"Sống chết mặc bay" trên thị trường chứng khoán

  Có vẻ như đội ngũ điều hành tại nhiều DN niêm yết đang thờ ơ với cổ đông và với sự sụt giảm vô lý của giá cổ phiếu, dù họ biết giá cổ phiếu đang thấp hơn nhiều giá trị của DN...  
Có vẻ như đội ngũ điều hành tại nhiều DN niêm yết đang thờ ơ với cổ đông và với sự sụt giảm vô lý của giá cổ phiếu, dù họ biết giá cổ phiếu đang thấp hơn nhiều giá trị của DN.
Thời gian gần đây, TTCK Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cổ phiếu của nhiều DN, tập trung chủ yếu trên Sở GDCK Hà Nội, đang được giao dịch dưới mệnh giá. Thậm chí, có cổ phiếu chỉ được giao dịch với mức giá bằng 1/5 mệnh giá.
Điều này thường được lý giải bởi những khó khăn chung của nền kinh tế, do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu v.v... Tuy nhiên, hiện trạng này cũng đang đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi phải được phân tích, mổ xẻ kỹ lưỡng và nghiêm túc dưới góc nhìn kinh tế học và trách nhiệm của các nhà quản lý.
Mục tiêu hàng đầu của các DN không phải chỉ là tạo ra lợi nhuận đơn thuần mà phải là tạo ra giá trị cho DN hay cũng chính là giá trị cho các cổ đông. Dưới góc độ kinh tế, giá trị của một DN chính bằng mức vốn hóa thị trường của DN đó, tức là số tiền để mua lại toàn bộ DN.
Khi cổ phiếu của một DN liên tục bị giảm giá, thậm chí được giao dịch dưới mệnh giá, có nghĩa là các cổ đông đang mất dần đi giá trị đầu tư của mình. Điều này nếu kéo dài sẽ dẫn đến sự lung lay niềm tin của NĐT đối với tương lai của DN, nhất là khi họ không nhận được những phản hồi tích cực từ chính ban lãnh đạo.
Có 3 câu hỏi thường được quan tâm đặt ra khi giá cổ phiếu của một DN sụt giảm: Liệu DN có lãi thật không, có khả năng tồn tại lâu dài, phát triển bền vững?
Năng lực quản trị của đội ngũ lãnh đạo DN tới đâu, có đủ khả năng để chèo lái DN qua các khó khăn của kinh tế vĩ mô?
Tài sản của DN liệu có bị tổn thương, mất mát hay không mà giá cổ phiếu bị sụt giảm?
Do vậy, việc cổ phiếu của công ty được giao dịch với mức giá thấp hơn mệnh giá sẽ gây những hiệu ứng tiêu cực cho DN, không chỉ ở hiện tại mà cả trong tương lai.
Trên thực tế, khi Ban lãnh đạo DN chứng minh được năng lực quản trị và phẩm chất đạo đức của mình với NĐT, đối tác, thì câu hỏi thứ nhất cũng có thể được giải đáp. Chính vì vậy, khi không thể tác động được vào một yếu tố lớn là nền kinh tế vĩ mô, thì việc xây dựng niềm tin của NĐT với DN, mà cụ thể là ban lãnh đạo DN là điều cần thiết.
Trên thế giới, mối tương tác giữa lãnh đạo DN lớn với các cổ đông là thường xuyên và sâu sắc, bởi khi thị giá sụt giảm nghiêm trọng, nguy cơ bị thâu tóm của một DN là rất lớn và đi kèm với đó là những lợi ích trực tiếp của chính bộ máy điều hành đương thời. Cơ chế công bố thông tin, tạo niềm tin cho NĐT chính là một yếu tố quan trọng giúp thị trường nhìn nhận chuẩn xác hơn giá trị của DN, từ đó, hạn chế những tác động tiêu cực từ yếu tố vĩ mô.
Nhưng, trở lại với các DN Việt Nam, có vẻ như đội ngũ điều hành tại nhiều DN đang thờ ơ, hoặc chấp nhận để giá cổ phiếu nằm trong quy luật chung của nền kinh tế, bất chấp những giá trị riêng có của mình. Quan điểm để thị trường tự tìm hiểu, tự đánh giá về mình theo cách "hữu xạ tự nhiên hương" mà không hiểu rằng, việc để chính cổ đông của mình phải bán rẻ tài sản họ sở hữu, đó cũng là cái tội của ban lãnh đạo, rằng không phải lúc nào thị trường cũng đúng.
Nền kinh tế vĩ mô được dự báo vẫn còn khó khăn trong thời gian tới. Các NĐT đang chờ đợi vào những quyết định táo bạo, thông minh và trách nhiệm của các nhà quản lý DN niêm yết, hy vọng được bảo vệ lợi ích NĐT một cách hoàn chỉnh hơn. 
PGS.TS. Nguyễn Văn Thanh, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Thương mại
 

Đọc thêm