3 đời khó
Bà Hoa vốn sinh ra và lớn lên tại quận Tân Bình, nhưng sớm chịu cảnh mồ côi cha mẹ. Đứa bé côi cút sống với gia đình nhà dì, ngày ngày vật lộn kiếm tiền, lớn lên trong thiếu thốn, buồn tủi. Năm 20 tuổi Hoa làm công nhân nhà máy Dầu Tân Bình, gặp mối tình đầu tại đây. Hai người cùng cảnh ngộ mồ côi, nghèo khó. Không cưới hỏi, họ dẫn nhau thuê căn phòng trọ nhỏ sống chung. Rồi những đứa con lần lượt ra đời.
Thế nhưng càng ngày người chồng càng thay đổi tính nết, gái gú, cờ bạc, đánh đập vợ con. “Tay chân tôi đã bị gãy mấy lần. “Tức nước vỡ bờ”, một lần ông ta đánh đập mấy đứa con, đường cùng tôi vớ lấy con dao chặt đứt ngón tay út của mình tuyên bố: “Sau này nếu còn đụng đến con tao, thì tao giết…”. Có thế ông ấy mới tha cho mẹ con tôi”.
Nhắc đến những đứa con, bà Hoa lại ứa nước mắt. Sinh được 4 người con, từ nhỏ chúng đã sống trong cảnh ăn bữa nay lo bữa mai, vì bà quần quật làm việc cả ngày cũng không đủ lo cho cả nhà. Cay đắng nhất là cô con gái Đào Thị Mỹ Huệ, chính là mẹ của ba đứa nhỏ côi cút đang được bà chăm bẵm.
Năm 19 tuổi, Huệ đi làm thuê tại quán cà phê, gặp người “chồng hờ” hiện tại, rồi gói gém quần áo bỏ nhà đi. Ngày sinh đứa con gái đầu tiên, không có tiền nên ngay khi bác sĩ cắt rốn cho con xong, Huệ phải lén bế đứa con trốn viện.
Khi đứa bé mới mười mấy ngày tuổi, người mẹ trẻ phát hiện chồng mình “hú hí” với người khác, còn về đánh vợ tơi bời. Sau nhiều lần bị đánh ngất xỉu, Huệ bỏ về nhà mẹ đẻ.
Ba lần đi đẻ đều trốn viện
Ban đầu, cha cấm cô bước vào nhà. Thương con, bà Hoa ra sức cầu xin chồng cho con gái có chỗ dung thân. “Khổ sở lắm tôi mới xin cho nó được vào nhà. Chồng tôi tuyên bố: “Nếu ở với chồng thì không có ba mà ở với ba thì không có thằng đó”. Tưởng nó nghe ba mẹ, ai ngờ …”, bà Hoa ngao ngán nhớ lại.
Sau 3 ngày ở lại nhà mẹ, khi “chồng hờ” tìm đến, nói những lời “rót mật vào tai”, Huệ lại bỏ đi cùng hắn. Từ đó người cha từ mặt con gái, bà Hoa sợ chồng nên cũng không dám liên lạc với con. Bỗng một ngày, “con rể” tìm đến bệnh viện nơi bà đang làm tạp vụ xin tiền. Khi đó người mẹ mới biết con gái mình đang nằm bệnh viện đẻ đứa thứ 2, không có tiền.
Thương con, dù không còn đồng nào trong người, bà tất tưởi chạy đi xin ứng 3 tháng lương đưa tiền cho “rể hờ”. Ai ngờ bà lại giao tiền cho kẻ lừa đảo. Hắn ta lấy số tiền đó rồi biến mất tăm.
Người vợ đang nằm bệnh viện càng ngóng chồng càng vô vọng. Tay trắng, không còn cách nào khác, Huệ bọc đứa con đỏ hỏn vào chăn rồi bỏ vào giỏ xách trốn viện tìm mẹ.
Tình phụ tử đã bị cắt đứt, nên lần này mặc bà Hoa van xin, người cha vẫn không cho con gái bước chân vào nhà. Người mẹ phải chạy vạy mượn được 300 ngàn đồng thuê cho mẹ con Huệ một phòng trọ nương thân.
Tưởng sau hai lần chịu đau khổ, cô con gái đã tỉnh ngộ. Nhưng không ngờ người chồng hờ tìm đến dụ dỗ lần nữa, Huệ lại quay lại sống cùng, rồi cô gái tiếp tục mang bầu đứa thứ 3. “Lần đó nó sinh tại bệnh viện Từ Dũ. Ý định đẻ xong sẽ cho người ta đứa con này. Nhưng họ lại chỉ xin con gái thôi, cho con trai thì họ không lấy. Nằm chờ 1 tuần vẫn không có ai nhận. Không có tiền nằm bệnh viện nữa, Huệ lại ẵm con trốn viện”, bà Hoa chia sẻ.
Thiếu ăn, không có sữa, người mẹ bế con chạy vạy khắp nơi xin sữa. Những ngày đó, bà Hoa vừa vật lộn kiếm tiền, lại phải lén lút trốn chồng đi chăm 4 mẹ con cháu ngoại.
Tội lỗi bố mẹ gây ra, đàn trẻ phải gánh chịu. Từ khi lọt lòng chúng đã phải theo mẹ trốn viện, lớn lên tí chút bươn chải bán vé số, lượm ve chai. “Con rể” bà Hoa vẫn tệ bạc như lúc trước, chơi bời, nghiện ngập, đến khi túng thiếu thì đi cướp giật tài sản, bị phạt 3 năm tù. Con gái bà Hoa sinh ra đổ đốn, đi làm công việc “bán thân nuôi miệng” rồi nghiện hút. Trong một lần đang tụ tập hút chích, cả nhóm bị công an bắt giữ.
Khát vọng đi học
Ba đứa nhỏ đáng thương một lúc phải xa vòng tay cả cha lẫn mẹ. Gánh nặng cơm áo đổ hết lên bà ngoại. Gần hết đời người, gia đình bà vẫn mãi gắn với cuộc sống ở trọ. May sao mới đây, được người em chồng thương tình cho cả gia đình bá tá túc tạm. Hàng ngày bà lang thang khắp đường phố bán vé số, chỉ đủ nuôi cháu bằng cơm trộn tương.
Lo miếng ăn chưa dứt, thì bệnh tật liên tiếp ập xuống. “Hơn một tháng trước, cả ba đứa đều bị sốt xuất huyết. Tôi không có tiền, chạy vạy vay mượn đâu cũng không được. Đường cùng, tôi phải dẫn chúng từ bệnh viện về nhà. Ba đứa nằm mê man, mà tôi cứ sợ không biết bỏ liều thì có chuyện chi không?. Thấy vậy, bà hàng xóm liền chạy ra công an ấp xin cho tôi được 1 triệu đồng dẫn cháu đi bệnh viện”, bà Hoa nhớ lại. Không chỉ những đứa cháu nay ốm, mai đau, bản thân bà Hoa cũng bị căn bệnh tim đeo bám bao năm nay. Nhiều lần đi bán vé số, bà bị ngất xỉu giữa đường, phải nhờ người dân đưa vào bệnh viện.
Niềm vui trong đời bà, giờ là những đứa cháu. Hằng ngày ba chị em nằng nặc đòi theo bà ngoại đi bán vé số. Trên chiếc xe đạp cũ nát, bà Hoa đi bộ đẩy xe, hai đứa lớn ngồi sau, đứa út ngồi chông chênh trên yên trước. Đến quán ăn, cả ba nhảy xuống đứa cầm tập vé số, đứa cầm giấy dò mời khách.
“Sợ mấy đứa nhỏ đi theo lỡ may bị xe đụng, nhưng cấm cản sao chúng cũng đòi đi. Ngày nào tôi lén không cho đi thì kiểu gì cả ba chị em cũng dắt nhau đi tìm ngoại. Nói ra thì xấu hổ, nhưng thực ra chúng đi cũng một phần vì nếu may mắn, chúng được người ta cho ăn”, bà tâm sự. Bốn bà cháu cứ lần mò khắp nẻo đường. Khi người đi đường thưa thớt, đồng hồ điểm nửa đêm, bóng lớn bóng nhỏ mới thất thểu dắt nhau về.
Ngoài nỗi lo miếng ăn, bao năm nay bà canh cánh trong lòng nỗi lo 3 đứa trẻ đã đến tuổi học chữ nhưng chưa được đến trường. “Sinh ba đứa đều phải chịu cảnh trốn viện, không có giấy xuất viện đồng nghĩa với việc không làm được giấy khai sinh cho bọn trẻ. Nhiều lần tôi lặn lội lên bệnh viện, rồi UBND phường 15, quận Tân Bình nơi đăng ký hộ khẩu để làm giấy khai sinh nhưng đều thất vọng. Hơn nữa giờ đây bà cháu tôi ngày ngày vật lộn với miếng ăn đã khó, tiền đâu cho chúng đi học?”.
Ngày nào thấy mấy đứa bạn mặc đồ đẹp đến trường, tụi trẻ lại đứng ngóng trước cửa rồi quay lại hỏi: “Ngoại ơi! Con muốn được đi học. Sao người ta sướng mà mình khổ dữ vậy ngoại ?”.