Theo thông tin từ Hiệp hội các ngành Cơ khí Việt Nam (VAMI) hiện nay các nhà thầu Trung Quốc đang làm tổng thầu EPC 5/6 dự án hóa chất, 2/2 dự án chế biến khoáng sản, 49/62 dự án về xi măng, nhiều dự án về giao thông, nhiệt điện có 16/27 dự án do Trung Quốc làm tổng thầu.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch VAMI khi đã trúng thầu, các nhà thầu Trung Quốc lại dở các thủ đoạn, sẵn sàng xé bỏ các hiệp ước trước đó.
Hệ quả là các dự án đều chậm tiến độ từ 3 tháng đến 3 năm, chất lượng thiết bị không đồng đều, một số thiết bị phụ trợ chất lượng thấp thường bị thay thế. Hơn nữa, các nhà thầu Trung Quốc còn thường xuyên thay đổi thiết bị so với cam kết ban đầu, thay đổi tiêu chuẩn vật liệu, thay đổi và bổ sung nhà cung cấp. Do đó giá hợp đồng đội lên rất cao.
Đơn cử như dự án Alumin ở Lâm Đồng gói thầu là 466 triệu USD giao cho VN là 170 tỉ đồng. Nhà máy Alumin Nhân Cơ giá trị hợp đồng là 499 triệu USD giao thầu phụ Việt Nam là 53 tỉ đồng (2,5 triệu USD).
Tương tự, đối với các dự án điện, các nhà thầu Trung Quốc cũng liên tiếp trúng thầu các dự án trọng điểm, trong đó có trên 200 dự án nhiệt điện, chiếm 90% tổng các dự án.
Ngoài ra, ở các ngành công nghiệp phụ trợ, chế biến gỗ, nông sản, xây dựng…các nhà thầu Trung Quốc hiện đang chiếm ưu thế lớn.
Trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết nguyên nhân các nhà thầu Trung Quốc liên tiếp thắng thầu trong thời gian qua là do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện tốt Luật đấu thầu. Theo quy định của Luật đấu thầu Việt Nam, nhà thầu nào chào giá thấp nhất sẽ trúng thầu.
Dự án đường sắt trên cao Hà Nội cũng do các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu |
Về việc các dự án do nhà thầu Trung Quốc đội vốn, chậm tiến độ, có dự án bỏ dở dang ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục năng lượng khẳng định cho đến thời điểm hiện tại chưa có công trình nào do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện chậm tiến độ.
“Các cơ quan nhà nước vẫn thường xuyên kiểm tra, thẩm định chất lượng các công trình do nhà thầu TQ thực hiện và hiện vẫn đảm bảo đạt chất lượng, đúng tiến độ”, ông Phong nói.
Các chuyên gia kinh tế hàng đầu đều nhận định rằng nếu so sánh về giá thì cả thế giới không cạnh tranh được với Trung Quốc.
Các nhà thầu Trung Quốc chào thầu với giá rất thấp so với giá thực tế, vì vậy các dự án trọng điểm đều lần lượt rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc. Nhà thầu Trung Quốc có thế mạnh thu xếp về mặt tài chính rất nhanh, mạnh tuy nhiên lại không chú trọng vào chất lượng.
“Luật Đấu thầu Việt Nam nên chú trọng hơn nữa vào các nhà thầu ưu tiên chất lượng công trình thay là vì quá chú trọng vào giá chào thầu bởi giá thấp nhiều khi không đi cùng chất lượng. Điều này cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam có sức cạnh tranh hơn”, ông Thụ, chủ tịch VAMI đề xuất.