Kon Tum ghi nhận thêm 3 trường hợp mắc bệnh bạch hầu

(PLVN) - Mới đây, Sở Y tế tỉnh Kon Tum đã có thông cáo báo chí về việc ghi nhận thêm 3 trường hợp mắc bệnh bạch hầu trên địa bản tỉnh Kon Tum. Theo đó cả 3 bệnh nhân đều đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô và Sa Thầy, sức khỏe ổn định.
Các bác sĩ làm việc bên trong khu cách ly điều trị cho bệnh nhân dương tính với bạch hầu. Ảnh: Báo Đắk Lắk
Các bác sĩ làm việc bên trong khu cách ly điều trị cho bệnh nhân dương tính với bạch hầu. Ảnh: Báo Đắk Lắk

Ngày 24/6/2020, qua giám sát phát hiện 03 trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tích cực triển khai các hoạt động khống chế ổ dịch và lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên. Ngày 28/6/2020, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên trả lời kết quả xét nghiệm 3 trường hợp trên dương tính với bệnh bạch hầu.

Cụ thể 3 ca bệnh là: Bệnh nhân nam, sinh năm 2009, dân tộc Xơ Đăng, ở tại Thôn 5- xã Diên Bình- huyện Đăk Tô. Bệnh nhân nữ, sinh năm 1995, dân tộc Xơ đăng, ở tại thôn Đăk Kan Peng- xã Diên Bình- huyện Đăk Tô. Bệnh nhân nam, sinh năm 2010, dân tộc Ja Rai, ở tại làng O- xã Ya Xiêr- huyện Sa Thầy.

Cả 3 bệnh nhân đều đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô và Sa Thầy, sức khỏe ổn định.

Trước đó, theo ghi nhận từ đầu năm đến ngày 23/6/2020, trên địa bàn tỉnh Kon Tum ghi nhận 05 trường hợp mắc bệnh bạch hầu (thành phố Kon Tum 01, Đăk Hà 01, Đăk Tô 02, Sa Thầy 01) và 01 trường hợp người lành mang trùng tại huyện Sa Thầy; không có trường hợp tử vong. Các ổ dịch bạch hầu này đã Sở Y tế chỉ đạo xử lý, khống chế kịp thời và đã qua 14 ngày không phát hiện trường hợp mắc mới, kết thúc ổ dịch.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

 - Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đủ mũi tiêm và đúng lịch (mũi 1 tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi, mũi 2 sau mũi thứ nhất 1 thán, mũi 3 sau mũi thứ hai 1 tháng , mũi 4 khi trẻ 18 tháng tuổi).

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

- Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Đọc thêm