Sự trở lại của Nghị quyết 02/NQ-CP: Quyết tâm của Chính phủ, kỳ vọng của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sự trở lại của Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2024 mang theo thông điệp cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD) là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, thể hiện mức độ quan tâm và đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp (DN)…
Sự trở lại của Nghị quyết 02/NQ-CP: Quyết tâm của Chính phủ, kỳ vọng của doanh nghiệp

Quyết tâm của chính phủ

Phát biểu tại Hội nghị: “Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển DN” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (CIEM), Bộ KH&ĐT tổ chức ngày 29/02, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM cho biết, từ năm 2014, Bộ KH&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ hằng năm ban hành Nghị quyết về cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP).

Năm 2023, Chính phủ gộp nhiệm vụ cải cách MTKD vào thành một nội dung của Nghị quyết 01/NQ-CP nhằm khẳng định MTKD là nhiệm vụ trong điều hành và phát triển kinh tế xã hội. Tuy vậy, do chỉ là một trong các nhiệm vụ của Nghị quyết 01/NQ-CP nên mức độ quan tâm, động lực cải cách của các bộ, ngành, địa phương mờ nhạt hơn.

Trong khi đó, năm 2023, DN tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả từ bên ngoài cũng như lực cản trong nước; nhiều lĩnh vực rào cản đầu tư, kinh doanh trở nên nặng nề hơn; MTKD chạm đến những vấn đề khó, mang tính liên ngành. Điều này tác động không nhỏ tới niềm tin và động lực của nhà đầu tư, DN; Và vì thế nguồn lực DN chưa được khơi thông hiệu quả.

Để hỗ trợ, đồng hành cùng DN phục hồi và phát triển, năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản QPPL, cơ chế, chính sách theo thẩm quyền và quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn thể chế cho DN.

Trên các bảng xếp hạng quốc tế, hiệu quả thị trường tăng hạng đáng kể, từ thứ hạng 105 (năm 2020) lên thứ hạng 90 (năm 2021), 84 (năm 2022) và đạt thứ hạng 72 (năm 2023). Chỉ số Phát triển bền vững (SDG) tăng điểm liên tục qua các năm, hiện xếp thứ 55 (năm 2022). Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2023 ở vị trí thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022. Hiệu quả logistics của nước ta cũng được ghi nhận cải thiện về chất lượng.

Nhờ đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả tích cực. Kết quả này tạo đà phục hồi và phát triển cho khu vực tư nhân, đồng thời xếp hạng tín nhiệm quốc gia được cải thiện.

Đáng chú ý là tình hình DN năm 2023 cho thấy cộng đồng DN gặp khó khăn hơn so với các năm trước. Tăng trưởng về số DN thành lập mới, số DN quay trở lại hoạt động, vốn đăng ký và lao động đều giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số DN rút lui khỏi thị trường cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Năng lực hấp thụ vốn sụt giảm khiến tăng trưởng tín dụng chậm mặc dù Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất điều hành. Xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn, chậm phục hồi.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của cộng đồng DN

Hội thảo thu hút sự quan tâm của cộng đồng DN

Dự báo năm 2024, các thuận lợi, khó khăn vẫn tiếp tục đan xen, nhưng khó khăn nhiều hơn. Riêng trong tháng 01/2024, số DN rút lui khỏi thị trường gấp gần 2 lần số DN gia nhập thị trường. Thực tế này cho thấy DN đang đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn; và hơn lúc nào hết nỗ lực cải cách MTKD cần tăng tốc và thực thi thực chất để củng cố niềm tin và tạo động lực kinh doanh cho DN.

Với các lý do nêu trên, Chính phủ đã khôi phục lại Chương trình cải cách, cải thiện MTKD bằng việc ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 nhằm tạo áp lực, đồng thời khơi dậy động lực, tinh thần cải cách của các bộ, ngành, địa phương.

“Sự trở lại của Nghị quyết mang theo thông điệp rằng cải thiện MTKD là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, thể hiện mức độ quan tâm và đồng hành của Chính phủ với cộng đồng DN. Qua đó, Nghị quyết 02/NQCP kỳ vọng góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, DN; Khơi dậy động lực, tinh thần kinh doanh; từ đó thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế…” - Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.

Quan trọng là thực thi

Theo TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu MTKD và năng lực cạnh tranh CIEM, Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2024 đã kế thừa và phát triển cách tiếp cận đã thực hiện trước đây tại các Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP.

Sự trở lại của Nghị quyết 02/NQ-CP khẳng định quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là Đảm bảo quyền tự do kinh doanh; Tạo MTKD thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và phát triển các ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo; Nâng cao chất lượng xây dựng chính sách; Thực hiện đánh giá tác động, tham vấn thực chất, đối thoại công khai; Nâng cao chất lượng thực thi pháp luật; Duy trì và nhân rộng các kinh nghiệm chính sách tốt; Kịp thời tạo lập và hoàn thiện thể chế, chính sách để thích ứng linh hoạt, phù hợp với những xu thế phát triển mới như: ĐMST, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh,... Nghị quyết 02/NQ-CP cũng dựa vào đánh giá quốc tế để tạo động lực cải cách trong nước...

Theo Nghị quyết 02/NQ-CP, trước ngày 20/01/2024, các Bộ, ngành, địa phương phải ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động. Tuy nhiên, theo bà Thảo, đến hết ngày 28/02/2024, Bộ KHĐT nhận được Kế hoạch hành động của 16/26 bộ, cơ quan và 48/63 địa phương.

Cũng theo TS. Nguyễn Minh Thảo, sự trở lại của Chương trình cải cách, cải thiện MTKD đưa ra thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ, cải thiện MTKD để củng cố niềm tin, tạo điểm tựa cho DN. Tuy nhiên thách thức lớn là cần khơi dậy động lực, tạo áp lực thường xuyên, liên tục và cần sự đồng hành của nhiều bên.

“Tổ chức thực thi hiệu quả Nghị quyết là điều DN trông chờ hơn cả” - bà Thảo quả quyết.

Đọc thêm