Năm 2014, 75 hộ dân ở xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An đã khởi kiện quyết định hành chính về quản lý đất đai trong trường hợp bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư của UBND huyện ra TAND cùng cấp vì cho rằng quyết định không đúng.
Ở cả 75 phiên tòa, người dân đều thắng kiện. Trước đó, UBND huyện này cũng từng thua kiện 82 hộ dân trong xã cũng liên quan đến việc bồi thường cho dân. Như vậy trong vòng 4 năm, huyện đã thua kiện ở 157 phiên tòa.
Nguyên nhân của việc khiếu kiện quyết định hành chính nêu trên xuất phát từ việc thu hồi đất của dân phục vụ dự án hạ tầng Khu công nghiệp xã An Nhựt Tân. Tại phiên tòa sơ thẩm của TAND huyện, 82 hộ dân thua kiện. Các hộ đồng loạt kháng cáo và tại phiên tòa phúc thẩm, TAND tỉnh Long An nhận định UBND huyện Tân Trụ đã ban hành quyết định bồi thường giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nhưng không căn cứ vào quyết định thu hồi đất.
Cụ thể, huyện ra quyết định bồi thường thu hồi đất từ năm 2007 nhưng đến năm 2008 mới ra quyết định thu hồi đất, điều này trái với trình tự, thủ tục được Nhà nước quy định. Từ đó dẫn đến việc áp giá bồi thường không đúng, gây thiệt thòi cho người dân.
TAND tỉnh Long An đều chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người dân, yêu cầu UBND huyện Tân Trụ hủy quyết định về bồi thường, hỗ trợ giá trị quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền trên đất đã ban hành vào năm 2007. Sau đó tháng 9/2014, 75 hộ dân khởi kiện và được TAND huyện tuyên thắng kiện như đã nói trên.
Mới đây, tại tỉnh Đắk Lắk, một công dân cũng thắng kiện UBND huyện Krông Pắk vì ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật. Theo đó, ngày 4/6/2008, UBND huyện Krông Pắk đã ban hành Quyết định số 745/QĐ-UB về việc thu hồi và hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD 575 134, thửa đất số 16, tờ bản đồ số 2, với diện tích 6.112,7m2 đã cấp cho gia đình ông Nguyễn Quang Hoa. Lý do thu hồi là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp không đúng thẩm quyền.
Không đồng ý với quyết định này, ông Nguyễn Quang Hoa đã khởi kiện vụ án hành chính đến Tòa án nhân dân huyện Krông Pắk yêu cầu tuyên hủy Quyết định số 745/QĐ-UB nói trên. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân huyện Krông Pắk tuyên bác đơn khởi kiện của ông Nguyễn Quang Hoa. Không đồng ý với phán quyết này, ông Nguyễn Quang Hoa đã kháng cáo lên Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk.
Tại Bản án phúc thẩm số 04/2013/HC-PT ngày 30/1/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã tuyên sửa bản án công nhận đơn khởi kiện của ông Nguyễn Quang Hoa. Yêu cầu UBND huyện Krông Pắk hủy bỏ Quyết định số 745/QĐ-UB ngày 4/6/2008 của UBND huyện Krông Pắk về việc thu hồi và hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và khôi phục lại giấy chứng nhận đã cấp cho ông Hoa là đúng thẩm quyền. Tháng 8/2014, UBND huyện Krông Pắk đã ra quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý Quyết định số 745/QĐ-UB ngày 4/6/2008 của UBND huyện Krông Pắk.
Còn tại Bình Dương, ông Trần Anh Hào - nguyên Tổng Giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng thành viên Cty TNHH Việt Nam Thạch Anh (tức ViCeRa) thắng kiện Sở KH&ĐT Bình Dương. Theo đó tòa tuyên, buộc Sở KH&ĐT Bình Dương phải thu hồi, hủy bỏ giấy đăng ký kinh doanh đã cấp cho Công ty ViCeRa vào tháng 7/2014. Ở các tỉnh Tuyên Quang, Thanh Hóa, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh… cũng từng có Công dân thắng kiện chính quyền.
Theo TANDTC, qua thực tiễn hơn 3 năm thi hành Luật Tố tụng Hành chính cho thấy, mặc dù số lượng các vụ án hành chính ngày càng gia tăng (mỗi năm các Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục sơ thẩm trên 5 ngàn vụ) nhưng chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án hành chính chưa thực sự bảo đảm; số lượng các bản án, quyết định về vụ án hành chính bị huỷ, sửa chưa giảm mạnh. Năm 2012 tỷ lệ các bản án, quyết định bị huỷ là 3,5%, bị sửa là 3,1%; năm 2013 tỷ lệ các bản án, quyết định bị huỷ là 3,4%, bị sửa là 4,2%; năm 2014 tỷ lệ các bản án, quyết định bị huỷ là 4,64%, bị sửa là 4,3%.
Trong nhiều nguyên nhân được TANDTC chỉ ra, có nguyên nhân thẩm quyền xét xử của từng cấp Tòa án chưa thực sự hợp lý. Vì thế, việc thay đổi về thẩm quyền xét xử được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng “Tòa huyện xử quan huyện” nên người dân đi kiện như “con kiến kiện củ khoai”.