Sự đồng thuận của nhân dân sẽ đưa cầu Rạch Miễu 2 sớm vào khai thác

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc sớm triển khai xây dựng và đưa cầu Rạch Miễu 2 vào sử dụng sẽ tạo động lực trong việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng cho các địa phương trong khu vực. Để làm được điều này cần phải thông tin kịp thời, phát huy vai trò truyên truyền vận động tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân để dự án sớm được thực hiện và đưa vào sử dụng.

Công trình cầu Rạch Miễu 2 gồm hai dự án: Cầu Rạch Miễu 2 và đường gom vào cầu Rạch Miễu 2. Trong đó dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 5.175 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, tỉnh Bến Tre làm chủ đầu tư dự án đường gom vào cầu Rạch Miễu 2 với tổng mức đầu tư dự kiến 1.188 tỷ đồng bằng nguồn vốn từ ngân sách tỉnh.

Đây là dự án nằm trên tuyến QL.60, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nhằm kết nối 06 tỉnh duyên hải phía Nam (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) với thành phố Hồ Chí Minh. Tuyến đường này sẽ kết nối với vùng kinh tế trọng điểm khu vực Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu,…, là cửa ngõ kết nối các nước ASEAN, hình thành nên mạng lưới logistics khu vực phía Đông - đồng bằng sông Cửu Long, kết nối cụm cảng biển quan trọng như cảng Cái Cui, cảng Trà Nóc, cảng Đồng Tháp, cảng An Giang và cảng hàng không (sân bay Cần Thơ)…

Phối cảnh cầu Rạch Miễu 2 (Ảnh: Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận)

Phối cảnh cầu Rạch Miễu 2 (Ảnh: Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận)

Dự án cầu Rạch Miễu 2 có tổng chiều dài khoảng 17,61km, trong đó, đoạn phía Tiền Giang dài 7,93km, phía Bến Tre dài 9,68km.

Khi dự án cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành đi vào hoạt động sẽ giải quyết nhu cầu giao thông ngày một tăng cao, nhất là điểm nghẽn tại cầu Rạch Miễu. Giảm thời gian hành trình, tiết kiệm chi phí cho các phương tiện lưu thông (rút ngắn khoảng cách xuống 80km so với tuyến QL.1 hiện hữu khi di chuyển từ Cà Mau về TP Hồ Chí Minh và ngược lại).

Đảm bảo kết nối thuận lợi cho cư dân Tiền Giang, Bến Tre tại hai bên tuyến đường dẫn vào cầu. Tạo điều kiện cho người dân buôn bán, sản xuất kinh doanh, nâng cao mức thu nhập, ổn định cuộc sống.

Đồng thời, thúc đẩy giao thương thuận lợi giữa các tỉnh vùng Tây Nam Bộ với vùng Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh. Hình thành mới các khu đô thị, các khu, cụm công nghiệp, đẩy mạnh phát triển ngành du lịch, dịch vụ, giao thông vận tải, xây dựng, cải tạo môi trường sinh thái…

Tình trạng kẹt xe tại cầu Rạch Miễu. Ảnh: Mậu Trường

Tình trạng kẹt xe tại cầu Rạch Miễu. Ảnh: Mậu Trường

Trước những lợi ích mà dự án mang lại và với tinh thần cầu thị, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ hi vọng các cấp chính quyền, đặc biệt là nhân dân đồng thuận và sẵn sàng ủng hộ dự án. Sự đồng lòng của nhân dân sẽ là nguồn đóng góp to lớn cho sự thành công chung trong thực hiện công trình trọng điểm này, góp phần xây dựng Bến Tre ngày càng phát triển.

Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các tổ chức chính trị, các cán bộ, lãnh đạo đẩy mạnh công tác truyền thông tới người dân. Phát huy vai trò và vận dụng sáng tạo công tác dân vận. Tuyên truyền vận động tích cực, giải thích thấu đáo mọi vướng mắc để tạo đồng thuận trong nhân dân. Nhất là thông tin kịp thời đến các hộ dân trong diện giải tỏa bồi thường thuộc địa bàn các xã Phú Túc, An Khánh, Tường Đa thuộc huyện Châu Thành và xã Sơn Đông, Bình Phú thuộc thành phố Bến Tre về tiến trình thực hiện dự án. Thống nhất các phương án bồi thường, hỗ trợ người dân, từ đó, “nút thắt” dự án cầu Rạch Miễu 2 được tháo gỡ thuận lợi, đảm bảo tiến độ.

Đọc thêm