Sự non nớt của học trò "buộc tội"thầy giáo “dâm ô”?

 TAND huyện Than Uyên đã sơ thẩm lần 2 tuyên bị cáo Phạm Văn Tuyên (SN 1983, giáo viên Trường Tiểu học xã Tà Mung, Than Uyên) 4 năm 6 tháng tù về tội “Dâm ô đối với trẻ em” bằng mức án ở phiên sơ thẩm lần 1. Tại phiên xử này, sự  “ngây thơ” của bị hại và nhân chứng được HĐXX nêu ra như là một cách để tăng tính thuyết phục của bản án. “Mọi người đều nhìn và cảm nhận 7 cháu còn ngây thơ, non nớt, chưa cảm nhận thế nào là  đúng- sai…Chính sự ngây thơ và trong sáng của các cháu đã chỉ ra một sự thật là, Tuyên đã có hành vi dâm ô đối với cháu T…”.

Sau khi bị Toà phúc thẩm huỷ án để điều tra bổ sung, mới đây, TAND huyện Than Uyên đã sơ thẩm lần 2 tuyên bị cáo Phạm Văn Tuyên (SN 1983, giáo viên Trường Tiểu học xã Tà Mung, Than Uyên) 4 năm 6 tháng tù về tội “Dâm ô đối với trẻ em” bằng mức án ở phiên sơ thẩm lần 1…

Đã hết mâu thuẫn?

Cần phải khẳng định rằng, xâm hại sức khỏe, nhân phẩm đối với trẻ em là loại tội phạm nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm khắc. Tuyên sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật nếu Cơ quan tiến hành tố tụng (CQ THTT) chứng minh được nội dung tố cáo của cháu T rằng: “Sau giờ học, trong khi các bạn về hết thì T được thầy Tuyên bảo ở lại lớp để viết thêm bài. Tuyên xuống ngồi cạnh rồi sờ soạng vào chỗ kín của T . Sau đó, Tuyên kéo T xuống cuối lớp để tiếp tục thực hiện hành vi dâm ô”

Bị cáo Tuyên tại phiên xử ngày 30/10
Bị cáo Tuyên tại phiên xử ngày 30/10

Để chứng minh lời khai trên, cơ quan THTT huyện Than Uyên đã đưa lời khai của 5 nhân chứng là các bạn của T rằng: “Sau khi tan trường, T và thầy Tuyên ở lại lớp học (đã đóng cửa sổ, cửa chính mở 1 cánh), thời gian khoảng ½ tiết học”.

Ngoài ra, trong giai đoạn điều tra lại, CQĐT xác định thêm hai nhân chứng đã đi qua sân trường vào chiều 6/12: “nhìn thấy các cháu đang chơi ở sân trường và có 1 xe máy để cạnh lớp học”. Như vây, các nhân chứng có mặt tại trường vào chiều 6/12 không có ai nhìn thấy bị cáo có hành vi “sờ soạng” T như tố cáo của bị hại. Nếu Tuyên có hành vi này thì tại sao các nhân chứng này lại “không nhìn thấy gì” mặc dù thực nghiệm điều tra cho thấy, “từ cửa lớp, có thể nhìn thấy chỗ ngồi của T”? 

Như PLVN thông tin, T từng khai: “Cả lớp viết xong bài “Nhớ Việt Bắc” thì thầy cho về. Riêng T được thầy bảo ở lại để  viết thêm bài “Hũ bạc của người cha”. Điều này mâu thuẫn với lời khai của bạn T trước đây rằng: “Cả lớp được thầy cho viết bài Hũ bạc của người cha” (chứ không riêng T). Lời khai của T cũng còn mâu thuẫn về thời gian kể lại chuyện “bị sờ soạng” cho bạn Quyền nghe (lúc thì chiều 6/12, lúc thì sáng 7/12).

Một số người khác được xác định là nhân chứng của vụ án, nhưng thực ra đều là những người “nghe kể lại” hoặc nghe có sự việc thầy T bị học trò tố cáo. Có 2 lời khai cho hay, tại cuộc họp của Ban giám hiệu, Tuyên nhận lỗi rằng “sự việc xảy ra là có nhưng không như tố cáo”. Nhưng có nhân chứng tham gia họp lại khai, “không rõ Tuyên trình bày thế nào”. Trong khi đó, cuộc họp này lại không có biên bản.

Một chi tiết để minh chứng cho lời khai của bị hại là Kết luận giám định “cháu T bị rách màng trinh”. Đáng tiếc là việc thực hiện giám định này lại quá muộn - gần 100 ngày sau kể từ lúc gia đình T có đơn tố cáo.

Sự “ngây thơ” chứng minh được cái gì?

Trong phần khai mạc phiên tòa, cả Tuyên và luật sư bào chữa đều đề nghị thay đổi Kiểm sát viên (KSV) với lý do“cuốn vở của các cháu tuy đã được CQĐT thu giữ, nhưng lại không được KSV đưa vào hồ sơ vụ án trước khi xét xử phúc thẩm”; nhưng không được HĐXX chấp nhận.

Pháp luật quy định rõ, việc chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng (THTT). Bị can, bị cáo không buộc phải chứng minh sự vô tội của mình. Điều này có thể hiểu rằng, việc bác bỏ chứng cứ ngoại phạm của bị cáo không thể thay thế cho việc chứng minh bị cáo có tội.

Nhưng dù sao thì việc bác bỏ chứng cứ ngoại phạm của Tuyên trong phiên toà này cũng là điều đáng nói. Nhân chứng Huệ khai, “trong trường còn anh Hiếu và Tuyên thì tôi đi nhờ xe anh Hiếu về”. Trong khi đó, anh Hiếu khẳng định ngược lại, khoảng 15h35 phút thì Tuyên đã rời trường (mặc áo mưa, đi xe màu trắng). Sau khi tôi mang sữa đi gửi và rửa xe dưới suối cạnh trường thì thấy trường không còn ai. Giữa hai lời khai này, KSV đã “nghiêng” về chị Huệ vì phù hợp với lời khai của …chồng (anh Toàn).

 Bị bác bỏ, anh Hiếu “bật” lại, chị Huệ từng nhắn tin cho tôi với nội dung, “anh Toàn không nói với Công an như thế đâu. Cậu không biết mánh khoé của họ à. Họ doạ mình đấy, Khi tớ lên, họ đã nói vậy rồi”. Nhưng HĐXX đã không làm rõ chi tiết “nhạy cảm” này và cũng không xác định xem nếu anh Hiếu là người chở chị Huệ về thì ai là người đã đi gửi sữa?

Tuy vẫn phủ nhận việc mình đã từng nhận lỗi trước ban giám hiệu nhưng Tuyên vẫn bị xử phạt bằng mức án cũ. Có điều khác là, sự  “ngây thơ” của bị hại và nhân chứng cũng được HĐXX nêu ra như là một cách để tăng tính thuyết phục của bản án. Xin trích dẫn: “Mọi người đều nhìn và cảm nhận 7 cháu còn ngây thơ, non nớt, chưa cảm nhận thế nào là  đúng- sai…Chính sự ngây thơ và trong sáng của các cháu đã chỉ ra một sự thật là, Tuyên đã có hành vi dâm ô đối với cháu T…”.

Nhân chứng Hiếu, Hoa cùng một số giáo viên ký đơn kêu oan cho Tuyên, bị HĐXX đề nghị xử lý theo quy định.                                               

Trong phần xét hỏi tại phiên toà, 1 trong 2 vị Hội thẩm nhân dân đã giõng giạc công bố “để  bị cáo và mọi người nghe rõ về quy định tại Điều 116 BLHS- Tội dâm ô đối với trẻ em”. Thế nhưng ngay sau đó, một số người dự toà đã “ngã ngửa” khi nghe  vị Hội thẩm này đọc tràng giang các khái niệm như “Hành vi dâm ô là…; Chủ thể tội phạm là…; Mặt khách quan của Tội phạm là…; Mặt chủ quan của tội phạm là…”.

Điều này khiến luật bào chữa sau đó phải phát biểu “Tôi không hiểu bà Hội thẩm đọc BLHS nào, hay sách in nhầm chứ BLHS tôi cầm trên tay không có nội dung như bà đọc”. Đến lúc này, Chủ toạ phiên toà mới lên tiếng bênh vực, “đấy là bà Hội thẩm giải thích về tội danh truy tố. Không phải đọc điều luật trong BLHS”.

Khoa Lâm

Đọc thêm