Sống giữa đời, là khổ hay vui..?

(PLO) -Trên đời này, có những sự việc xảy ra khiến người này vui thích, người khác lại ghét bỏ; người cho là khổ còn người khác lại là sướng. Tâm lý người đời ai cũng sợ khổ, cầu vui, vậy phải sống thế nào để không khổ mà lúc nào cũng vui?
Nghiện ngập là “thú vui” của kẻ mê lầm (Ảnh minh họa)
Nghiện ngập là “thú vui” của kẻ mê lầm (Ảnh minh họa)

Trước hết, chúng ta hãy nói cái vui của người thế tục. Ví dụ, có người lỡ nghiền thuốc hay nghiền rượu mà gặp lúc trong túi không tiền, được ai cho điếu thuốc hay ly rượu thì thật vui sướng vô cùng, coi là một niềm vui lớn. Đó là cái vui của người nghiền thuốc, nghiền rượu. 

Mê hay tỉnh?

Nếu người nghiền rượu mà giàu có, thì rủ bạn bè vào quán, ăn nhậu say túy lúy, nhờ uống rượu mà thỏa mãn cơn nghiền nên cảm thấy vui sướng. Song, với người không nghiền rượu thấy gia cảnh người nghiền rượu, nghiền thuốc nghèo thiếu, hoặc thấy những người giàu có họp năm họp bảy chè chén say sưa cả ngày, thì họ cho đó là khổ. Như vậy, cùng một sự việc mà người mê và người tỉnh thấy khác nhau, tại sao ? 

Vì người mê chỉ biết tham cầu thỏa mãn sở thích nhất thời nên thấy vui, chứ không thấy được cái “nhân” đau khổ về sau. Còn người tỉnh, họ thấy một nhóm người tụ năm họp bảy chè chén say sưa, hao tiền tốn của là cái “nhân” gây đau khổ; chi phí cho tiệc rượu đó, gia đình họ có thể sống trong năm ba ngày, cần phải ra sức làm việc gấp năm ba lần mới đủ cung cấp tiền cho gia đình sống.

Đó là cái khổ về thân, chưa kể về nhà bị  vợ  cằn  nhằn gây gổ, chưa nói đến say mèm, đi nghiêng tới ngã lui, về nhà nằm nôn mửa hôi hám làm nhơ bẩn cả nhà, khiến cho vợ con chê chán, cha mẹ buồn phiền, lâu ngày sinh ra bệnh hoạn... là những cái khổ của nhiều ngày về sau. Cái vui của người mê là cái vui trá hình của đau khổ, nên người tỉnh thấy là khổ, là thấy đúng lẽ thật. Chúng ta biết tu là tỉnh, nhờ tỉnh mới thấy những cái khổ mà người thế gian tưởng là vui, để mà tránh. 

Vui hay khổ?

Có lắm người nhiều tiền nhiều của, hay những người trai trẻ muốn tìm khoái lạc nên chích hút ma túy. Lúc đầu hút năm ba điếu thấy sảng khoái, lâng lâng thoát tục nên rất thích thú, sau đó tìm hút mãi ... đó là cái mê của người hút ma túy.

Song, vì hút nhiều lần nên nghiền, ngày nào không hút thì ngáp ngắn ngáp dài trong cơn nghiền. Hút lâu ngày hao mòn sức khỏe, thân thể gầy ốm bệnh hoạn, sống dở chết dở, chưa nói đến hao tiền tốn của, tán gia bại sản vô gia cư, vô nghề nghiệp ....

Người mê lầm tưởng hút ma túy là vui nên lao vào, khi nghiền rồi thì cha mẹ, vợ con, anh em từ bỏ, sống dở chết dở như thế thật là đau khổ.

Người tỉnh sáng thấy ma túy gây cho người hút một chút khoái cảm buổi đầu nhưng đó chính là cái “nhân” đau khổ về sau, như thân tàn ma dại, tán gia bại sản, trộm cắp của người, cha mẹ, anh em từ bỏ, bạn bè xa lánh ...  vì vậy mà tránh ngay từ buổi đầu nên “quả” khổ không có. Đó là cái vui và cái khổ của người tỉnh và người mê đối với ma túy.

Bất thiện thì sao?

Còn đây là cái vui và khổ của việc làm không lương thiện. Mấy đứa  trẻ mười ba, mười lăm tuổi bắt cá lia thia, bắt dế nhốt chung cho nó đá lộn với nhau, thấy con này rượt con kia chạy thì vỗ tay reo cười. Hoặc có người nuôi gà nòi, gà tre, ngày ngày cạo chuốt cái cựa gà cho bén để đi đá lộn; khi hai con gà đá nhau, cựa con gà này chích vào thịt con gà kia máu chảy, da toạc... thì vỗ tay vui cười. Đó là cái vui của tâm tàn nhẫn thiếu đạo đức, lấy cái khổ của chúng sinh làm cái vui cho mình.

Mê lầm sinh ra nhiều bi kịch (Ảnh minh họa)
Mê lầm sinh ra nhiều bi kịch (Ảnh minh họa)

Lại có những người coi đấu võ trên đài, hai võ sĩ quần thảo với nhau, đến hồi quyết liệt, võ sĩ này đánh thắng võ sĩ kia, thì ở dưới đài, khán giả vỗ tay hoan nghênh. Hỏi võ sĩ: “Tại sao nỡ xuống tay hạ người ta đo ván như vậy? Có lợi gì cho mình mà làm như thế ?”

Võ sĩ ấy trả lời rằng: “Thưa thầy, khán giả họ độc lắm, lên khán đài mà mình đánh nhẹ nhẹ với nhau thì họ cho  rằng mình đánh giả vờ, họ la lên phản đối.  Nếu mình đánh thẳng tay thì đối phương phải gục ngã, khi thấy có người bị  hạ thì họ vỗ tay hoan nghênh reo cười...”. 

Chúng ta thấy, từ việc vui trên cái khổ của loài thú (như dế, gà..) tới vui trên cái khổ của con người, tức là làm khổ vật, làm khổ người để mua vui cho mình, đó là cái vui phi đạo đức, cái vui của kẻ mê, không phải cái vui của người tỉnh. Là Phật tử chúng ta nên đặt cái vui của mình trên cái vui của người, làm cho người vui thì mình mới vui, nếu làm khổ cho người thì không bao giờ làm. 

Lại có những thanh niên dùng ná hoặc dùng súng nhỏ đi vào vườn, vào rừng tìm thú để bắn. Trên cành cây, chim trống, chim mái đang đậu rỉa lông hoặc kêu hót rất hay, thế mà bất thình lình, mấy chú vươn ná hoặc súng nhắm bắn.

Một con chim bị thương té nhào  xuống đất, các chú xúm lại vỗ tay vui mừng. Đoạn mạng sống của chúng sinh là hành động xấu. Làm việc ác, việc xấu mà lấy làm vui! Chẳng những người bắn vui mà những người ở chung quanh cũng vỗ tay vui đùa nữa.

Thật là vui trên cái chết chóc của loài vật. Giết được một con vật thì khởi niệm vui mừng, lòng người quá ác! Từ thái độ xem thường mạng sống của loài vật, dần dần sẽ xem thường mạng sống của loài người, đi đến chỗ giết người chả bao xa!

Lại có người tham lam thấy người ta đeo vòng vàng liền giật lấy, sau đó đem về nhà vợ chồng con cái vui cười hỷ hả, trong khi người bị mất của thì buồn khổ. Hoặc những kẻ ăn trộm, lén đào ngạch khoét vách lấy trộm của người đem về nhà cùng vợ con ăn tiêu vui vẻ, không hề nhớ tới cái khổ của người mất của.

Như thế, chủ khổ nhiều chừng nào thì kẻ trộm càng vui chừng nấy. Từ chỗ quen tay lấy trộm của người, dần đến chỗ cướp của giết người không e ngại, không gớm tay, miễn thỏa mãn thú vui của mình thì làm. Cái vui đó quá tàn ác, không chút lương tâm...

Thế nhưng ở thế gian này có lắm người làm như vậy. Đó là những kẻ mê, do mê nên mới đặt cái vui trên cái khổ của người khác. Người tỉnh thì không bao giờ vui trên khổ đau của kẻ khác, phải tránh mọi hành động, mọi vui chơi có phương hại, gây đau khổ đến người, đến vật.

Lại có những người chạy theo sắc dục, lấy đó làm vui. Chẳng hạn một thanh niên cùng một lúc giao tiếp với năm bảy cô gái và được các cô ái mộ thì lấy đó làm vui thích, tự hào là kẻ tài hoa được nhiều người yêu thương. Nhưng không ngờ cái vui đó là cái vui trên cái khổ, khổ vì thân xác hao mòn, khổ vì tâm thần rối rắm...

Nhiều người đã có gia đình lại còn lôi thôi, nay thay chồng, mai đổi vợ, lấy đó làm vui. Họ không ngờ mỗi lần đổi thay là mỗi lần đau khổ, con cái đứa thiếu cha đứa thiếu mẹ, bơ vơ  khốn khổ. Cái vui ích kỷ của cha hoặc mẹ làm cho con cái khổ sở, khốn đốn mà người làm cha làm mẹ không bao giờ nghĩ đến, cứ sống theo thị dục thú vui riêng của mình!

Lại có những người có máu cờ bạc, lấy sự đánh bạc làm vui; khi được thì đem tiền về sắm sửa ăn mặc, thết đãi bà con bạn bè, lấy làm vui vẻ thích thú; khi thua thì buồn khổ; khổ vì hết tiền nghèo nàn đói rách, nhà cửa tan hoang, nợ nần bủa vây, nay người này đòi nợ, mai người kia đòi nợ, đòi mà không có tiền trả thì bị nặng lời hoặc bị mắng chửi... Cờ bạc ăn thì ít mà thua thì nhiều, nên khổ nhiều hơn vui, vui trên đau khổ…/. 

(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 58, ngày 20/6/2016)