Sông Tích bị bức tử bởi... phân lợn

Trong ký ức của người dân địa phương, khúc sông chảy qua vô cùng đẹp và màu mỡ. Mùa thu thì nước trong vắt, mùa hè thì hơi đục phù sa nhưng nước vẫn khá sạch. Hai bên bờ cây cối xanh tốt, trẻ con ra bơi lội suốt ngày, hến, trai thì nhiều vô kể. Nhưng bây giờ cả khúc sông dài chẳng có bóng dáng người nào tắm giặt, hay mò cua bắt hến cả. Nhiều hộ dân còn không dám dẫn nước sông vào ruộng vì sợ lúa chết...

Sông Tích đoạn chảy qua hai thôn Hoàng Xá (xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất) và thôn Ngọc Kiên (xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) vốn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong tưới tiêu cũng như sinh hoạt mỗi độ nắng nóng. Thế nhưng, 6 năm trôi qua, khúc sông dài lại trở thành nỗi ám ảnh của người địa phương bởi chất thải của ba trang trại lợn xả thẳng ra sông.

Những bể chứa chất thải của các trại lợn không qua xử lý được che đậy sơ sài, chỉ cần một cơn mưa là chất thải tràn ra sông Tích.
Những bể chứa chất thải của các trại lợn không qua xử lý được che đậy sơ sài, chỉ cần một cơn mưa là chất thải tràn ra sông Tích.

Nỗi niềm Sông Tích

Sông Tích còn gọi là sông Tích Giang hay sông Con (khi so sánh với sông Hồng-sông Cái), là phụ lưu cấp I của sông Đáy, thuộc hệ thống sông Hồng, bắt nguồn từ dãy núi Ba Vì, đầu nguồn là các hồ Suối Hai, Đồng Mô. Sông này có rất nhiều trai, hến là nguồn đánh bắt, thu nhập chính của cư dân quanh lưu vực sông. Sản lượng hằng năm đạt hàng trăm tấn.

Trong ký ức của người dân địa phương, khúc sông chảy qua vô cùng đẹp và màu mỡ. Ông Nguyễn Văn Đào (45 tuổi, Lái Thượng, Thạch Thất, Hà Nội) nhớ lại: “Khúc sông này ngày xưa đẹp lắm, mùa thu thì nước trong vắt, mùa hè thì hơi đục phù sa nhưng nước vẫn khá sạch. Hai bên bờ cây cối xanh tốt, trẻ con ra bơi lội suốt ngày, hến, trai ở đây thì nhiều vô kể. Nhưng mà bây giờ, ai xuống tắm thì chết vì ngứa…”.

Ông Đào cho biết thêm: “Bây giờ cả khúc sông dài chẳng có bóng dáng người nào tắm giặt, hay mò cua bắt hến cả. Nhiều hộ dân còn không dám dẫn nước sông vào ruộng vì sợ lúa chết”.

Nguồn cơn khiến con sông ô nhiễm trầm trọng chính là bởi chất thải của những trại lợn quanh đây.

Những chiếc ống nhựa dẫn chất thải to và dài chạy ngoằn ngèo trong lòng đất, có đoạn lộ thiên trên những mô đất. Có lẽ do mưa nhiều xói mòn lớp đất mà chủ trại mất công sức đắp lên hoặc do đoạn ống vỡ,  nước thải cứ trào ra làm bung lớp đất che đậy. Nhưng dù dài tới đâu, chạy tới, chạy lui chui xuống đất hay nằm trơ trên mặt đất thì những ống chất thải này cũng đều hướng đến dòng sông Tích.

Người dân nơi đây cho biết những đường ống dẫn chất thải kia là thuộc các trang trại lợn của ông Nguyễn Văn Thuận; Đinh Văn Thuỷ; Trịnh Văn Kim đều là người xã Cổ Đông, TX.Sơn Tây ký hợp đồng với UBND huyện Thạch Thất thuê đất tại địa bàn thôn Hoàng Xá trong vòng 30 năm. Trang trại được xây dựng bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2007, quy mô hoạt động của ba trang trại này càng được mở rộng thì tình trạng ô nhiễm các khu vực lân cận càng gia tăng.    

Khổ ải vì trại lợn

Không chỉ dòng sông bị ô nhiễm nặng vì chất thải của những trang trại nuôi lợn này mà cuộc sống của người dân nơi đây cũng bị đảo lộn theo. Ông  Nguyễn Kim Bình (40 tuổi, Lại Thượng, Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, mỗi lần nắng lên, mùi phân lợn bốc lên từ  lòng sông cộng với những hố thải phân lớn khiến cho không khí của cả làng ngột ngạt vô cùng.

Ống dẫn chất thải của các trại nuôi lợn ra sông Tích.
Ống dẫn chất thải của các trại nuôi lợn ra sông Tích.

“Nhà tôi cách trang trại lợn khoảng 300m nhưng cứ mỗi khi gió thổi là cả nhà tôi lại nồng nặc mùi phân lợn, khiến mấy đứa con tôi luôn khó chịu và hay ốm. Xóm tôi nhiều nhà phải căng bạt chắn gió xộc thẳng vào nhà, một số nhà khác có điều kiện thì dự trữ nước hoa để xịt quanh nhà chống mùi hôi thối nhưng mà cũng chẳng ăn thua gì cả”.

Cũng theo ông Bình thì nhiều cụ già ở trong xóm không chịu được mùi bốc lên phải di cư sang họ hàng ở nhờ để tránh phải hít thở mùi không khí bị ô nhiễm nặng nề.

Người dân ở đây chủ yếu làm nông nên khi rảnh rỗi thường đi dọc quãng sông để quang chài bắt cá, mò trai, hến kiếm thêm vài đồng để trang trải cuộc sống thế nhưng từ ngày trại lợn thải nước ra, cá cũng chẳng còn, trai hến cũng mất hút và cũng chẳng ai dám lội xuống dòng sông vì dễ bị mắc bệnh ngoài da.

Cách trang trại lợn khoảng mười lăm mét có gần 4.000 m2 đất bỏ hoang không thể trồng lúa vì nghịch lý có... quá nhiều phân. Từ xưa đến nay, phân xanh từ chăn nuôi gia súc luôn nguồn sống tốt cho cây lúa thế nhưng ở đây vì phân nhiều đến mức lúa không thể trổ bông.

Nhiều hộ dân ở đây cố gắng bám trụ nhưng công sức cũng đổ xuống sông, xuống bể, lúa tốt đến nỗi thân cao to, lá xanh ngắt nhưng bông lúa thì chẳng có, cấy lúa ở đây chỉ thu rơm, thụ dạ. Mùa mưa bão phân lợn tràn theo các mương lấn chiếm nhiều ruộng lúa gây thiệt hài nhiều cho người dân.

Tức nước vỡ bờ

Không gian sống của người dân hai thôn Hoàng Xá và thôn Ngọc Kiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sinh hoạt bị đảo lộn và nguy hiểm hơn là sức khoẻ giảm sút. Vì thế nhiều hộ dân đã đưa đơn kiện đến UBND xã Lại Thượng  và nhiều cơ quan chức năng khác để mong được giải quyết thế nhưng đơn đi nhưng hồi âm chẳng có.

Ông Nguyễn Văn Thực (60 tuổi, thôn Hoàng Xá, Lại Thượng, Thạch Thất) cho biết: "Từ 30/3/2013 đến nay, chúng tôi đã có rất nhiều đơn gửi xã, gửi huyện, đề nghị xã, huyện có biện pháp can thiệp buộc các chủ trại lợn phải tìm cách xử lý nguồn nước thải, là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, nhưng chẳng được nơi nào hồi âm” .

Qúa bức xúc, hàng trăm người dân thôn Hoàng Xá đã kéo nhau mang cọc gỗ ra chôn trước cổng làng nhằm ngăn chặn xe tải đưa thức ăn vào làng nhưng khi người dân về nhà thì các chủ trại lợn lại nhổ cọc vứt đi.

Vì thế, hôm sau dân làng mang xi măng ra đổ cọc bê tông thì các chủ trại lại dùng xe máy để vận chuyển lương thực. Cuộc chiến giữa dân làng Hoàng Xá và các chủ trại lợn cứ giằng co hàng ngày trên con đường làng và bức xúc nổ ra đỉnh điểm vào ngày 20/4.

Khi thấy vợ chồng Đinh Văn Hải, người xã Cổ Đông, dùng xe máy chở thức ăn vào trại lợn, một số người dân đã ra ngăn cản. Hai bên xảy ra xô xát, Hải đã dùng điện thoại gọi thêm một đối tượng tên Thanh cũng là người Cổ Đông, đến giúp sức, hành hung người ngăn cản.

Hậu quả là chị Vương Thị Phương bị đánh phải vào Bệnh viện Thạch Thất cấp cứu. Hai người khác nữa cũng bị hành hung nhưng mức độ nhẹ hơn là chị Quách Thị Tâm và Cấn Thị Lan.

“Tất cả người dân chúng tôi chỉ muốn trả lại không gian trong sạch cho làng quê, trả lại con sông Tích trong xanh như ngày xưa vì thế chúng tôi mới làm vậy. Chừng nào, các chủ trại ngừng gây ô nhiễm thì chúng tôi mới ngừng. Người dân chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc để chấm dứt tình trạng này cho người dân đỡ khổ”, ông Nguyễn Văn Thực chia sẻ với phóng viên.

Văn Hùng

Đọc thêm