Khổ chủ chỉ có thể “cười trừ”
Thông tin thanh long trị hết bệnh tiểu đường lan nhanh đến tận TP.HCM, khiến nhiều người lăn tăn lo nghĩ. Một số người ăn thử. Thanh long ruột trắng không có tác dụng gì, nhưng thanh long ruột đỏ khiến lượng đường của các bệnh nhân đột ngột tăng vọt.
Trong khi đó, tại ấp 2 xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, nhiều người dân vẫn ngơ ngác. Bà Tám Nhỏ - người được cho là nhân vật "ăn thanh long hết bệnh tiểu đường" đồng ý rằng bà có mắc bệnh tiểu đường hơn chục năm nay, có lúc định lượng đường máu huyết tương của bà tăng đến 380mg/dl. Bệnh gây biến chứng sang tim. Suốt ngần ấy thời gian điều trị, bà kết hợp uống thuốc tây với rất nhiều bài thuốc đông y khác nhau như dùng trái khổ qua đèo phơi khô, sao vàng hạ thổ rồi nấu nước uống, hoặc nhai trái cau kiểng tươi, hoặc ăn cơm gạo lức với muối mè, uống 5 xị nước lã kết hợp xoa bụng theo chiều kim đồng hồ trong vòng 30 phút mỗi buổi sáng…
Nghe những lời đồn đầy tính huyền thoại về mình, bà chỉ còn cách cười trừ: “Tôi đâu có ăn chay trường. Thanh long ruột trắng thì tôi ăn tối đa 2 lần/ tuần và mỗi lần chỉ 1 - 2 miếng nhỏ. Thanh long ruột đỏ tuyệt đối tôi không dám đụng tới, vì thèm ăn 1 miếng nhỏ bữa trước là bữa sau người mệt liền, đường tăng cao lắm”. Bà Tám kể, giai đoạn “ốm nhách, lọm thọm” của bà là do ăn gạo lức muối mè thay cơm, đường trong máu giảm chút ít nhưng sụt cân dữ dội. Có khoảng hơn 2 năm bà khỏe mạnh, không phải dùng thuốc tây là do kết hợp uống nước lã với xoa bụng theo chiều kim đồng hồ trong vòng 30 phút. Tuy nhiên, bệnh chỉ tạm lui rồi lại tấn công trở lại với mức độ nặng hơn trước. Giờ đây, bà Tám phải uống thuốc đều đặn mỗi ngày, theo chỉ định của bác sĩ.
Thanh long không phải là thuốc
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất-phân bón và môi trường phía Nam (Viện Thổ nhưỡng-nông hóa) và ông Phan Nghĩa Đại, chuyên viên cây ăn quả của Trung tâm Khuyến nông Long An: Trên thế giới chưa có bất kỳ tài liệu khoa học nào chứng minh trong trái thanh long có chứa hoạt chất điều trị hết bệnh tiểu đường. Chỉ có những lời khuyến khích nên ăn những loại trái cây như thanh long, bưởi, mận vì có tính lạnh, hàm lượng đường khá thấp, dễ chuyển hóa, thích hợp với người bệnh tiểu đường. Ngoài ra, thanh long còn chứa nhiều chất xơ, giúp cải thiện tiêu hóa tốt, tránh được táo bón; giàu Vitamin C giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, tránh những rối loạn hô hấp.
|
Hạt thanh long chứa các axit béo không bão hòa da như Omega-3, Omega-6 có tác dụng làm giảm Triglyceride giúp giảm nguy cơ tim mạch. Tuy nhiên, nếu người ăn không nhai kỹ hạt thì cơ thể cũng khó có cơ hội nhận được các axit béo này. Các vitamin nhóm B giúp giảm cholesterol và cải thiện làn da. Phytoalbumins và Lycopene (có nhiều trong thanh long ruột đỏ) có đặc tính chống oxy hóa giúp ngăn chặn sự hình thành các tế bào ung thư, ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt.
Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Ngọc Thu (Viện Y dược học dân tộc TP.HCM) cũng khẳng định, không riêng thanh long, bất cứ trái cây nào cũng hỗ trợ tốt việc điều trị bệnh tiểu đường nếu nó không quá ngọt. Và hiện nay vẫn chưa hề có bất kỳ vị thuốc điều trị bệnh tiểu đường nào được bào chế từ thanh long. Khi phát hiện bản thân có bệnh tiểu đường, người bệnh không nên nghe theo những lời khuyên thiếu cơ sở khoa học. Thay vào đó, nên đến gặp bác sĩ để nhận được những tư vấn tốt nhất về việc kết hợp thuốc với chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp.