Tại các cơ sở điều trị quá tải bệnh nhân điều trị SXH. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến quá sốt ruột phải cho họp khẩn và lo lắng: “Tôi đang rất sốt ruột trước tình hình dịch SXH. Đó là lý do phải họp khẩn cấp”. Đích thân Phó Thủ tưởng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã đi thị sát tình hình dịch SXH tại Hà Nội.
SXH nghe chưa sợ, trải qua mới hãi
Sau 8 năm, Hà Nội lại trở thành điểm nóng của bệnh SXH. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội lo lắng: Các quận Hoàng Mai, Đống Đa và nhiều quận huyện khác của Hà Nội vẫn tiếp tục gia tăng bệnh nhân SXH, kể từ đầu năm 2017 (đặc biệt gia tăng từ tháng 5) toàn thành phố đã có xấp xỉ 8.000 người mắc SXH, trong đó 5 ca tử vong. Các bệnh viện tuyến trung ương như Bạch Mai, Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện E và các bệnh viện có khoa truyền nhiễm ở Hà Nội đều đang quá tải người bệnh SXH.
Tại các ngõ xóm, đi đến đâu người dân cũng cảnh giác với SXH. Những câu nói cửa miệng chỉ là: “Đang có dịch SXH đấy phải cẩn thận” hay “Nhà ông nọ, bà kia đang có bệnh nhân SXH đấy”... Nhưng người dân chưa thực sự có đầy đủ kiến thức, ý thức trong việc phòng, chống dịch SXH. Vẫn có những người thờ ơ, chủ quan với bệnh SXH.
“Chúng ta chỉ nghe nói là bệnh SXH rất kinh khủng, người bị SXH mệt, vật vã, khó chịu.... Nhưng chỉ đến khi bản thân bị hoặc người nhà bị ta mới thấy nó khủng khiếp đến thế nào. Tôi vừa trải qua những ngày kinh khủng khi cả hai con của tôi bị SXH ở thể nặng. Tôi muốn chia sẻ với mọi người vài kinh nghiệm thực tế không lý thuyết trong thời điểm này”, chị Nguyễn Thu Đoàn, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội chưa hết bàng hoàng sau đợt điều trị SXH của các con vừa qua.
Chị Đoàn kể tiếp, trong đầu luôn suy nghĩ khi nghi nhiễm SXH nên đến cơ sở y tế xét nghiệm ngay. Thế nhưng, vào viện con trai xét nghiệm mắc SXH và tiểu cầu thấp nhưng cũng không thể ở lại viện mà phải về nhà theo dõi điều trị vì quá tải bệnh nhân, có đến 3 bệnh nhân/giường. Chị cũng học cách điều trị SXH tại nhà. 3 ngày đầu con tôi sốt và được theo dõi, uống hạ sốt tại nhà. Chỉ khi con chị chảy máu cam mới lập tức đưa đi viện. Lúc này, bệnh đã bước sang thời kỳ nguy hiểm.
Con chị vào viện, tiến triển có vẻ tốt, nhưng bác sĩ luôn dặn theo dõi rất cẩn thận. Cháu đang chơi vui vẻ lúc 16h thì đến 17h cháu lên cơn sốt trên 39 độ C. Đến 19h bác sĩ hỏi cháu không có phản ứng và rơi vào tình trạng tiền sốc. Cháu được đưa vào phòng cấp cứu ngay. Bác sĩ nói chỉ chậm 10 phút thôi con chị đã rơi vào tình trạng nguy kịch. Tưởng yên tâm nhưng đến 2h sáng, con chị lại hoàn toàn mất phản ứng. Nhịp tim, mạch, huyết áp... liên tục tụt. 4h cháu phải chuyển xuống khoa hồi sức tích cực. Con trai tạm ổn thì 5h con gái lớn xuất hiện tình trạng co giật. Cứ thế, chị cùng các bác sĩ, y tá túc trực theo dõi bệnh tình của hai con trong những ngày đầy căng thẳng.
“Thật may mắn, các con đã qua giai đoạn nguy hiểm và bình phục trở lại. Các con tôi được về nhà và tiếp tục điều trị dưới sự giám sát của bác sĩ”, kể lại câu chuyện của mình, chị Đoàn chỉ mong muốn mọi người đừng coi nhẹ bệnh SXH.
Thiếu kiến thức phòng - tránh bệnh SXH
Ngay tại khu vực được xem là điểm nóng của dịch SXH tại Hà Nội là quận Hoàng Mai, nhiều người dân đã từng chứng kiến bệnh nhân SXH cũng chưa hiểu biết về bệnh cũng như cách phòng chống.
Theo ghi nhận tại một trong rất nhiều khu nhà ở của công nhân xây dựng tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, ẩm thấp, tối tăm và vô cùng mất vệ sinh. Tại đây, các thùng đựng nước chứa đầy bọ gậy được tích trữ lâu ngày, là nguyên nhân khiến một nửa số công nhân tại một công trình xây dựng trên địa bàn phố Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai bị SXH. Mặc dù số người mắc nhiều như vậy, nhưng ý thức của các công nhân tại đây dường như khá bàng quan. Họ chỉ biết là có người mắc bệnh chứ cũng không biết làm thế nào để phòng.
Anh Nguyễn Hữu Hải, quê ở Thanh Hoá đang làm công nhân tại đây thừa nhận: “Tôi có nghe nói là SXH cũng rất nguy hiểm, nhưng ở đây đã được phun thuốc muỗi rồi. Còn cách phòng bệnh cụ thể như thế nào tôi cũng không rõ. Bệnh nguy hiểm ra sao cũng chưa tìm hiểu kỹ. Tôi chỉ nghe muỗi vằn là tác nhân gây bệnh nhưng không rõ như thế nào”.
Anh Hải cũng không nghĩ muỗi vằn lại có thể xuất hiện từ chính trong ngôi nhà. Một số vật dụng trong nhà như thùng chứa nước, chai lọ… nếu để lưu nước lâu thì có xuất hiện loăng quăng nhưng mọi người vẫn xem đó là chuyện bình thường, cũng không chú ý xem đó là loài muỗi gì.
TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương, nhấn mạnh, hiện nhiều người dân có tâm lý chủ quan trong việc tiêu diệt muỗi, bọ gậy. Người dân có sự nhầm lẫn về loại muỗi truyền bệnh SXH và muỗi gây sốt rét (sống ngoài đường, bờ bụi), viêm não (sống ở chuồng trâu, chuồng bò). Muỗi vằn là loại chỉ ưa đẻ trứng ở những vùng nước sạch. Do đó, nếu người dân chỉ chú trọng tiêu diệt bọ gậy ở các ao tù, cống nước, chỗ bẩn là một sai lầm. Thay vào đó, cần lưu ý làm sạch cả các vùng nước, dụng cụ chứa nước sạch ngay trong nhà như lọ hoa, cốc nước, chạn bát, thậm chí ống nước. Đặc biệt, muỗi vằn đốt người là con cái, chỉ đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Chúng thường trú đậu ở các góc tối, trên quần áo, chăn màn và các đồ dùng trong nhà. Tránh bị muỗi đốt và diệt bọ gậy là cách hữu hiệu và cần đẩy mạnh để kiểm soát dịch bệnh.
Bệnh SXH còn nóng nếu lơ là
Cả nước hiện có 10 điểm nóng dịch SXH là Đà Nẵng, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Khánh Hoà, Đồng Nai, Sóc Trăng, TPHCM và Hà Nội. Trong đó, Hà Nội là một điểm nóng của dịch SXH trong năm 2017.
Ông Hoàng Đức Hạnh lo lắng: Tình hình dịch SXH đang diễn ra phức tạp. Trong 10 năm trở lại đây, dịch cao đỉnh điểm nhất là năm 2009 với khoảng 16.000 ca, trung bình các năm là 5.000 - 6.000 ca. Từ đầu năm, số ca mắc SXH của Hà Nội gia tăng. Năm nay, dịch SXH đến sớm hơn tại Hà Nội. Thường đỉnh dịch rơi vào tháng 9, nhưng ngay từ tháng 4 đã có SXH, tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. SXH tập trung ở các quận nội thành, chiếm 90% số bệnh nhân, 40% người mắc SXH là học sinh và người lao động tự do, chủ yếu sống ở nhà trọ. Các chuyên gia nhận định, khả năng sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại Hà Nội là rất lớn vì thời tiết mưa nắng thất thường và người dân ở nhiều nơi còn thờ ơ với dịch bệnh.
Trước tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu cần “hạ hỏa” ngay dịch bệnh SXH, bởi đây là bệnh chữa được và dự phòng được, ngành y tế quyết tâm không để dịch lan rộng, không để xảy ra tử vong nhiều.
“Hiện nay, việc phân tuyến và lọc bệnh là quan trọng nhất. Các bệnh viện không được để xảy ra tình trạng quá tải bệnh nhân SXH, không để bệnh nhân phải nằm ghép. Các cơ sở y tế phải có sự phân loại bệnh rõ ràng, tránh diễn ra tình trạng lây chéo bệnh. Các cơ sở y tế cần phân tuyến, chuyển tuyến kỹ thuật, bệnh viện tuyến trung ương cần phân loại, chuyển bệnh nhân về bệnh viện tuyến thành phố, tuyến huyện”, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo.
Người đứng đầu ngành y tế yêu cầu các bệnh viện xử lý, phân loại bệnh nhân nặng, nhẹ để chuyển về các tuyến sao cho hợp lý, tránh tình trạng bệnh nhân đến khám là cho vào viện, nhận điều trị, cần họp lại phân tuyến, tập trung cứu chữa bệnh nặng, bệnh nhân nhẹ cho về tuyến dưới theo dõi.
Phân tích về bệnh sốt xuất huyết, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ, bệnh SXH do virus Dengue gây ra, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Bệnh do muỗi vằn đốt, muỗi truyền bệnh từ người bệnh sang người lành do đó có thể gây thành dịch. Muỗi truyền bệnh SXH thường đốt vào ban ngày, từ 8 - 10 giờ sáng.
Bộ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo, với người bệnh khi có các dấu hiệu như sốt, uống hạ sốt không giảm và sống trong vùng có dịch SXH cần đến cơ sở y tế gần nhất, để cứu chữa kịp thời, không xảy ra tử vong.