Chiều nay 8/7, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2014 của Bộ Tài Chính ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết từ đầu năm đến nay giá xăng đã có 5 lần điều chỉnh tăng giá. Ông khẳng định, việc điều chỉnh được thực hiện theo đúng chu kì hiệu lực 30 ngày theo đúng tinh thần của Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu chứ không có chuyện chọn giờ hiểm để tăng giá.
Theo đó, Bộ đã tính toán thời điểm hài hòa nhất có lợi ích chung cho các bên. Sở dĩ tăng vào 8 giờ tối là do thuận tiện trong việc lưu thông, hoạt động của các đơn vị kinh doanh xăng dầu.
Theo ông, giá xăng tăng là do giá xăng dầu thế giới đang có chiều hướng tăng nên giá xăng trong nước cũng phải điều chỉnh ở mức tương ứng. Từ ngày 5/6 đến 6/7, giá xăng thế giới tăng từ 116 USD/thùng lên 126 USD/thùng. Giá xăng tính bình quân theo chu kỳ 30 ngày là 122 USD/thùng.
“Việc điều chỉnh giá xăng dầu đã được tính toán rất kĩ với mức tăng rất kiềm chế, nếu không sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá giá xăng còn tăng cao hơn nữa”, ông Tuấn nhận định.
Ông Tuấn lấy ví dụ, ngày hôm qua giá xăng đáng lẽ ra phải tăng 918 đồng/lít nhưng do xả quỹ bình ổn gần 500 đồng/lít nên chỉ phải tăng 410 đồng/lít.
Thông báo của Bộ Tài chính, kể từ đầu năm đến nay đã có 10 lần điều chỉnh với 5 lần tăng và 5 lần giảm giá. Tuy nhiên, điều đáng nói mặt hàng xăng chưa lần nào giảm. Cụ thể, tổng mức tăng trong 5 lần tăng giá là 1.440 đồng/lít xăng.
Việc các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu liên tục than lỗ nhưng cuối cùng lại thu lợi nhuận lớn, đại diện Bộ Tài chính cho rằng các doanh nghiệp chỉ báo cáo giá chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá cơ sở chứ lỗ hay lãi phải xem báo cáo tài chính mới biết.
Cục quản lí giá cho biết, hiện tại giá xăng được điều hành theo hướng liên Bộ quyết định bao gồm Bộ Công thương và Bộ Tài chính áp giá trần. Các DN được tự quyết mức tăng cụ thể cho từng mặt hàng xăng dầu trong mức trần cho phép, tức là dưới 3%. Trong trường hợp tăng từ 3 đến 7% các đơn vị kinh doanh xăng dầu đầu mối phải xin phép liên ngành Bộ Công thương và Bộ Tài Chính, trên 7% phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.