Sự ổn định đáng ngờ trên thị trường dược phẩm

 

Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 vừa được Tổng cục Thống kê công bố tăng 1,05%, điệp khúc “thị trường dược phẩm cơ bản ổn định" của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) và Hiệp hội sản xuất kinh doanh Dược Việt Nam không khỏi đáng ngờ.

 Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 vừa được Tổng cục Thống kê công bố tăng 1,05%, điệp khúc “thị trường dược phẩm cơ bản ổn định" của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) và Hiệp hội sản xuất kinh doanh Dược Việt Nam không khỏi đáng ngờ.

“Điệp khúc”

Báo cáo của Hiệp hội sản xuất kinh doanh Dược Việt Nam thể hiện,  trong tháng qua, mặc dù thời tiết chuyển mùa lạnh, các bệnh về mùa lạnh như cảm cúm, viêm phối, viêm phế quản tăng mạnh… nhưng thị trường dược phẩm nhìn chung vẫn ổn định. Một số mặt hàng có điều chỉnh giá nhưng tỉ lệ không nhiều.

Qua khảo sát của hiệp hội này tại 75 cơ sở, có 25 cơ sở có điều chỉnh giá một số mặt hàng. Trong 7.390 lượt mặt hàng được khảo sát, bao gồm cả thuốc nội và thuốc nhập ngoại, chỉ có vài chục mặt hàng tăng giá. 

Cụ thể, đối với thuốc nội, tại khu vực Hà Nội chỉ có 37 lượt mặt hàng tăng giá, chiếm tỉ lệ gần  0,4% so với tổng số các mặt hàng khảo sát, mức tăng trung bình 3,8%. Qua khảo sát 1.000 lượt mặt hàng tân dược tại khu vực Miền Trung và TP. Đà Nẵng, hiệp hội này cũng cho rằng nhìn chung các mặt hàng đều ổn định, có 09 lượt mặt hàng tăng giá nhưng mức tăng không nhiều. Điệp khúc này tiếp tục lặp lại tại Khu vực TP.Hồ Chí Minh, qua khảo sát 1.000 mặt hàng tân dược.

Đối với thuốc ngoại, trên cả nước Hiệp hội sản xuất kinh doanh Dược Việt Nam chỉ ghi nhận có 7 lượt mặt hàng tăng giá, chiếm tỉ lệ chưa đầy 0,1% so với tổng số mặt hàng khảo sát, với tỉ lệ tăng trung bình 5,0%. Trong khi đó, có 13 lượt mặt hàng giảm giá, chiếm tỉ lệ 0,14% với tỉ lệ giảm trung bình khoảng 4,3%.

Giá một số nguyên liệu như: kháng sinh, hạ sốt, vitamin nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ cũng ổn định, duy có mặt hàng Trimethoprim tăng nhiều nhất với tỷ lệ 11,6%.

Từ báo cáo của hiệp hội, cụm từ “ổn định – tăng nhưng không nhiều” tiếp tục được Cục quản lý Dược sử dụng trong báo cáo gửi Tổ điều hành thị trường trong nước. Cục này cũng lạc quan cho rằng, dự báo tháng tới thị trường dược phẩm trong nước ít có điều chỉnh về giá cả dù một số thuốc sản xuất trong nước sẽ có điều chỉnh nhẹ theo sự điều chỉnh tăng giá nguyên liệu đầu vào. Một số mặt hàng thuốc thành phẩm nhập khẩu có thể điều chỉnh nhẹ do tỉ giá giữa đồng USD, đồng Euro và đồng Việt Nam tăng mạnh trên thị trường.

’Quả bóng’

Trái với không khí lạc quan của ngành dược, báo cáo của Cục Quản lý thị trường lại nhận định thuốc chữa bệnh là mặt hàng đang có xu hướng tăng giá. Theo cơ quan này, không riêng thuốc chữa bệnh, từ đầu tháng 10 đến nay, các siêu thị đã tăng giá hàng trăm mặt hàng, nhất là nhóm hàng nhập khẩu, do ảnh hưởng tỷ giá và chi phí nguyên liệu sản xuất, nhân công tăng. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước cũng bắt đầu bán với giá mới, như dầu ăn thuộc nhóm hàng được bình ổn giá, đã tăng thêm khoảng 5%.

Đặc biệt, theo báo cáo của Ban chỉ đạo 127 TP.Hà Nội, thuốc chữa bệnh lại được xếp đầu bảng trong nhóm những mặt hàng “tăng giá nhanh và giữ giá ở mức cao” cùng với sữa bột và một số mặt hàng thực phẩm, đường, gas, vật liệu xây dựng…

Số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong tháng 10 chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế đã có mức tăng 0,27% so với tháng 9 và tăng 3,67% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây không phải là lần đầu Cục Quản lý Dược và Hiệp hội sản xuất kinh doanh Dược Việt Nam đưa ra những báo cáo không giống với những gì đang diễn ra trên thực tế.

5 năm đã qua kể từ khi Luật Dược được ban hành, công tác quản lý giá thuốc vẫn loay hoay trong mớ “bòng bong”. Hôm 18/10, Bộ Y tế đã phải có phiên họp giải trình về giá thuốc tại Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã đề nghị chuyển chức năng quản lý giá thuốc về Bộ Tài chính. Lý do đẩy “quả bóng”, theo ông Triệu, Bộ Y tế chỉ giỏi mổ xẻ, đỡ đẻ, khám thai sản, không giỏi về tài chính, mà quản lý giá thuốc thì đích thị cần những chuyên gia tài chính giỏi (?!).

Hà Hương

Đọc thêm