Truyền thông Chính sách

Sửa đổi Luật Thi hành án dân sự: Quy định phù hợp hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên

(PLVN) - Sửa đổi Luật THADS, Bộ Tư pháp cho biết, sẽ quy định phù hợp hơn về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên. Đồng thời, xác định rõ vai trò của người có thẩm quyền tổ chức thi hành án
Chấp hành viên nghiên cứu hồ sơ Thi hành án, ảnh MH, moj.gov.vn
Chấp hành viên nghiên cứu hồ sơ Thi hành án, ảnh MH, moj.gov.vn

Theo Bộ Tư pháp, hiện nay một số nội dung về nguyên tắc phải là nghĩa vụ trách nhiệm của đương sự phải thực hiện nhưng chuyển thành trách nhiệm của Chấp hành viên phải thực hiện thay như: Xác minh điều kiện thi hành án; yêu cầu Tòa án xác định, phân chia tài sản chung trong trường hợp đương sự không thực hiện quyền theo hướng dẫn; cho các đương sự thỏa thuận một số trường hợp nhất định; xác minh địa chỉ của đương sự khi đương sự thay đổi nơi cư trú nhưng không thông báo cho Chấp hành viên…

Bên cạnh đó, quy định Chấp hành viên phải tự mình áp dụng biện pháp bảo đảm nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án để đảm bảo quyền lợi cho các đương sự (trong các việc thi hành án theo đơn yêu cầu) là chưa phù hợp. Chấp hành viên có quá nhiều quyền và độc lập trong việc tổ chức thi hành án trong khi cơ chế bảo vệ và kiểm soát đối với các tác nghiệp của Chấp hành viên chưa chặt chẽ.

Pháp luật THADS hiện hành không có cơ chế kiểm soát, xem xét trước khi thực hiện, đặc biệt là các trình tự, thủ tục dễ sai phạm hoặc bị lạm dụng để tham nhũng, tiêu cực như: xác định, lựa chọn tài sản để xử lý, bán đấu giá tài sản; lựa chọn tổ chức thẩm định giá; lựa chọn tổ chức bán đấu giá; cưỡng chế có huy động lực lượng… Điều này dẫn đến việc những thiếu sót, vi phạm của Chấp hành viên (nếu có) chỉ được xem xét, xác định khi có khiếu nại, tố cáo của đương sự; kiểm tra, kiểm sát, giám sát của cơ quan có thẩm quyền nên hậu quả thường rất khó khắc phục.

Hiện nay, vai trò của Thủ trưởng cơ quan THADS trong quá trình tổ chức thi hành án còn mờ nhạt, chưa thể hiện đúng vai trò của mình, đặc biệt là việc kiểm soát đối với các tác nghiệp của Chấp hành viên.

Bộ Tư pháp cũng cho rằng nếu giữ nguyên quy định hiện hành thì khối lượng công việc dồn cho chấp hành viên quá lớn ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu suất giải quyết công việc, án tồn đọng do đó sẽ nhiều lên. Với số lượng án tín dụng ngân hàng phải giải quyết chiếm tỷ lệ cao về tiền ngày càng gia tăng như hiện nay, việc để tồn án chưa thi hành xong sẽ không giải phóng các nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội.

Do đó, sửa đổi Luật THADS sẽ quy định phù hợp hơn về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên theo hướng Chấp hành viên tập trung thực hiện các trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án; xác định đúng vai trò là đầu mối, chủ trì thực hiện trình tự, thủ tục THADS; hỗ trợ đương sự và kết nối các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nhằm tổ chức thi hành có hiệu quả bản án, quyết định; không quy định những nhiệm vụ mà về nguyên tắc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan khác hoặc thuộc quyền, nghĩa vụ của đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Luật sửa đổi cũngxác định rõ vai trò của người có thẩm quyền tổ chức thi hành án, cụ thể, phân định trách nhiệm của Chấp hành viên và Thủ trưởng cơ quan THADS trong quá trình tổ chức thi hành án; Xác định rõ trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan THADS trong kiểm soát việc thực hiện các trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án của Chấp hành viên, tập trung vào các trình tự, thủ tục dễ sai phạm hoặc bị lạm dụng để tham nhũng, tiêu cực. Cụ thể như: quy định Thủ trưởng phải quyết định hoặc phê duyệt việc xác định, lựa chọn tài sản để xử lý, bán đấu giá tài sản; lựa chọn tổ chức thẩm định giá; lựa chọn tổ chức bán đấu giá; cưỡng chế có huy động lực lượng…

Việc bổ sung các điều luật theo Bộ Tư pháp nhằm giảm bớt quyền hạn, trách nhiệm, làm rõ vai trò của Chấp hành viên sẽ góp phần giảm thiểu số việc, tiền chưa thi hành xong hàng năm; hạn chế tối đa số việc, tiền chưa có điều kiện thi hành, trong đó gồm cả các việc đã chuyển sang theo dõi riêng nhưng chưa có cơ chế để xử lý dứt điểm và triệt để.

Đồng thời, rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án; giảm thiểu tối đa chi phí thi hành án, tránh việc chi phí thi hành án tập trung vào ngân sách nhà nước (các khoản xác minh điều kiện thi hành án, tống đạt, tương trợ tư pháp...); người phải thi hành án, nhất là trường hợp bị cưỡng chế, kê biên, đấu giá nhiều lần.

Giải pháp này cũng đã tạo cơ chế kết thúc việc thi hành án trong trường hợp đương sự không thực hiện nghĩa vụ theo yêu cầu, trừ trường hợp thi hành án chủ động thu hồi tài sản cho Nhà nước. Điều này sẽ hạn chế thời gian tổ chức thi hành án bị kéo dài. Thông qua chính sách, quyền lực của Chấp hành viên được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm tính hợp pháp để kiểm soát đối với các quyết định liên quan đến quyền cơ bản của con người.

Đọc thêm