 2021 con số này là 70.000, năm 2022 là trên 10.000. Ba tháng đầu năm 2023, chúng tôi đã xử lý trên 10.000 sản phẩm thuốc lá điện tử”.

Nêu rõ thực tế Việt Nam có đường biên giới giáp với nhiều quốc gia, vấn đề kiểm soát kênh hàng lậu là không dễ dàng, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh quan niệm, hút thuốc lá là tác hại, nhưng hút thuốc lá lậu với nhiều nguy cơ, rủi ro thì từ hại đơn trở thành hại kép. Vì vậy, theo bà Phong Lan, việc tăng thuế cho thuốc lá thế hệ mới cần cẩn trọng và thực thi đồng bộ cùng các chính sách khác, tránh việc tăng thuế khiến người mua tìm đến hàng lậu với giá rất rẻ, Nhà nước vẫn thất thu thuế.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng nhìn nhận, đã gọi là thuốc lá thì bất kể đó là thuốc lá truyền thống hay thuốc lá thế hệ mới đều cần được phòng, chống tác hại. Mọi đối tượng tiếp cận với thuốc lá đều xứng đáng được bảo vệ, bao gồm giới trẻ, cộng đồng và những người đang hút thuốc với độ tuổi hợp pháp (đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách quản lý). Do đó, đưa thuốc lá thế hệ mới vào quản lý theo luật hiện hành là hành động không thể chậm trễ hơn. Theo bà, cần bắt đầu bằng việc nâng cao nhận thức của người dùng về tác hại của khói thuốc. Sau đó, nếu biết hại mà người dùng vẫn chọn sử dụng thì đó là quyền tự do hợp pháp của họ, các nhà quản lý không thể can thiệp mà chỉ có thể gián tiếp bảo vệ bằng các biện pháp phù hợp.

Đọc thêm