Sáng nay, 28/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ bắt đầu Hội nghị trực tuyến với các địa phương, tập trung thảo luận những giải pháp triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Cùng tham dự có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Trần Quốc Vượng, thành viên Thường trực Ban bí thư, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra trung ương, ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương...
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định đây là sự kiện đặc biệt cho thấy sự nhất quán về quan điểm của Đảng, Nhà nước và trực tiếp là Chính phủ về cách thức tổ chức điều hành, phát triển nền kinh tế, tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cũng là thể hiện sự ủng hộ của Tổng Bí thư, các cơ quan của Đảng với Chính phủ.
Mặt khác, cũng theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc Tổng Bí thư dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị này cũng sẽ gửi thông điệp tới các tỉnh, thành phố trong bối cảnh có nhiều vụ việc vừa xảy ra tại các địa phương thu hút sự chú ý của người dân và dư luận.
Hội nghị dự kiến diễn ra từ ngày 28-29/12, sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình sẽ trình bày báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội năm 2017.
Tiếp đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giới thiệu dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018. Thường được đánh số 01, Nghị quyết này sẽ là văn bản chủ đạo, quan trọng nhất trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ và cả hệ thống hành chính Nhà nước trong năm 2018.
Theo đó, Chính phủ xác định phương châm hành động năm 2018 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và các trọng tâm chỉ đạo, điều hành là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Dự thảo Nghị quyết đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 59 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đồng thời, Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện 242 nhiệm vụ cụ thể tại phụ lục kèm theo dự thảo Nghị quyết.
Tại Hội nghị, các địa phương và bộ, ngành sẽ tập trung thảo luận, góp ý để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, cũng tại Hội nghị, các đại biểu sẽ nghe các báo cáo tóm tắt về: Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2017; tình hình thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; công tác rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội; kết quả thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0; kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ năm 2017; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng năm 2017.