Nhiều doanh nghiệp lạm dụng biểu trưng để kinh doanh
Hơn 1 năm qua, sau khi gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua giành được giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới”, trên thị trường đã xuất hiện tràn lan loại gạo này. Trong số đó cũng có những doanh nghiệp (DN) mua bản quyền giống lúa của ông Cua để sản xuất thành gạo ST25 nhưng cũng có những cá nhân, đơn vị lợi dụng danh tiếng của loại gạo này để làm giả sản phẩm và lừa dối người tiêu dùng.
Sau khi tổ chức kiểm tra và làm việc với 10 DN đã mua giống lúa ST25 và sử dụng biểu trưng “Gạo ngon nhất thế giới” nhưng không nhận được sự hợp tác, Tổ chức The Rice Trader (TRT) - đơn vị tổ chức cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” đã phát đi cảnh báo về hiện tượng nhiều DN Việt Nam đang lạm dụng biểu trưng của cuộc thi để kinh doanh. Điều này theo TRT là trái với quy chế, quy định của cuộc thi. Do đó, TRT sẽ xem xét việc không đồng ý cho Việt Nam tham gia cuộc thi này vào các năm sau.
Theo lý giải của Tổ chức này, “Gạo ngon nhất thế giới” chỉ dành cho người có tâm huyết sáng tạo, lai tạo và vinh danh người có đóng góp quan trọng cho ngành gạo toàn cầu. Nhóm nghiên cứu phát triển giống gạo ST25 (kỹ sư Hồ Quang Cua và cộng sự) phù hợp với ý nghĩa đó nên xứng đáng được công nhận và được sử dụng biểu trưng của giải thưởng này. Do đó, chỉ duy nhất ST25 của DN tư nhân Hồ Quang Trí (con của ông Hồ Quang Cua) mới được sử dụng biểu trưng này để kinh doanh thương mại.
Theo TRT, người tham gia cuộc thi này đã cam kết rằng họ không có quyền sử dụng thương hiệu cuộc thi nếu không được phép và quốc gia chiến thắng cũng được yêu cầu tuân thủ các cam kết của cuộc thi. Nếu không có giải pháp thích hợp cho hành động này, tên những công ty vi phạm sẽ được công khai. Bởi lẽ, họ làm ảnh hưởng tới định hướng chung của ngành. TRT khẳng định: “Đây là hành vi vi phạm bản quyền bởi tất cả các DN khác muốn sử dụng biểu trưng này phải xin phép và được sự đồng ý của TRT”.
Nguy cơ khó kiểm soát chất lượng gạo ST25
Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, giải thưởng cho một thương hiệu đều liên quan đến giá trị sở hữu trí tuệ (SHTT), các vấn đề trách nhiệm xã hội và mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng. Do đó, nếu DN nào vi phạm vào điều này đồng nghĩa là niềm tin và vị thế của giải thưởng sẽ bị giảm đi. Việc TRT hay bất cứ tổ chức giải thưởng nào khác phải lên tiếng cảnh báo tình trạng này là một lẽ tự nhiên.
Theo nhiều ý kiến, việc càng nhiều đơn vị, DN mua giống lúa ST25 để sản xuất gạo ST25 thì càng chứng tỏ sự thành công của “cha đẻ” giống lúa này. Bản thân ông Cua cũng thấy tự hào vì sản phẩm của mình được đón nhận. Tuy nhiên, đại diện Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, việc sản xuất ST25 tràn lan cũng sẽ dẫn đến việc không thể kiểm soát được chất lượng gạo của loại gạo ngon nhất thế giới bởi cũng không thể biết được những DN đã mua giống lúa ấy có trung thực trong sản xuất hay không.
Chuyên gia Hoàng Trọng Thủy cũng cho rằng, ở Việt Nam vẫn còn tình trạng kinh doanh chộp giật, không chú trọng trách nhiệm xã hội nên việc mua giống lúa ST25 và trồng ra loại gạo ST25 cũng chưa có gì chắc chắn trong chất lượng. Bởi, kể cả ông Cua đã bán giống lúa cho DN thì ông Cua cũng không thể kiểm soát cũng như chắc chắn việc các DN khác có tuân thủ tất cả các vấn đề liên quan đến trồng loại giống này.
Ngoài ra, theo ông Thủy, các loại gạo được sản xuất từ giống lúa ST25 theo nguyên tắc chỉ được gọi là gạo ST25, không thể kèm theo danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” vì chủ thể mang đi thi là ông Trí (con của ông Cua). “Khi TRT trao cho ông Trí thì ông Trí được quyền giao dịch và thương mại. Còn các DN khác không được trao giải ấy? Rõ ràng sản phẩm họ làm ra chỉ là gạo ST25, không phải sản phẩm của ông Trí nên không thể dùng biểu trưng giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới để kinh doanh”, ông Thủy khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết, mỗi cuộc thi đều có quy chế, quy định riêng. Do đó, Cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” cũng sẽ có những quy định của riêng họ. “Hiện chúng tôi chưa tiếp cận được với quy chế của cuộc thi này nên cũng không thể nói gì về việc DN Việt Nam vi phạm biểu trưng của giải thưởng. Chỉ chắc chắn một điều, loại gạo được sản xuất từ giống lúa ST25 thì đó chắc chắn là gạo ST25”, ông Bảy nói.
Ông Thủy cũng cho rằng, gạo được sản xuất từ giống lúa ST25 được gọi là gạo ST25 là đúng theo thông lệ quốc tế vì gạo sinh ra từ giống lúa thì mang tên giống lúa. Nhưng sử dụng cả hình ảnh giải thưởng thì vi phạm SHTT. Các DN không được quyền của TRT thì không thể sử dụng biểu trưng giải thưởng. Nếu Việt Nam không chấn chỉnh thì việc họ cảnh báo sẽ tước quyền tham dự cuộc thi cũng là bình thường vì đã vi phạm quyền sở hữu của họ.
Chỉ Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí được sử dụng biểu trưng
“Gạo ngon nhất thế giới” chỉ dành cho người có tâm huyết sáng tạo, lai tạo và vinh danh người có đóng góp quan trọng cho ngành gạo toàn cầu. Nhóm nghiên cứu phát triển giống gạo ST25 (kỹ sư Hồ Quang Cua và cộng sự) phù hợp với ý nghĩa đó nên xứng đáng được công nhận và được sử dụng biểu trưng của giải thưởng này. Do đó, chỉ duy nhất ST25 của DN tư nhân Hồ Quang Trí (con của ông Hồ Quang Cua) mới được sử dụng biểu trưng này để kinh doanh thương mại”.