Sự chủ động đến từ các cơ quan thi hành án dân sự địa phương

(PLVN) - Trong bối cảnh lượng việc và tính chất phức tạp ngày càng tăng, các cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như đẩy mạnh phương châm quản lý “hướng về cơ sở”; tăng cường phối hợp liên ngành; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ… để giảm tải áp lực và nâng cao hiệu quả giải quyết công việc.

Sâu sát trong quản lý theo phương châm “hướng về cơ sở”

Quý I năm 2024, kết quả THADS của tỉnh Bình Thuận về việc giảm, về tiền tăng so với cùng kỳ (việc đạt tỷ lệ 36,61%, giảm 0,91% và về tiền đạt tỷ lệ 7,59%, tăng 1,91%); một số đơn vị kết quả THADS đạt tỷ lệ cao. Tuy nhiên, trên địa bàn còn một số vụ chưa giao được tài sản bán đấu giá thành cho người mua trúng đấu giá; còn nhiều việc phức tạp, tồn đọng kéo dài từ những năm trước chuyển sang và phát sinh nhiều vụ việc phức tạp chủ yếu liên quan đến xử lý tài sản là đất đai, nhà ở, dự án, tàu cá theo Nghị định số 67/NĐ-CP của Chính phủ.

Vì vậy, trong Quý II năm 2024, các cơ quan THADS Bình Thuận sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát, quyết liệt hơn; tập trung đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thi hành án, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ cho Chi cục THADS, Chấp hành viên.

Các cơ quan THADS tập trung rà soát, phân loại từng vụ việc khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tổ chức thi hành dứt điểm, giảm lượng án về việc, về tiền có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau. Tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án, đặc biệt là các vụ việc có giá trị lớn, các vụ việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; các vụ việc về kinh doanh, thương mại, nhất là các vụ việc thi hành các khoản thu có liên quan đến tổ chức tín dụng có giá trị trên 20 tỷ đồng, có điều kiện thi hành, đã quá 3 năm chưa thi hành xong. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ số vụ việc có điều kiện thi hành án, đã ra quyết định thi hành án quá 1 năm chưa thi hành xong, số việc chuyển sổ theo dõi riêng.

Còn tại Thanh Hóa, ngay khi bước sang năm công tác mới 2024, Cục THADS tỉnh đã khẩn trương, tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp thực hiện nhiệm vụ THADS được giao trên tất cả các mặt công tác. Trong 03 tháng đầu năm, tỷ lệ thi hành xong về việc và tiền đều tăng so với cùng kỳ năm 2023; đặc biệt chỉ tiêu thi hành xong về tiền tăng mạnh so với cùng kỳ (tăng 1,11% về việc, tăng 5,55% về tiền).

Cán bộ, chấp hành viên Chi cục THADS TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa vận động đương sự thi hành án (ảnh Báo TH).

Cán bộ, chấp hành viên Chi cục THADS TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa vận động đương sự thi hành án (ảnh Báo TH).

Tuy nhiên, để đạt được chỉ tiêu Quốc hội, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS giao cần sự tập trung vào cuộc, nỗ lực, quyết tâm của tập thể Lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động cơ quan THADS toàn tỉnh. Theo đó, cần đẩy mạnh hiệu lực, hiệu quả quản lý, chủ động để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhạy bén, kịp thời và phù hợp với nguyên tắc tập trung thống nhất trong quản lý. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu, thường xuyên bám sát địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách theo phương châm quản lý “hướng về cơ sở”, thực sự sâu sát thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho Chấp hành viên, cán bộ, công chức và các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của toàn hệ thống các cơ quan THADS trong tỉnh.

Cùng với giải pháp về chuyên môn, cơ quan THADS trên địa bàn sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về THADS. Phối hợp cùng với các cơ quan có liên quan xây dựng các chuyên đề về công tác thi hành án để tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Cục THADS tỉnh đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền vận động, nhất là thông tin trên mạng xã hội, đăng tải tin, bài về hoạt động THADS; cử các đồng chí có kinh nghiệm, năng lực làm báo cáo viên về pháp luật THADS; thường xuyên, chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí trong việc xử lý thông tin báo chí liên quan đến công THADS.

Phát huy hiệu quả phối hợp liên ngành

Ngay từ đầu năm, các cơ quan THADS trong toàn tỉnh Quảng Ninh đã chủ động triển khai các mặt công tác năm 2024 theo chỉ đạo của Tổng cục THADS và lãnh đạo Cục để thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó lãnh đạo Cục cũng đã tập trung lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt, sát sao, linh hoạt ngay từ những ngày đầu năm cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Hệ thống THADS, vì vậy kết quả 03 tháng năm 2024 toàn tỉnh về việc đạt tỷ lệ 47,10% (cao hơn 1,82% so với cùng kỳ năm 2023), về tiền đạt tỷ lệ 4,91% (thấp hơn 0,11 % so với tỷ lệ cùng kỳ năm 2023).

Trong thời gian tới, một trong những giải pháp then chốt được các cơ quan THADS Quảng Ninh tập trung thực hiện đó là tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp liên ngành đã ký kết. Trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm: Phối hợp liên ngành với Ngân hàng nhà nước, Viện Kiểm sát trong kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc thi hành án các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; phối hợp với Tòa án, Viện kiểm sát và các thành viên Ban Chỉ đạo THADS để giải quyết việc khó khăn, vướng mắc; phối hợp Công an, Viện kiểm sát, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể thực hiện đúng pháp luật về công tác cưỡng chế THADS.

Cục THADS tỉnh Quảng Ninh giao ban công tác Quý I năm 2024 (ảnh Cục THADS QN).

Cục THADS tỉnh Quảng Ninh giao ban công tác Quý I năm 2024 (ảnh Cục THADS QN).

Cùng với đó làm tốt công tác phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án cùng cấp trong việc lập hồ sơ xét miễn, giảm thi hành án, kiểm tra, giám sát công THADS. Phối hợp tốt với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở, tổ trưởng, trưởng khu và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, để kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng và xác minh điều kiện thi hành án, hoàn cảnh kinh tế của người phải thi hành án cũng như gia đình họ, để tiến hành biện pháp thi hành án phù hợp đối với từng trường hợp cụ thể, nhất là các vụ việc có điều kiện thi hành tồn đọng từ 01 năm trở lên chưa thi hành xong.

Nâng cao chất lượng cán bộ, giảm tải áp lực công việc

Bối cảnh tình hình kinh tế trong nước nói chung, tỉnh Bắc Ninh nói riêng được dự báo còn rất nhiều khó khăn, thách thức, lượng vụ việc thụ lý tăng cao, các vụ việc dân sự tiếp tục gia tăng, đặc biệt là loại việc tranh chấp các hợp đồng tín dụng với số tiền và trị giá tài sản lớn, việc xử lý tài thế chấp rất khó khăn, tính chất vụ việc phức tạp. Trong khi đó đội ngũ cán bộ, công chức của các cơ quan THADS tỉnh Bắc Ninh còn ít, chưa đáp ứng được khối lượng công việc. Do đó giải pháp về công tác cán bộ sẽ là nhiệm vụ được Cục THADS quan tâm tập trung triển khai trong thời gian tới.

Theo đó, Cục sẽ thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Thực hiện tốt việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong quy hoạch để đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh cán bộ. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức thực tiễn theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Tuyển chọn cán bộ có triển vọng, đủ điều kiện, tiêu chuẩn cử đi đào tạo, bồi dưỡng theo các chương trình đào tạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS và của tỉnh. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức. Có giải pháp phù hợp để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo động lực phấn đấu vươn lên, thu hút người có tài vào công tác tại cơ quan THADS. Cấp uỷ, thủ trưởng đơn vị cần chú ý phát hiện nhân tố điển hình, có cách làm mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ để kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng.

Còn tại tỉnh Trà Vinh, Quý I/2024 các cơ quan THADS trên địa bàn thi hành xong 2.055 việc; đạt tỷ lệ 27,06%; về tiền thi hành xong 146.082.030.000 đồng; đạt tỷ lệ 14,07%. Để nâng cao kết quả thi hành án, tương tự các cơ quan THADS Bắc Ninh, các cơ quan THADS Trà Vinh cũng sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ. Rà soát, sắp xếp bố trí luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các đơn vị và theo đúng biên chế được giao.

Đặc biệt, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho công chức, người lao động; thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức chấp hành viên. Thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, XIII; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị; Quy định số 132-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; thực hiện trách nhiệm nêu gương theo các quy định của Đảng; Chương trình hành động đẩy mạnh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong Hệ thống THADS giai đoạn 2021 – 2025...

Cùng với đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của thủ trưởng các đơn vị, các quy định về trách nhiệm người đứng đầu, quy chế làm việc và quy chế dân chủ. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Đọc thêm