Sự kiện thiết thực "tiếp sức" doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong thời đại toàn cầu hóa, thực tế trên toàn thế giới đã chứng minh môi trường kinh doanh là yếu tố quan trọng nhất với sự phát triển của mọi doanh nghiệp (DN) nói riêng và nền kinh tế nói chung. Gồm nhiều yếu tố như địa lý, dân cư, văn hóa, công nghệ, sự ổn định của xã hội… nhưng một yếu tố quan trọng nhất trong môi trường kinh doanh là môi trường pháp lý.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Các DN khi dự định tham gia vào một thị trường mới, việc đầu tiên thường là tập trung nghiên cứu kỹ hệ thống luật pháp, các chính sách của quốc gia đó, để quyết định đầu tư hay không, có kế hoạch kinh doanh ra sao cho phù hợp.

Đất nước chúng ta phát triển như ngày hôm nay, một phần nhờ Đảng, Nhà nước đã có những chính sách, chủ trương, quy định rất đúng đắn liên tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN, “tất cả cùng thắng”.

Hiện nay, chúng ta có hơn 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh; là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Nhiều DN Việt Nam đã phát triển với quy mô lớn, có năng lực toàn cầu, thậm chí dẫn dắt các chuỗi cung ứng.

Ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng… nhiều năm nay những doanh nhân đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… sang đầu tư kinh doanh, làm ăn, coi Việt Nam như quê hương thứ hai; đã thành cả những cộng đồng.

Nhưng xã hội không ngừng phát triển từng ngày, nên việc cải cách môi trường kinh doanh cũng là việc không ngừng nghỉ, không ngừng đổi mới sáng tạo. Diễn đàn “Kinh doanh & Pháp luật” diễn ra ngày hôm nay (9/10/2024) với hai trong nhiều nội dung chính là thảo luận, giải đáp, chung tay tháo gỡ các vấn đề pháp lý trong lĩnh vực thuế và bất động sản; là một minh chứng.

Sự kiện do Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức một lần nữa khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn coi trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các DN, doanh nhân; đúng như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII “thống nhất cao xác định đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, DN làm trung tâm”.

Hai ngày trước khi diễn ra sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 103/CĐ-TTg ngày 7/10/2024 về hỗ trợ DN. Có hai chỉ đạo quan trọng trong Công điện. Thứ nhất là tiếp tục nỗ lực, quyết liệt thực hiện theo thẩm quyền các giải pháp, nhiệm vụ nhằm hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng, ban hành chính sách, cần kiến tạo môi trường thuận lợi giúp DN phát triển.

Thứ hai là chủ động tích cực theo thẩm quyền, gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe góp ý, khuyến nghị của DN để kịp thời xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển, hỗ trợ, giúp đỡ. Diễn đàn “Kinh doanh & Pháp luật” vì vậy càng có ý nghĩa sâu sắc.

Những ngày này, cả nước đang có nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2024) và Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11/2024). Không chỉ là hưởng ứng, Diễn đàn “Kinh doanh & Pháp luật” còn là một sự kiện thiết thực cụ thể hóa quan điểm “tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, DN làm trung tâm”; mục đích mọi DN, doanh nhân ngày càng phát triển, lớn mạnh, kinh doanh hiệu quả; cùng nhau xây dựng đất nước tự chủ, hùng cường; xã hội dân chủ, tiến bộ, văn minh; người dân ấm no, hạnh phúc.

Đọc thêm