'Quân đội luôn đi đầu trong phòng chống dịch Covid-19'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Quân y (16/4/1946-16/4/2021), Thiếu tướng, PGS.TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quân y, Bộ Quốc phòng trao đổi xung quanh kết quả phòng chống dịch Covid-19 và thử nghiệm vắc xin  Nanocovax do Việt Nam sản xuất. 
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên.

Thiếu tướng cho biết kết quả phòng chống dịch (PCD) Covid-19 thời gian qua trong toàn quân?

- Đến nay, ta đã trải qua 3 đợt dịch bùng phát. Đợt mới nhất từ Hải Dương lan ra các tỉnh lân cận, sau đó là Đà Nẵng. Có thể thấy, rất nhanh chóng, lực lượng quân y đã tổ chức các phân đội quân y cơ động đáp ứng các cấp độ dịch, cao nhất là cấp độ 5. Hiện ngành Quân y đã kiện toàn 157 phân đội quân y cơ động, với 20 đội cơ động của các bệnh viện quân y sẵn sàng hỗ trợ cho các địa phương. 

Khi dịch bùng phát tại địa bàn Quân khu 5, các địa phương như Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi đã chủ động khoanh vùng, truy vết, dập dịch, điều trị thành công, tốt đẹp. 

Khi dịch bùng phát ở Quân khu 3, các tỉnh, thành như Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, số lượng F1 chiếm tỷ lệ rất đông, hàng nghìn người ở các nhà máy, nếu không có quân đội, không có kỷ luật quân đội không thể cách ly hiệu quả. Đợt dịch này ở tỉnh xa nhất đã 2 tháng chưa có ca mới, các tỉnh còn lại một tháng qua chưa có ca mới. 

Theo tôi, quan trọng là lực lượng tuyến đầu PCD, ngăn chặn dịch xâm nhập, quản lý khống chế dịch trong nước, tiên phong ngay từ đầu. Quân y chính là lực lượng trong tuyến đầu PCD. Lực lượng quân đội luôn đi đầu, thực hiện tốt các nội dung về PCD như ngăn chặn dịch xâm nhập, khống chế dịch bệnh trong nước...

Cuộc chiến chống Covid-19 được Quân đội thực hiện theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đó là cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện. 

Trong quá trình PCD, ngoài sự nỗ lực của quân đội nói chung, lực lượng BĐBP nói riêng, phải kể đến sự phối hợp tốt của chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang và đặc biệt là người dân. Những trường hợp vượt biên trái phép đều được người dân phát hiện thông báo, không để họ đi vào sâu trong nội địa. Có thể khẳng định, sự phối hợp của biên phòng với chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân đã được phát huy tốt.

Trong công tác PCD Covid-19, Bộ Quốc phòng (BQP) đã tăng cường chỉ đạo, quản lý, thực hiện công tác cách ly tại các điểm cách ly tập trung, đặc biệt tại tỉnh Hải Dương trong giai đoạn dịch bùng phát trong cộng đồng. Không có lây nhiễm chéo, lây nhiễm từ người nhiễm sang người phục vụ, lây lan sang các đơn vị Quân đội, lực lượng quân y, hậu cần, bảo đảm nuôi dưỡng, không lây lan ra ngoài cộng đồng.

Lực lượng biên phòng tăng cường các điểm chốt, kiểm tra, kiểm soát PCD tại các cửa khẩu, đường mòn lối mở tuyến biên giới; ngăn chặn nhập cảnh trái phép không để dịch lây lan qua biên giới. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã điều động hơn 2.800 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các học viện, nhà trường trực thuộc tăng cường cho các tuyến biên giới; duy trì quân số làm nhiệm vụ phòng, chống dịch tại 1.613 tổ, chốt, với hơn 10.000 người tham gia.

Tính từ thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, đến nay, Quân đội đã tổ chức triển khai 175 điểm cách ly cho 191.363 công dân; hiện tổ chức 55 điểm đang cách ly cho 4.029 công dân nhập cảnh, các đối tượng nguy cơ trong cộng đồng, không để lây chéo trong khu vực cách ly; truy vết, cách ly, xét nghiệm kịp thời các trường hợp có liên quan các ổ dịch tại 13 tỉnh, thành phố.

BĐBP tại các điểm chốt chặn và cửa khẩu trên tuyến biên giới được xét nghiệm bằng test kháng thể (6.686 mẫu, kết quả 100% âm tính); xử lý, khống chế 2 ổ dịch Covid-19 tại Nhà máy Z153 Tổng cục Kỹ thuật (6 ca) và Trung tâm Viettel Đông Triều, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel (1 ca); chỉ đạo xử lý PCD Covid-19 cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 tại Nam Sudan (1 ca mắc).

Vậy việc tiêm phòng vắc xin Astra Zeneca hiện nay được triển khai trong Quân đội như thế nào?

- BQP đã nhận 20 nghìn liều vắc xin xin Astra Zeneca từ Bộ Y tế. Đơn vị được tiêm vắc xin đầu tiên vào ngày 15/3 cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 (Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) lên đường sang Nam Sudan làm nhiệm vụ giữ gìn hòa bình Liên Hợp quốc. Thời gian tiêm các mũi cách nhau từ 8-12 tuần. Sau khi tiêm mũi 1, sang Nam Sudan cán bộ, nhân viên bệnh viện sẽ tiêm mũi 2. 

Ngoài ra, đối tượng ưu tiên là lực lượng trên tuyến đầu như BĐBP; nhất là các cán bộ, chiến sĩ làm việc tại cửa khẩu, canh gác ở đường mòn lối mở; lực lượng làm nhiệm vụ cách ly; các bệnh viện, ưu tiên các khoa cấp cứu, khoa hồi sức...; lực lượng y tế dự phòng; các phân đội phòng chống dịch cơ động và các Ban chỉ đạo phòng chống dịch…

Đặc biệt BĐBP các tỉnh biên giới Tây Nam được tiêm đầu tiên. Trong tháng 4, sẽ tiêm hết 20.000 liều. Sang tháng 5 có vắc xin mới thì tiêm mũi 2. 

Thiếu tướng cho biết kết quả thử nghiệm vắc xin Nanocovax do Việt Nam sản xuất?

- Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu khi dịch Covid-19 bùng phát, lực lượng Quân y dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, BQP, Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ đã tập trung nghiên cứu bộ kít xét nghiệm vi rus Corona. Kết quả, Học viện Quân y phối hợp với Cty Việt Á chế tạo thành công bộ kít Sars-Cov2-Việt Á, được châu Âu cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn, hiện đã sản xuất, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. 

Việc nghiên cứu vắc xin Nanocovax được đẩy mạnh nghiên cứu từ cuối năm 2020. Học viện Quân y cũng là đơn vị được chọn, là một trong những đơn vị tiên phong nghiên cứu, sản xuất vắc xin. Sau khi hoàn thành tiêm mũi 1, xác định độ an toàn của vắc xin, các phản ứng phụ của cơ thể, hiện đang thử nghiệm giai đoạn 2 (giai đoạn xác định liều chuẩn) thực hiện trên 560 ca.

Sang tháng 5/2021 sẽ thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 3 (giai đoạn thử nghiệm trong cộng đồng), sẽ thử nghiệm từ 10.000-15.000 người. Đến tháng 8, Việt Nam sẽ có vắc xin trong nước, phụ vụ đồng bào, chiến sĩ, chủ động PCD bằng chính vắc xin của mình. 

Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng! 

Đọc thêm