Hơn 21.000 tỷ đồng tiếp sức cho doanh nghiệp xứ Thanh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đầu tiên kể từ khi xuất hiện đại dịch COVID-19 được Ngân hàng Nhà nước phối hợp tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa cuối tuần qua. Tại Hội nghị, các ngân hàng thương mại đã ký cam kết cấp khoản tín dụng 21.055 tỷ đồng cho các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kịp thời hỗ trợ phục hồi sản xuất

Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, với hệ thống các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ của NHNN, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, nhưng tín dụng toàn nền kinh tế năm 2021 tăng ngay từ đầu năm và đến cuối năm tăng 13,61% so với cuối năm 2020; đến ngày 23/3/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 4,21%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (1,62%). Đặc biệt, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh (SXKD), nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được quản lý chặt chẽ.

Đối với hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, tín dụng có mức tăng trưởng tốt, bình quân tăng trưởng giai đoạn 2016 – 2020 đạt 16,31% và năm 2021 tăng 16,45% (cao hơn mức tăng tín dụng chung của toàn quốc là 13,61%). Ngoài ra, tín dụng chính sách trên địa bàn (đạt 10.790 tỷ đồng, chiếm 6,83% dư nợ tín dụng, quy mô đứng thứ 2 trong hệ thống NHCSXH) đã phát huy hiệu quả giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn để đầu tư SXKD, vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.

Hơn 2 năm qua, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn triển khai kịp thời, có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. Tính đến 28/2/2022, các TCTD đã cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 3.118 khách hàng với giá trị nợ được cơ cấu là 4.378 tỷ đồng; Miễn, giảm lãi cho 288.329 khách hàng với giá trị nợ được miễn, giảm lãi vay là 87.478 tỷ đồng, số tiền lãi đã miễn cho khách hàng là 388 tỷ đồng (mức lãi suất giảm từ 0,5-2,5%/năm); Cho vay mới áp dụng lãi suất ưu đãi cho 9.149 khách hàng, với doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến ngày 28/02/2022 là 68.082 tỷ đồng; NHCSXH tỉnh đã cho 696 lao động vay vốn với số tiền trên 52 tỷ đồng và giải ngân cho người sử dụng lao động vay trên 5,5 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho người lao động.

Ông Đỗ Trọng Hưng – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, triển khai sớm các giải pháp đồng bộ của ngành ngân hàng đã trực tiếp hỗ trợ các DN trên địa bàn. Đồng thời khẳng định, việc thực hiện các chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất đã hỗ trợ thiết thực cho DN.

Tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng

Đánh giá sự vào cuộc tích cực của các TCTD trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng lưu ý, trong bối cảnh dịch COVID-19, đa số các DN trên địa bàn tỉnh là DN nhỏ và vừa, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính thấp; nhiều người dân và một số chủ DN chưa được trang bị hoặc chưa được tiếp cận các dịch vụ số; công tác xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn và thường kéo dài... Bản thân các TCTD trên địa bản cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức như nguy cơ rủi ro lạm phát, dịch bệnh kéo dài trong suốt 2 năm và vẫn còn đang diễn biến phức tạp. “Những khó khăn như vòng quay vốn chậm, dòng tiền đứt dãy, DN bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, gia tăng rủi ro về thu hồi nợ... đến năm 2022 sẽ tác động mạnh hơn đến hoạt động ngân hàng” - Thống đốc NHNH nhận định.

Để góp phần thực hiện Nghị quyết 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sớm đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, bên cạnh việc đề nghị các TCTD tập trung vốn cho các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa cho phát triển kinh tế của tỉnh, hướng tín dụng vào các lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN…, cần phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân, DN, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Đồng thời tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và DN, cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận, để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Ưu tiên hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, DN thuộc các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 và DN có hệ thống quản trị tốt, có khả năng phục hồi SXKD.

Thống đốc NHNN cũng đặc biệt lưu ý các TCTD tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục... đi đôi với việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để đảm bảo an toàn vốn vay khi thực hiện mở rộng tín dụng. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đọc thêm