Sống bất an bên bờ sông Phước Giang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng tại bờ sông Phước Giang khiến hàng trăm hộ dân huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) sống cảnh nơm nớp lo sợ từng ngày.
Sạt lở áp sát đường giao thông khu tái định cư Đồng Giá. (Ảnh: Công Huy)
Sạt lở áp sát đường giao thông khu tái định cư Đồng Giá. (Ảnh: Công Huy)

Nhà cửa, đường sá bị uy hiếp

Thời gian gần đây, dọc bờ sông Phước Giang xuất hiện hàng chục điểm sạt lở nghiêm trọng, có vị trí kéo dài cả trăm mét. Trước đó, tại nhiều vị trí, người dân đã trồng tre giữ đất nhưng dòng nước chảy xiết vẫn gây sạt lở, cuốn theo nhiều đất đai, đe dọa sự an toàn của các hộ dân.

Cách không xa khu tái định cư (KTĐC) Đồng Giá phục vụ cao tốc Bắc - Nam phía đông, tình trạng sạt lở cũng diễn ra nghiêm trọng, đến mức được đánh giá nếu không có giải pháp khắc phục, mùa mưa sắp đến, nhà cửa hàng chục hộ dân tại đây có nguy cơ bị “nuốt chửng”. Nhiều vết sạt lở ăn sâu vào bờ hàng chục mét, vị trí mép sạt lở cách tuyến đường khu dân cư Đồng Giá chưa đến 10m.

Bà Từ Thị Minh Trâm (thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh) cho biết, sau khi bàn giao mặt bằng cho chính quyền thực hiện dự án cao tốc, gia đình bà chuyển vào làm nhà trong khu KTĐC. Niềm vui về nơi ở mới khang trang chưa lâu thì ngày ngày phải nơm nớp lo sợ sạt lở.

Tại khu vực Cầu Vông, gia đình bà Nguyễn Thị Thúy Vân (thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh) cũng phập phồng lo lắng bởi trạng sạt lở bờ sông tiếp diễn từng ngày.

Chỉ về phía bụi tre sau nhà, bà Vân cho biết trước đó nằm ngay sát móng nhà nhưng nay đã bị các đợt mưa lớn cuối năm 2023 kéo dần ra mé nước. Để ứng phó mùa mưa lũ 2024, bà Vân mua nhiều xe đất gia cố lại vườn, ngăn cây cối trôi tuột ra sông. Mỗi mùa mưa bão, nước ngập tới cổ, cả nhà 8 người lại kéo nhau đi chỗ khác ở tạm.

Theo tìm hiểu, Phước Giang là con sông lớn với diện tích lưu vực hơn 100km2, chảy qua địa phận các huyện Minh Long, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa. Sông bắt nguồn từ dãy núi Gò Vĩ thuộc xã Long Môn (huyện Minh Long), đến địa phận huyện Nghĩa Hành chia làm hai nhánh chính, một nhánh chảy về hướng sông Bàu Giang chảy ra biển Đông qua cửa Đại và nhánh sông Cây Bứa đổ ra biển Đông qua cửa Lở.

Những năm gần đây, bờ sông Phước Giang thường xuyên bị sạt lở mỗi khi lũ xảy ra. Tốc độ xói lở diễn ra ngày càng nhanh và cường độ mạnh. Việc xói lở đã làm thay đổi hình thái ở nhiều đoạn sông, gây mất đất sản xuất, đe dọa nhà cửa người dân.

Một người dân cho hay niềm vui về nơi ở mới khang trang chưa lâu thì nay lại lo sợ sạt lở. (Ảnh: Công Huy)

Một người dân cho hay niềm vui về nơi ở mới khang trang chưa lâu thì nay lại lo sợ sạt lở. (Ảnh: Công Huy)

Một người dân cho rằng, tại một số đoạn, tốc độ dòng chảy của sông thay đổi từ khi có cao tốc. Lý do khi nền đường được nâng cao đã chặn một số vị trí thoát nước trước kia, tại một số nơi dòng chảy dồn mạnh ở lòng sông, thốc thẳng vào hai bờ.

Chủ tịch UBND huyện: “Lo lắng của người dân là chính đáng”

Theo thống kê, đoạn sông chảy gần KTĐC Đồng Giá (nơi có 80 hộ dân thuộc diện giao đất phục vụ cao tốc Bắc - Nam) đang bị sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ ảnh hưởng hệ thống đường giao thông. Trước đó, cuối 2023, nước sông dâng cao đã gây sạt lở hai bên bờ sông với chiều dài khoảng 1.200m, đoạn qua thôn Tình Phú Bắc và thôn Long Bàn Nam (xã Hành Minh) và tổ dân phố Phú Vinh Tây (thị trấn Chợ Chùa), ảnh hưởng tính mạng, tài sản, đất đai của 100 hộ dân.

Lãnh đạo xã Hành Minh cho biết, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, bà con đã ý kiến việc sạt lở ở sông Phước Giang. Địa phương đã đi kiểm tra và xác nhận tình trạng này. Địa phương đã báo cáo lên trên, đề nghị đầu tư kè. Hiện chưa đến mùa mưa nhưng địa phương đã lên phương án ứng phó, sẵn sàng xử lý khi có tình huống nguy hiểm.

Ông Đinh Xuân Sâm, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành đánh giá, lo lắng của người dân là chính đáng, việc đầu tư xây dựng dự án kè chống sạt lở bờ sông Phước Giang, đoạn qua xã Hành Minh và thị trấn Chợ Chùa rất cấp thiết, cũng là mong mỏi của bà con cử tri, đặc biệt là các hộ dân đã phải di dời, tái định cư ở khu Đồng Giá.

Ông Sâm thông tin, khi xây KTĐC Đồng Giá, huyện đã đề nghị chủ đầu tư quan tâm làm kè chống sạt lở nhưng công trình này lại không nằm trong hạng mục thi công. Với điều kiện nguồn thu của huyện còn hạn chế, huyện kiến nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ để triển khai dự án chống sạt lở bờ sông, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân.

Liên quan lĩnh vực phòng, chống sạt lở, ngày 6/8, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chủ trì cuộc họp khẩn về tình hình sạt lở công trình tuyến đê biển Đông, đoạn giáp ranh Bạc Liêu - Sóc Trăng (từ Km0+046 đến cầu Chiên Túp 1) thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu).

Trước đó, trên địa bàn tỉnh xuất hiện những cơn mưa tập trung, hợp các đợt gió mạnh trên biển đã làm cho sóng biển dâng cao tác động trực tiếp vào mái đê biển Đông. Đồng thời, các đợt triều cường kết hợp sóng mạnh đã làm sạt lở đoạn đê biển Đông giáp ranh hai tỉnh.

Nguyên nhân sạt lở do vị trí bờ biển trước đoạn đê này rừng phòng hộ đã mất hoàn toàn nên sóng đánh trực tiếp vào mái và thân đê, gây sạt lở, gây mất an toàn, ổn định và có nguy cơ gây vỡ đê.

Tuyến đê biển Đông, đoạn giáp ranh giữa tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng xảy ra sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh: Trọng Nghĩa)

Tuyến đê biển Đông, đoạn giáp ranh giữa tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng xảy ra sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh: Trọng Nghĩa)

Thời gian tới, triều cường dâng cao kết hợp sóng to, gió mạnh nguy cơ làm tình hình sạt lở nghiêm trọng hơn. Triều cường dâng cao kết hợp gió mạnh trên biển có khả năng tạo thành các con sóng rất mạnh làm nước biển tràn qua đê chảy vào khu vực sản xuất và nhà dân phía trong đồng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, tình hình sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản của một số hộ gia đình phía sau đoạn đê.

Kết luận cuộc họp, lãnh đạo tỉnh đề nghị các địa phương rà soát lại các đoạn đê có nguy cơ sạt lở, kịp thời ban bố tình trạng khẩn cấp nếu thấy nguy cơ sạt lở có thể xảy ra để chủ động các phương án phòng, chống thiên tai từ sớm; có sự chuẩn bị cụ thể rõ ràng để khắc phục ngay khi sự cố xảy ra, bảo đảm an toàn tính mạng và sản xuất cho người dân.

Trước đó, kiểm tra thực tế đoạn đê, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo địa phương và cơ quan chức năng cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở; hạn chế người ra vào khu vực bị sạt lở. Chỉ đạo các lực lượng công an xã, dân quân tự vệ, Đồn Biên phòng Nhà Mát bố trí lực lượng trực, theo dõi diễn biến hiện trường để kịp thời ứng cứu, xử lý; gia cố tạm thời khu vực sạt lở, hạn chế khả năng sạt lở lây lan, gây vỡ đê. Trọng Nghĩa

Đọc thêm