Kiên quyết áp dụng lộ trình thực hiện GMP trong sản xuất thực phẩm chức năng

(PLO) - Ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khẳng định như vậy tại Hội nghị khoa học quốc tế về Thực phẩm chức năng (TPCN) lần thứ hai vừa được Bộ Y tế, Hiệp hội TPCN Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội. Theo đó, trong thời gian tới công tác quản lý TPCN sẽ hướng tới mục tiêu xây dựng ngành TPCN Việt Nam trở thành ngành kinh tế  y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng
Cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng

Kiểm soát chặt chẽ, hài hòa với quy định quốc tế…

Hội nghị khoa học quốc tế về TPCN lần thứ hai thu hút hơn 300 đại biểu đến từ các Ban ngành, cơ quan Quốc hội và Chính phủ; các viện nghiên cứu trong nước, quốc tế và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN trong và ngoài nước.

Với mục đích trao đổi kinh nghiệm về quản lý, chia sẻ các thông tin chuyên ngành, các thành tựu khoa học, công nghệ được ứng dụng trong lĩnh vực TPCN, hướng tới phát triển TPCN bền vững vì sức khỏe cộng đồng, Hội nghị tập trung vào 3 nội dung chính: Quản lý an toàn thực phẩm đối với TPCN; quá trình hình thành, phát triển và hội nhập quốc tế trong quản lý TPCN; các nghiên cứu chuyên đề về TPCN.

Hội thảo Thực phẩm chức năng quốc tế lần 2
Hội thảo Thực phẩm chức năng quốc tế lần 2

Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trong thời gian tới công tác quản lý TPCN sẽ tiếp tục được quan tâm đặc biệt tại Việt Nam với phương thức quản lý hiện đại, chính sách quản lý vừa đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, vừa kiểm soát chặt chẽ chất lượng, an toàn thực phẩm, đồng thời hài hòa với các quy định quốc tế. Công tác quản lý sẽ hướng tới mục tiêu xây dựng ngành TPCN Việt Nam trở thành ngành kinh tế  - y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Kiên quyết áp dụng lộ trình thực hiện GMP trong sản xuất TPCN

Phát biểu khai mạc Hội nghị quan trọng này, ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho hay, Việt Nam có lợi thế phát triển TPCN dựa trên nền Y học cổ truyền phát triển. Hơn 20 năm phát triển, hiện Việt Nam có khoảng 20.000 sản phẩm TPCN, trên 70% sản phẩm được sản xuất trong nước.

Để quản lý lĩnh vực này, chúng ta đã có Luật An toàn thực phẩm và nhiều văn bản dưới Luật quy định về vấn đề này. Đặc biệt phải kể đến Nghị định 15/2018 hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm, trong đó có một nội dung quy định về việc, từ ngày 1-7-2019, tất cả các cơ sở sản xuất sản phẩm bảo vệ sức khỏe phải đạt tiêu chuẩn GMP.

Mặc dù hành lang pháp lý quản lý lĩnh vực TPCN đã tương đối đầy đủ và chặt chẽ, tuy nhiên theo nhận xét của lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm: Một số doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất TPCN vẫn vi phạm, tập trung vào các lỗi như: Sản phẩm chưa được phép lưu hành đã đưa ra thị trường; ghi nhãn sai; quảng cáo không đúng sự thật khiến người dân lầm tưởng, làm mất đi thời gian Vàng chữa bệnh, khiến bệnh ngày càng nặng hơn; đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo… 

Để chấn chỉnh tình trạng này, góp phần nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm đối với TPCN, ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng: Trong thời gian tới, công tác quản lý TPCN phải được siết chặt hơn theo hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN phát triển nhưng cũng phải quản lý chặt chẽ doanh nghiệp không tuân thủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó phải thực hiện nghiêm túc Nghị định 15 hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm. Đồng thời xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo an toàn thực phẩm nói chung và TPCN nói riêng, với mục tiêu phát triển TPCN phù hợp với xu thế quốc tế cũng như Việt Nam.

Trước đề xuất của một số doanh nghiệp về việc kéo dài lộ trình thực hiện GMP trong các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, ông Nguyễn Thanh Phong cho hay, hiện Chính phủ chưa có quy định kéo dài thời gian thực hiện tinh thần của Nghị định số 15.

Đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng cho biết, hiện nay có nhiều doanh nghiệp chưa đạt tiêu chuẩn GMP trong sản xuất TPCN, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp đã đạt được tiêu chuẩn này. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều doanh nghiệp đang làm thủ tục đề nghị Bộ Y tế và cơ quan chức năng xem xét cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GMP.

Căn cứ vào các quy định, Bộ Y tế sẽ xem xét, thẩm định và tiến hành cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GMP cho các doanh nghiệp, công ty. Cụ thể: Bộ Y tế đã cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GMP cho 10 doanh nghiệp, các doanh nghiệp khác Bộ đang xem xét và phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương hoàn tất thủ cấp. Theo dự kiến, sẽ có khoảng 200 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GMP để đảm bảo nhu cầu sản xuất TPCN cho thị trường.

“Chúng ta không lo thiếu TPCN, chỉ lo thiếu các sản phẩm TPCN tốt. Nếu  không thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật trong lĩnh vực này, sẽ không tạo nên sự bình đẳng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh TPCN, cũng như khó kiểm soát chất lượng các sản phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Chính vì thế, chúng tôi sẽ kiên quyết thực áp dụng lộ trình thực hiện tiêu chuẩn GMP trong sản xuất TPCN!” – ông Nguyễn Thanh Phong nói.

“Chúng ta không lo thiếu TPCN, chỉ lo thiếu các sản phẩm TPCN tốt. Nếu  không thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật trong lĩnh vực này, sẽ không tạo nên sự bình đẳng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh TPCN, cũng như khó kiểm soát chất lượng các sản phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng…”.

Đọc thêm