Sự thật chuyện “giam lỏng” nguyên Chủ tịch HĐQT VNAssets

(PLO) - Mấy ngày vừa qua, vụ việc ông Lê Anh Tuấn - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Cty CP Đầu tư và Kinh doanh tài sản Việt Nam (VNAssets) - bị cổ đông “giam lỏng” đã thu hút sự chú ý của dư luận. Chân tướng vụ việc trên như thế nào?
Ông Lê Anh Tuấn trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 25/9
Ông Lê Anh Tuấn trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 25/9
Ngày 25/9/2014, Ban Kiểm soát VNAssets đứng ra triệu tập phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường. Tại đây, ông Lê Anh Tuấn - khi đó là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc VNAssets - bị miễn nhiệm bằng một quyết nghị được đa số cổ đông thông qua. Ông Lương Anh Cường - thành viên HĐQT- được quyết nghị giữ chức Chủ tịch HĐQT, được giao tìm và giới thiệu người để HĐQT xem xét giữ chức Giám đốc VNAssets.
Thay đổi Giám đốc
Trong phiên họp đầu tiên của HĐQT sau ĐHĐCĐ bất thường, ông Cường giới thiệu ông Vũ Đức Hoàng làm Giám đốc VNAssets và được toàn bộ HĐQT mới thông qua theo đúng các qui định của pháp luật.
Ngày 26/9/2014, tại trụ sở VNAssets, Ban lãnh đạo mới của Cty triệu tập cuộc họp để thông báo với cán bộ, nhân viên các văn bản của ĐHĐCĐ và HĐQT… kèm theo yêu cầu ông Tuấn bàn giao lại con dấu, tài liệu, trang thiết bị tài sản và công việc đang thực hiện. 
Tuy nhiên, ông Tuấn từ chối bàn giao con dấu, tài liệu và trang thiết bị; yêu cầu cung cấp biên bản và đặt câu hỏi cho tính hợp pháp của ĐHĐCĐ bất thường ngày 25/9. Ngay sau đó, ông Lê Anh Tuấn cũng mời tất cả mọi người - bao gồm cả HĐQT, Ban kiểm soát của VNAssets - ra ngoài. 
Chiều cùng ngày, Chủ tịch HĐQT VNAssets Lương Anh Cường ra thông báo tạm ngưng hoạt động, niêm phong địa điểm làm việc tại tầng 2 - khán đài B, sân vận động Mỹ Đình của VNAssets. 
Quyết nghị đã có hiệu lực
Việc tạm ngừng mọi hoạt động kinh doanh của VNAssets bắt đầu lúc 17h, việc niêm phong được tiến hành lúc 17h15- sau khi tất cả nhân viên rời khỏi địa điểm làm việc, mang toàn bộ tài sản và đồ dùng cá nhân ra ngoài - đồng thời giữ nguyên trạng con dấu, hồ sơ, tài liệu của Cty. 
HĐQT cũng quyết định thuê 2 bảo vệ của Cty dịch vụ Bảo vệ Hà Nội nhằm bảo vệ tại trụ sở Cty cũng như áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm ngăn cản sự vi phạm của các cá nhân, tổ chức xâm phạm đến con dấu, tài sản của VNAssets cho tới ngày 29/9, thời điểm ông Tuấn sẽ phải tiến hành bàn giao lại con dấu.
Những người có liên quan cùng bà Nguyễn Thị Quyên - Văn phòng Thừa phát lại Hai Bà Trưng - đã gõ cửa, kiểm tra từng phòng sau đó mới dán niêm phong. Riêng phòng của ông Lê Anh Tuấn do chưa bàn giao chìa khóa nên tổ niêm phong  gõ cửa 3 lần, gọi bên trong rồi mới tiến hành niêm phong. 
Tất cả việc này được ghi hình, chụp ảnh trong Vi bằng được lập lúc 19h05 ngày 26/9/2014, dưới sự chứng kiến của Thừa phát lại. Tất cả đều được nghe Thừa phát lại đọc lại toàn bộ nội dung Vi bằng, cùng cam kết đã hiểu và nhất trí với các nội dung, đồng thời tự chịu trách nhiệm về sự việc trên.
Tuy nhiên, ông Tuấn đã ở lại trong phòng làm việc đợi tổ niêm phong đi khỏi mới ra ngoài. Theo nhân viên bảo vệ Trần Ngọc Anh, người ở lại trông coi tài sản của VNAssets, sau khi cán bộ Cty về (khoảng 20h-20h30) ông Tuấn có mở cửa ra khỏi phòng một lúc sau đó lại vào phòng. Đến khoảng 21h, ông Lê Anh Tuấn ra về với vợ, mẹ cùng một số người khác.
Luật quy định, sau thời điểm ngày 25/9, khi ĐHĐCĐ quyết định thông qua việc miễn nhiệm thì cũng là lúc ông Lê Anh Tuấn không còn bất cứ quyền hành gì trong việc điều hành Cty. Theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, ĐHĐCĐ đã quyết định thì ngay lập tức có hiệu lực; còn nếu có kiện cáo, tranh chấp thì hiệu lực đó vẫn được thi hành cho tới khi Tòa án có phán quyết khác. Như thế, sau thời điểm ngày 25/9, ông Lê Anh Tuấn không còn tư cách pháp nhân để tiếp tục giữ lại con dấu, tài sản, trang thiết bị cùng tài liệu của VNAssets. 
Vụ việc ở VNAssets không phải là trường hợp cá biệt, nhiều vụ chiếm giữ con dấu tương tự đã được báo chí đưa tin như ở Cty CP Hữu Nghị (Hà Nội), Cty CP Xây dựng giao thông I (Hà Nội), Cty 142 (Đồng Nai)… thậm chí còn xảy ra tại một hiệp hội DN khi ông Phó Chủ tịch cũng “ôm” dấu về nhà để “cất”.
Cũng đã có những vụ con dấu của DN bị chiếm giữ, người có liên quan tố cáo tới công an, công an đề nghị Viện kiểm sát khởi tố vụ án, khởi tố bị can song Viện kiểm sát đã không chấp nhận vì Bộ luật Hình sự chỉ quy định hành vi “chiếm đoạt con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội” chứ không quy định hành vi “chiếm đoạt con dấu, tài liệu của doanh nghiệp”. Sau đó, vụ việc được khởi kiện ra tòa án nhưng tòa án cũng trả lại đơn với lý do “không thuộc thẩm quyền giải quyết”… 

Đọc thêm