Đỉnh dịch, nên nghĩ đến sốt xuất huyết khi người bị sốt tới khám

Chuyên gia Y tế khuyến cáo, người dân khi bị sốt không nên tự ý truyền nước, mà cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nên nghĩ tới SXH khi người bệnh bị sốt đến khám.
Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê (áo trắng, thứ 3 từ trái sang) thăm bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Internet
Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê (áo trắng, thứ 3 từ trái sang) thăm bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Internet
Trước tình hình bệnh  Sốt xuất huyết (SXH) gia tăng và đang ở đỉnh của dịch, qua báo cáo và phân tích rút kinh nghiệm của các bệnh viện, các nhà chuyên môn về các ca bệnh tử vong do SXH trong thời gian vừa qua đã đưa ra khuyến cáo: Người dân không điều trị tại nhà mà hãy đến ngay cơ sở y tế khi có các biểu hiện nghi ngờ SXH như sốt cao liên tục 2-7 ngày, khó hạ sốt; đau cơ, đau khớp; buồn nôn, nôn, đau bụng, đau đầu; phát ban, xuất huyết dưới da.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nên nghĩ tới SXH khi người bệnh bị sốt đến khám; tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh SXH đã được ban hành theo Quyết định số 458/QĐ-BYT ngày 16/2/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Mặt khác, các sơ sở cần theo dõi sát các triệu chứng cơ năng và thực thể của người bệnh để phát hiện, chẩn đoán, điều trị sớm đúng theo hướng dẫn đã ban hành; hội chẩn với tuyến trên khi khó chẩn đoán, điều trị.
Các cơ sở y tế thực hiện việc chuyển viện an toàn, liên hệ trước nơi nhận, chuẩn bị phương tiện, thuốc, nhân lực hộ tống người bệnh trên đường chuyển viện, ghi đầy đủ thông tin theo quy định vào giấy chuyển viện của người bệnh.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 9 tháng qua, trên cả nước đã ghi nhận gần 40.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), cao hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Số ca tử vong liên quan đến SXH tính đến thời điểm này cũng đã cao hơn so với năm ngoái, là 25 ca.
TP HCM dẫn đầu cả nước về số ca mắc với 9.000 ca, trong đó 3 trường hợp tử vong; Đồng Nai 5.365 ca mắc, 3 ca tử vong; Bình Dương 3.087 ca, 6 tử vong; Hà Nội 2.700 ca mắc, chưa có trường hợp tử vong...
Ở Hà Nội, chỉ tính riêng tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, số ca mắc SXH trong tháng 9 đã tăng gần gấp đôi so với tháng 8, từ 188 ca lên gần 300 ca, khiến bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.
So với thời điểm cách đây 3 tuần, số ca mắc ở mỗi tỉnh, thành phố tăng mạnh thêm 1.000-1.200 ca, trong đó số ca tử vong tăng thêm 7.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hà Nội, nguyên nhân số ca mắc SXH tăng vọt do thời điểm tháng 9-10 đang là đỉnh của dịch.
Ông Cảm cho biết, để hạn chế số ca mắc gia tăng trong tháng 10, phấn đấu giảm hẳn trong tháng 11, Hà Nội đang phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Tuy nhiên, hơn 30% số hộ gia đình trên địa bàn vẫn từ chối phun hóa chất, không hợp tác với cán bộ y tế hoặc vắng nhà liên tục.