Đặc biệt, do nằm ở cuối nguồn nên Việt Nam sẽ chịu nhiều rủi ro nhất từ những tác động thượng nguồn.
Hội thảo về “Cơ hội sử dụng hiệu quả nguồn nước trong lưu vực sông Mê Kông và gợi ý chính sách cho Việt Nam” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Trung tâm Stimson phối hợp tổ chức diễn ra hôm qua (4/11), các chuyên gia đã cùng chia sẻ, phân tích những diễn biến mới trong lưu vực sông Mê Kông.
Nguy cơ nghiêm trọng trong tương lai
Theo báo cáo của Trung tâm Con người và Thiên nhiên, hạ lưu vực sông Mê Kông nói chung và Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam nói riêng trải qua một đợt hạn hán lịch sử. Hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long càng thêm khốc liệt khi nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống kinh tế - xã hội.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó, tác động của El Nino cực đoan và những tác động tích lũy của các dự án phát triển trên thượng lưu sông Mê Kông được coi là những nguyên nhân chính. Bên cạnh hệ thống thủy điện công suất lớn của Trung Quốc ở vùng đầu nguồn sông Mê Kông (Lan Thương) và 12 đập thủy điện đang hoặc sẽ được xây dựng trên dòng chính hạ lưu vực, các kế hoạch lấy/chuyển nước sông Mê Kông để tưới, mở rộng diện tích canh tác đất nông nghiệp của các quốc gia trong khu vực đang đặt Đồng bằng sông Cửu Long vào những nguy cơ nghiêm trọng trong tương lai.
Với Đồng bằng sông Cửu Long, do hệ thống thủy lợi khá phát triển nên nhiều nơi canh tác hai vụ/năm, một số nơi ba vụ/năm và thậm chí bảy vụ/hai năm. Diện tích được tưới hàng năm khoảng 1,9 triệu ha, xấp xỉ 48% tổng diện tích đất được tưới ở hạ lưu vực sông Mê Kông. Các diện tích canh tác trong mùa mưa, mùa khô, vụ ba và cả các cây trồng ngoài lúa của Việt Nam là lớn nhất so với các nước khác. Tuy nhiên, tại Đồng bằng sông Cửu Long, việc mở rộng thêm diện tích lúa được tưới bị hạn chế do các yếu tố môi trường như xâm nhập mặn và đất nhiễm phèn.
Trước những áp lực trên, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc PanNature cho biết, nằm ở cuối nguồn sông Mê Kông, Việt Nam chắc chắn là quốc gia sẽ chịu nhiều rủi ro nhất từ hoạt động sử dụng nguồn nước của các nước thượng nguồn, bất kể vì mục tiêu gì, thuỷ điện hay tưới tiêu nông nghiệp.
Hiện nay, khi Lào mới khởi động những dự án thuỷ điện đầu tiên, còn Thái Lan, Campuchia vẫn đang trong giai đoạn khởi động các dự án chuyển nước lớn, vẫn chưa phải là quá muộn để nhìn nhận lại cơ hội cải cách chính sách để phát triển một kế hoạch lưu vực chung, với mục tiêu giảm thiểu tác động lên con người và hệ sinh thái, đồng thời đảm bảo nhu cầu phát triển của tất cả các bên.
|
Chủ động ứng phó với tiêu cực của dòng chảy
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ, bày tỏ lo ngại với những tác động tiềm ẩn đến Đồng bằng sông Cửu Long và lưu ý Việt Nam cần tiếp tục cập nhật thêm thông tin về các dự án chuyển nước trong lưu vực thông qua các nguồn khác nhau bên cạnh mảng thông tin về thủy điện, chuyển nước ra ngoài lưu vực và các dự án phát triển khác trên sông Mê Kông. Trên cơ sở đó, các thông tin cần được phân tích, xử lý để có các đối sách kịp thời, bảo vệ quyền lợi của Việt Nam ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Các cơ quan hữu quan trong các thể chế hợp tác Mê Kông khu vực, nhất là Ủy hội sông Mê Kông và Ủy ban Mê Kông quốc gia, cần chủ động nắm bắt thông tin, yêu cầu các nước thành viên tuân thủ các quy định của Hiệp định Mê Kông trong việc thông báo, tham vấn đối với các dự án lấy/chuyển nước. Mặt khác, các tổ chức này cũng cần tạo điều kiện để người dân và các tổ chức xã hội dân sự có thể tiếp cận các nguồn thông tin liên quan.
Ngoài ra, về mặt kỹ thuật, Việt Nam cần nghiên cứu thêm các giải pháp thích hợp khác như thay đổi cơ cấu cây trồng tiêu hao ít nước và thích hợp với các vùng đất khác nhau, tránh tình trạng độc canh lúa nước. Điều tiết tối ưu các hồ chứa ở Tây Nguyên để góp phần duy trì dòng chảy ổn định vào Đồng bằng sông Cửu Long. Tăng cường hợp tác Mê Kông hiện tại, phối kết hợp với các tổ chức, cơ chế hợp tác hữu quan khác như Sáng kiến hạ lưu vực Mê Kông (LMI), các diễn đàn khu vực như ASEAN và/hoặc nghiên cứu thành lập các thể chế liên kết khác để thúc đẩy hợp tác trong khu vực, tạo sức mạnh tổng hợp.