Tháo dỡ công trình để “bảo vệ thi công”
Hồ sơ cho thấy, các hộ dân trên sử dụng đất dọc TL994 từ những năm 1991, có đóng thuế vào những năm 2007, 2011.
Tháng 3/2024, thực hiện dự án, UBND huyện ra các quyết định thu hồi, bồi thường, hỗ trợ cho các hộ. Một số hộ bị thu hồi đất nhưng không được bồi thường, hỗ trợ với lý do “đất công do UBND xã quản lý”. Các hộ không đồng ý, khiếu nại, đơn cử như bà Mỹ cho rằng đất sử dụng ổn định từ 1992, có đóng thuế, có kê khai và đã được xây dựng công trình trên đất, không có tranh chấp, không bị xử phạt... nên đủ điều kiện bồi thường.
Với bà Mỹ, ngày 29/7/2024, Chủ tịch UBND huyện ra Quyết định 5545/QĐ-UBND giải quyết khiếu nại, bác đơn. Bà Mỹ khiếu nại đến UBND tỉnh và đang được Thanh tra tỉnh tiến hành xác minh thực địa, nội dung khiếu nại. Đến nay, UBND tỉnh chưa ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.
Ngày 16/1/2025 (tức 17 tháng Chạp âm lịch), UBND huyện có Thông báo 19/TB-UBND kết luận của Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Tiến về công tác chuẩn bị “bảo vệ thi công” với một số hộ, trong đó có hộ bà Mỹ, bà Bê, bà Ngọc, ông Tuấn.
Phó Chủ tịch UBND huyện kết luận, thống nhất tổ chức “bảo vệ thi công” vào sáng thứ Hai, ngày 20/1/2025 và thực hiện trong 3 ngày; yêu cầu UBND xã và các cơ quan của huyện cử lực lượng hỗ trợ.
Ngay sau khi nhận được văn bản, ngày 17/1/2025, UBND xã Bình Châu có Báo cáo 21/BC-UBND dẫn chiếu điểm b khoản 1 Điều 89 Luật Đất đai 2024: “Không được cưỡng chế trong thời gian 15 ngày trước và sau thời gian nghỉ Tết âm lịch...”.
“Do thời gian thực hiện việc “bảo vệ thi công” trước thời gian nghỉ Tết Âm lịch 15 ngày, để tránh trường hợp thực hiện công tác “bảo vệ thi công” sai quy định pháp luật cũng như tạo điều kiện cho người dân còn nơi ở để đón Tết cổ truyền 2025 được vui vẻ, hạnh phúc. Vì vậy, UBND xã đề nghị UBND huyện xem xét có ý kiến chỉ đạo thực hiện”, báo cáo nêu rõ.
|
Văn bản của UBND tỉnh. (Ảnh trong bài: Bùi Yên) |
Luật sư đánh giá cần ra quyết định trước khi cưỡng chế
Các hộ dân trình bày thời điểm đó là cận Tết Nguyên đán, hơn nữa đã được biết xã có kiến nghị như trên, nên an tâm sẽ chưa có chuyện gì xảy ra trước Tết.
Tuy nhiên, bà Mỹ cho hay: “Ngày 20/1/2025 (tức 21 tháng Chạp âm lịch), tôi chở thợ lên TP HCM để chuẩn bị mặt bằng, khi tháo dỡ công trình thửa 281 sẽ mang đồ lên đó xây dựng. Trên đường đi, tôi nghe hàng xóm điện thoại nói có lực lượng, phương tiện đến cắt, tháo dỡ. Tôi gọi điện xin được tự tháo dỡ vào hôm sau nhưng không được đồng ý. Khi tôi quay trở về thì đã tan nát hết”. Tương tự, nhà bà Bê, nhà ông Tuấn cũng bị tháo dỡ trong ngày 20/1/2025.
Bà Mỹ nói: “Phương án là 3 ngày, nhưng địa phương cho người đến cắt, rồi xe múc vào cào trong buổi sáng là xong. Đến nay, tôi chưa thấy biên bản kiểm đếm, tháo dỡ”.
Thì ra ngay sau khi xã có văn bản kiến nghị, trong ngày 17/1, huyện có Văn bản 599/UBND-VP không đồng ý với ý kiến của xã; yêu cầu tiếp tục thực hiện việc “bảo vệ thi công” đúng 20/1/2025.
Trước sự việc này, bà Mỹ nói: “Dự án của Nhà nước vì mục đích công cộng, chúng tôi xin chấp hành chủ trương, nhưng đồng thời đề nghị cũng phải áp dụng đúng quy định pháp luật. Tôi chưa từng được vận động hoặc yêu cầu tháo dỡ và khiếu nại chưa được giải quyết xong, nhưng đã cưỡng chế như vậy, theo tôi là không phù hợp”.
Còn bà Bê thì cho biết trước khi địa phương tới tháo dỡ, có nhận được “thông báo bảo vệ thi công”, không biết đó là “cưỡng chế”. “Đến khi lực lượng xuống, cả nhà “tá hỏa tam tinh”, di dời được cái gì thì di dời, còn lại thì bị xe cuốc phá hết”, bà Bê nói.
Đánh giá về sự việc, Luật sư Tô Bá Thanh (Đoàn Luật sư TP HCM) nói: “Pháp luật về đất đai không có quy định nào về “biện pháp bảo vệ thi công”. Theo tôi, về bản chất, đây chính là biện pháp cưỡng chế, nên địa phương lẽ ra phải ra quyết định cưỡng chế. Điều 89 Luật Đất đai quy định không được cưỡng chế, trước và sau 15 ngày Tết Âm lịch. Việc dùng thông báo “bảo vệ thi công” khi chưa vận động người dân tháo dỡ, bàn giao mặt bằng là chưa phù hợp pháp luật”.
Phóng viên Báo PLVN đã liên hệ làm việc về sự việc với UBND xã Bình Châu, UBND huyện Xuyên Mộc và được các cơ quan này đề nghị để lại các câu hỏi. Về phía UBND tỉnh, mới đây đã có Văn bản 4283/UBND-VP giao Sở VH,TT&DL và huyện Xuyên Mộc nghiên cứu, xử lý sự việc.
Với trường hợp bà Mỹ, còn cho rằng bị tháo dỡ quá phần quy định. Theo chỉ giới đã kẻ vẽ, phòng làm việc của bà Mỹ không bị ảnh hưởng, nhưng thực tế đã bị tháo dỡ cả một bức tường căn phòng này. “Khi đó tôi cách nhà cả trăm km, nên gọi điện về thông báo trong phòng có tiền, nhưng cả một bức tường đã bị cắt, tháo dỡ hết. Khi tôi về kiểm tra thì phát hiện tiền không còn”, bà Mỹ sau đó có đơn gửi cơ quan chức năng.
Ngày 11/2/2025, Công an tỉnh có Văn bản 259/PC-VPCQCSĐT gửi UBND tỉnh, cho biết bà Mỹ phản ánh bị thiệt hại trong sự việc, nên chuyển đơn đến UBND tỉnh giải quyết.
Ngày 13/2/2025, Tỉnh ủy BR-VT có Văn bản 11338-CV/TU, cho biết với phản ánh của bà Mỹ, yêu cầu Ban Nội chính Tỉnh ủy xem xét, xử lý và trả lời công dân theo quy định; báo cáo tình hình, tiến độ giải quyết về Thường trực Tỉnh ủy.