Tại buổi tọa đàm, các nhà lập pháp, chuyên gia kinh tế đã phân tích và đề xuất giải phát để chính phủ có thể hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp trong việc nâng cao sức cạnh tranh của mình, từ đó cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, đưa ra khuyến nghị về những chuyển động cần có của chính doanh nghiệp để có thể định vị thương hiệu của mình trong lòng người tiêu dùng và mở rộng ra thị phần nước ngoài.
“Năng lực cạnh tranh nói chung của đất nước - bao gồm năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành, doanh nghiệp, sản phẩm có ý nghĩa sống còn với nền kinh tế thị trường”, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển phát biểu tại tọa đàm.
TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển |
Ông cho biết, Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh kinh tế toàn cầu dựa trên 12 yếu tố trụ cột như: Cơ sở hạ tầng, môi trường kinh tế vĩ mô, y tế và giáo dục, phát triển thị trường tài chính, quy mô thị trường, đổi mới sáng tạo... “Đây là năng lực cạnh tranh quốc gia nhưng trong từng yếu tố đều có bóng dáng doanh nghiệp, liên quan đến doanh nghiệp.
Từ góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cũng khẳng định, doanh nghiệp khỏe sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Những năm qua, số lượng doanh nghiệp của nước ta tăng trưởng ngoạn mục, có những doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế nhưng “tiếc rằng con số này chưa nhiều”, Phó Chủ tịch VCCI nhận xét.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) |
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên, doanh nghiệp Việt Nam khi vươn ra biển lớn phải đối mặt với 5 nhóm thách thức. Đầu tiên, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp thường không rõ ràng. Tiếp đến, trình độ công nghệ khoa học của doanh nghiệp trong nước đi sau doanh nghiệp nước ngoài 2 đến 3 thế hệ. Về năng lực, người Việt Nam vào môi trường công nghiệp thì thành công nhân chuyên nghiệp, nhưng nếu ở trong nước thì lại vẫn giữ thói quen sản xuất nhỏ. Chế độ đãi ngộ đối với lãnh đạo doanh nghiệp cũng “có vấn đề” ở chỗ chúng ta nhìn những người quản trị doanh nghiệp giống như một công chức trong khi ở các nước chỉ nhìn vào hiệu quả sử dụng đồng vốn. Và cuối cùng, sự liên kết của doanh nghiệp Việt Nam cả trong khâu sản xuất và cạnh tranh với các nước khác rất kém.
Cảm nhận rằng “áp lực đối với vĩ mô là rất lớn và gian khó”, TS. Lưu Bích Hồ gợi ý “trong lúc này về phần vi mô doanh nghiệp phải tự vươn lên”. Theo ông, doanh nghiệp muốn phát triển được phải có chiến lược phù hợp với điều kiện mới, hướng vào những ngành có lợi thế; hoàn thiện năng lực quản trị; đầu tư cho công nghệ…
Để thành công, các doanh nghiệp đều có sự chuẩn bị nội lực kỹ càng |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, để thành công, những doanh nghiệp như Vietjet, Vingroup, Hòa Phát, Vinamilk, Tân Hiệp Phát… đều có sự chuẩn bị nội lực kỹ càng, biết người biết ta.
Ví dụ thành công của Tập đoàn nước uống Tân Hiệp Phát, theo ông Kiên, là nhờ vào 3 yếu tố. Thứ nhất, họ chọn được thị trường đúng, đi vào thị trường từ trước đến nay đang bỏ ngỏ và có thị phần để mở rộng. Yếu tố thứ hai giúp họ trở thành doanh nghiệp đầu đàn trong lĩnh vực đồ uống là đi thẳng vào công nghệ hiện đại ngay. Công nghệ sản xuất của họ trình độ tương đương với các nước tiên tiến. Thứ ba, họ biết họ yếu ở đâu.
“Trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn theo đuổi mô hình quản trị gia đình, hoặc cho rằng trong nước cũng có nhiều người có thể đảm nhận việc quản trị doanh nghiệp, thì Tân Hiệp Phát chọn nhân sự cấp cao nước ngoài để quản trị doanh nghiệp của mình. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp họ chuyển mình thành công”, ông Kiên phân tích.