Sửa đổi Luật Cạnh tranh: Cơ quan Nhà nước làm sai cũng bị xử lý

(PLO) - Sau 12 năm tồn tại, Luật Cạnh tranh 2004 vừa được Bộ trưởng Bộ Công Thương thay mặt Chính phủ đọc tờ trình dự thảo sửa đổi trước Quốc hội. Dự thảo Luật thể hiện tư duy quản lý mới, với nhiều sửa đổi căn bản, giúp cho người dân được hưởng lợi và lành mạnh hoá thị trường...
Thị trường than cần sự cạnh tranh bình đẳng hơn

Luật rất cần nhưng ít dùng đến 

Trước thông tin này, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB LAW cho rằng điểm mạnh nổi bật của dự thảo luật là hướng tới lành mạnh hóa thị trường. Cho dù Luật Cạnh tranh năm 2004 đã thiết lập nền tảng pháp lý đầu tiên cho môi trường cạnh tranh ở Việt Nam nhưng sau hơn 10 năm áp dụng đang bộc lộ rõ những điểm bất cập không phù hợp với thực tiễn. Nhiều hành vi phản cạnh tranh mới, đa dạng chưa được điều chỉnh và dự liệu. Luật Cạnh tranh chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa phát huy được sứ mệnh bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Địa vị và mô hình cơ quan cạnh tranh chưa hợp lý.

Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, số lượng vụ việc vi phạm cạnh tranh lành mạnh được giải quyết còn khá ít. Người dân hầu như không khiếu nại, ngoài những việc ảnh hưởng quyền người tiêu dùng, còn doanh nghiệp thì thường tự thỏa thuận, “đi đêm” với nhau. Trong khi đó, môi trường cạnh tranh tại Việt Nam tiềm ẩn nhiều dạng hành có tác động tiêu cực tới thị trường. Rất nhiều doanh nghiệp vi phạm Luật Cạnh tranh nhưng lại không áp dụng xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh mà lại áp dụng hình thức xử lý hành chính.

“Khắc tinh” của làm ăn gian dối, thiếu lành mạnh 

Việc sửa đổi Luật Cạnh tranh năm 2004 được xác định là sửa đổi một cách cơ bản và toàn diện. Dự thảo Luật gồm có 121 điều, được bố cục thành 09 chương. So với Luật Cạnh tranh năm 2004, dự thảo Luật giữ nguyên 06 điều, sửa đổi 66 điều, bổ sung 49 điều và bãi bỏ 49 điều.

Trong những thay đổi đột phá, có một nội dung “cởi trói” cho doanh nghiệp ở chỗ, sẽ nhìn nhận vị thế một doanh nghiệp trên thị trường thông qua nhiều yếu tố, chứ không chỉ bằng bao nhiêu % miếng bánh thị trường doanh nghiệp ấy đang nắm giữ nữa. 

Luật cạnh tranh 2004 thì việc xác định một doanh nghiệp có vi phạm quy định hạn chế cạnh tranh, có lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền hay không phụ thuộc nhiều vào thị phần – bao nhiêu % miếng bánh thị trường – mà doanh nghiệp đó đang nắm giữ. Pháp luật sẽ cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia vào một hoạt động tập trung kinh tế chiếm trên 50% thị trường.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, vấn đề này đã được giải quyết trong Luật mới. Dự thảo Luật mới đã xây dựng mới hẳn một hệ thống tiêu chí xác định “sức mạnh thị trường đáng kể” một cách đầy đủ, phù hợp hơn. Việc cấu thành nên hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường một cách rõ hơn thông qua việc xem xét hậu quả, tác động gây ra của hành vi phản ánh bản chất phản cạnh tranh. Từ đó, những lỗi vi phạm hạn chế cạnh tranh và thực hiện tập trung kinh tế sẽ được đánh giá đúng đắn hơn.

Đối với một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được quy định tại Luật khác, dự thảo Luật đã quy định theo hướng dẫn chiếu đến quy định của pháp luật khác, đồng thời bổ sung nguyên tắc xử lý để tránh chồng chéo, xung đột trong thực thi. 

Đặc biệt, với kinh doanh đa cấp, một vấn đề gây nhức nhối dư luận thời gian qua, dự thảo luật bãi bỏ quy định về hành vi “bán hàng đa cấp bất chính” và hành vi “phân biệt đối xử của hiệp hội”, do các hành vi này không phản ánh đúng bản chất của hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Dự thảo Luật đã bổ sung thêm hành vi “lôi kéo khách hàng bất chính” có xu hướng xảy ra ngày càng phổ biến và có bản chất phù hợp với khái niệm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh quy định tại dự thảo Luật...

Hiệp hội sân sau, cơ quan Nhà nước làm sai cũng bị xử lý

Trong thực tiễn xem xét, xử lý một số vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, cơ quan cạnh tranh còn nhận thấy, các hiệp hội đều là tổ chức đứng sau, giữ vai trò tổ chức, lôi kéo doanh nghiệp tham gia và giám sát việc thực thi thỏa thuận giữa các doanh nghiệp. Thậm chí trong nhiều vụ việc, hiệp hội còn ban hành các “quyết định”, các “nghị quyết” về giá cả, sản lượng... trên thị trường để các doanh nghiệp thành viên thực hiện. Tất nhiên, do quy định về chuyện này chưa cụ thể, rõ ràng nên không thể xử lý.

Lần này, những bất cập trên đã được giải quyết thông qua việc dự thảo Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với “hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam”  và mở rộng đối tượng áp dụng.

Theo đó, ngoài tổ chức, cá nhân kinh doanh và hiệp hội ngành nghề, dự thảo Luật còn áp dụng đối với “Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan”, trong đó bao gồm cả các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính. Những câu chuyện lạ lùng như một cơ quan công quyền chỉ đạo cán bộ công chức trên địa bàn tỉnh phải mua bia, bảo hiểm của một công ty XYZ nào đó sẽ bị coi là vi phạm Luật Cạnh tranh và bị xử lý.

Với những đổi mới nêu trên cùng nhiều tiến bộ khác, dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi góp phần bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, tăng cường hiệu quả, hiệu lực và tính minh bạch trong thực thi pháp luật về cạnh tranh, phù hợp với các cam kết quốc tế, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Sửa đổi Luật Cạnh tranh cũng là một bước quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ và giải pháp về “hoàn thiện thể chế về cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch về độc quyền nhà nước” nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần của Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Đảng”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định. 

Đọc thêm