Cụ thể hóa giao dịch liên kết
Vấn đề chuyển giá, tránh thuế của các DN đa quốc gia, DN có vốn đầu tư nước ngoài thông qua chính sách giá giao dịch nội bộ đã và đang là thách thức lớn đối với mỗi quốc gia bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển. Hành vi chuyển giá, tránh thuế thường được thực hiện khép kín giữa các bên liên kết có cùng chung nhóm lợi ích (thường là các thành viên cùng tập đoàn) trên cơ sở định giá các giao dịch nội bộ không tuân theo giá giao dịch giữa các bên độc lập (không có mối quan hệ liên kết) để chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao về nơi có thuế suất thấp hoặc không thu thuế nhằm tránh thuế.
Thông thường, việc ghi chép, phản ánh nghiệp vụ kinh tế phát sinh và hạch toán giá GDLK được thực hiện thống nhất giữa các bên liên kết trên cơ sở các thoả thuận, hợp đồng nội bộ. Do đó, để ngăn ngừa hiệu quả các hành vi chuyển giá, các quốc gia trên thế giới đều đưa vào nội luật quy định yêu cầu người nộp thuế phải xác định giá GDLK như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập cho mục đích kê khai, tính và nộp thuế (tức là phân tích, so sánh GDLK với giao dịch độc lập trong điều kiện tương đồng).
Tại Việt Nam, song hành với chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài thì công tác chống chuyển giá đã được chú trọng trong nhiều năm qua. Hệ thống thể chế, chính sách điều chỉnh các hành vi chuyển giá đã không ngừng được hoàn thiện thông qua hệ thống các văn bản Nghị định, Thông tư QLT đối với GDLK, hệ thống Hiệp định thuế, các quy định về ấn định thuế tại Luật QLT trong trường hợp người nộp thuế mua bán, hạch toán giá trị hàng hoá, dịch vụ không theo giá thị trường, quy định tại Luật QLT cho phép người nộp thuế áp dụng cơ chế xác định trước giá tính thuế đối với GDLK để kê khai, nộp thuế.
Trên cơ sở đó, dự thảo Luật QLT đã luật hóa một số nguyên tắc cơ bản về GDLK đã được quy định tại Nghị định số 20, cụ thể như sau: Nguyên tắc QLT đối với người nộp thuế có phát sinh GDLK; Áp dụng cơ chế đơn giản hoá trong kê khai, xác định giá GDLK đối với người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro thấp; Nghĩa vụ cung cấp hồ sơ, thông tin dữ liệu đối với người nộp thuế có phát sinh GDLK; Quy định về trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế nước ngoài phục vụ công tác quản lý giá chuyển nhượng đối với người nộp thuế có phát sinh GDLK.
Bổ sung quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành
Kinh doanh TMĐT là một loại hình kinh doanh mới đang phát triển mạnh ở các nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Hoạt động kinh doanh TMĐT có ưu điểm nổi bật hơn so với kinh doanh truyền thống là tính linh hoạt cao độ về mặt cung ứng và giảm thiểu phí tổn cho các đối tác kinh doanh. TMĐT góp phần thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các DN để thu được nhiều lợi ích nhất. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, khi các DN trong nước phải cạnh tranh một cách bình đẳng với các DN nước ngoài.
Ở Việt Nam thời gian gần đây đã phát triển mạnh loại hình kinh doanh này, việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quảng cáo... thông qua các phương tiện như phát sóng truyền hình, các website TMĐT, sàn giao dịch TMĐT, các mạng xã hội của nước ngoài. Mô hình kinh doanh này ngày một phát triển do sự thuận lợi từ những đặc điểm của loại hình kinh doanh qua mạng.
Luật QLT hiện hành đã tạo nền tảng và mở đường cho việc phát triển các quy định và kỹ năng mới của QLT hiện đại, cho phép cơ quan thuế chủ động trong quản lý người nộp thuế kinh doanh trong môi trường truyền thống và TMĐT thông qua các quan điểm trọng yếu như cơ chế tự khai - tự nộp, nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên thứ 3 (bao gồm cả thông tin dạng dữ liệu điện tử), hiện đại hóa công tác QLT (khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử).
Để thực sự thúc đẩy giao dịch điện tử trong QLT nói chung và TMĐT nói riêng ở khía cạnh vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống được các hệ quả tiêu cực của TMĐT, mở rộng cơ sở thu thuế thì cần phải có các quy định cụ thể cũng như chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp QLT đối với hình thức kinh doanh mới này.
Dự thảo Luật QLT đã bổ sung những quy định liên quan đến QLT đối với hoạt động thương mại theo hướng: Xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online; bổ sung quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT của các tổ chức, cá nhân với cơ quan thuế như: Đối với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng thương mại; Bộ Công Thương, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công an…