Năm 2024 lễ hội xuân ở Hà Nội đã có nhiều đổi mới
Hà Nội được biết đến là địa phương có nhiều lễ hội nhất cả nước. Lễ hội xuân đang diễn ra ở khắp các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội, thu hút sự tham dự của đông đảo người dân và du khách thập phương. Bên cạnh các lễ hội lớn, có quy mô cấp vùng như hội chùa Hương, hội Gióng đền Sóc, hội Cổ Loa, đền Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tản Viên Sơn Thánh còn có các lễ hội truyền thống khác như đền Và, đền Giang Xá, vật cầu Thúy Lĩnh… Năm 2024, công tác tổ chức, quản lý lễ hội xuân ở Hà Nội đã có nhiều đổi mới nhằm đưa hoạt động lễ hội trở thành sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lành mạnh, văn minh và an toàn.
Đơn cử như, tại Lễ hội chùa Hương 2024, huyện Mỹ Đức chuyển đổi hình thức bán vé truyền thống sang bán vé điện tử nhằm tạo sự văn minh, sự minh bạch về giá, tránh vé giả, vé lậu. Hệ thống thuyền đò phục vụ cho lễ hội do Hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương cung cấp quản lý và thực hiện. Các xuồng đò vận chuyển khách được trang bị đầy đủ như lắp ghế, giỏ đựng rác, áo phao, vật nổi, ô che mưa, che nắng…
Nếu trước đây, Lễ hội chùa Hương luôn là tâm điểm được nhắc đến khi công tác tổ chức, lễ hội để xảy ra nhiều tồn tại về vệ sinh môi trường, chèo kéo khách, kinh doanh thực phẩm không đúng quy định, văn minh nơi thờ tự…, thì những năm gần đây, lễ hội này đã hạn chế tối đa những bất cập, phản cảm. Chính quyền huyện Mỹ Đức chỉ đạo các tiểu ban liên quan sẵn sàng ứng trực, kiểm tra, giám sát các hoạt động để lễ hội diễn ra an toàn, văn minh; kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm, không để người hành khất trong khu vực lễ hội, phòng ngừa các tệ nạn xã hội… Do đó, tại các đền, chùa, động trong Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn không còn hiện tượng ăn xin, ăn mày; môi trường dòng suối Yến cũng như khu vực các đền chùa sạch sẽ, không tồn đọng rác thải. Khách tham quan được hướng dẫn dâng lễ, đặt tiền lễ đúng nơi quy định, không đặt tiền lễ, tiền công đức, gài tiền vào tượng Phật cũng như các hiện vật khác làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích.
Cũng nhiều năm nay, Lễ hội Gióng đền Sóc ở huyện Sóc Sơn đổi mới công tác tổ chức việc tất lộc hoa tre và trầu cau sau khi các thôn làng dâng lễ Thánh xong. Nhờ đó, hiện tượng cướp lộc không còn; Ban Tổ chức phát lộc cho người dân theo trật tự. Việc đổi mới này đã hạn chế những hành động phản cảm tranh cướp lộc mà dư luận lên tiếng như trước đây. Tại phủ Tây Hồ, một điểm tâm linh nổi tiếng của Hà Nội thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Hà Nội và du khách từ các tỉnh, thành cũng không còn xảy ra các hiện tượng bất cập. Tiểu ban quản lý Di tích phủ Tây Hồ đã bố trí khu vực viết sớ riêng, khuyến khích và thử nghiệm các hoạt động dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Khu vực viết sớ năm nay cũng có đổi mới, người viết sớ, viết chữ mặc đồng phục áo dài đỏ, tạo diện mạo mới và gây thiện cảm đối với du khách trên đường hành hương lễ phủ. Đặc biệt, Tiểu ban quản lý Di tích không cho phép đốt hương ở khu nội tự, không đốt mã tại phủ, người đi lễ chỉ hóa tiền vàng truyền thống...
Có thể nói, công tác tổ chức, quản lý lễ hội năm nay đã có nhiều đổi mới nhằm đưa hoạt động lễ hội trở thành sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lành mạnh, văn minh và an toàn. Thuần phong mỹ tục, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc luôn được đề cao trong các hoạt động lễ hội. Phần lễ và phần hội được tổ chức trang trọng, giữ đúng bản sắc văn hóa, bảo đảm sự vui tươi, an toàn.
Quy hoạch Thủ đô cần quan tâm hàng đầu đến yếu tố văn hóa
Hà Nội cần tập trung nguồn lực để phát huy giá trị các di sản văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa. (Nguồn: nhiepanhdoisong.vn) |
Những tín hiệu vui ở lễ hội xuân ở Hà Nội năm nay không chỉ dừng lại ở câu chuyện quản lý lễ hội của ngành Văn hóa, mà còn cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; đưa văn hóa, con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đây cũng là những nội dung được chú trọng trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được tiếp tục xây dựng.
Một trong các mục tiêu về phát triển văn hóa được đề ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là kết hợp hài hòa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.
Theo Luật Thủ đô năm 2012 hiện hành, ngoài các quy định chung đã có riêng Điều 11 về bảo tồn và phát triển văn hóa. Tuy vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các quy định đa số mới chỉ dừng ở mức đưa ra các định hướng chính sách và thiếu vắng những quy định cụ thể khuyến khích sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa tương xứng với tính đặc thù và vai trò quan trọng của Thủ đô Hà Nội. Với vai trò là Thủ đô của cả nước, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là không thể tách rời, việc có những chính sách, cơ chế đặc thù, cụ thể để các ngành công nghiệp văn hóa ở Hà Nội phát triển là hết sức cấp thiết hiện nay.
Nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW, phát triển công nghiệp văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, xây dựng Hà Nội trở thành một trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước, dự thảo Luật Thủ đô đã bổ sung một số quy định nhằm ưu tiên, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Trong dự thảo, ngoài các quy định mang tính định hướng về phát triển văn hóa nói chung, các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng, đã có các quy định đặc thù để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Hà Nội như: hình thành khu thúc đẩy thương mại và văn hóa; Quy định về dự án đầu tư mới vào các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa được hưởng các ưu đãi; Cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô; Cụ thể hóa ưu đãi phát triển văn hóa bằng biện pháp kinh tế...
Dự thảo Luật cũng cho phép Thành phố Hà Nội áp dụng quản lý, vận hành và khai thác tài sản công theo phương thức nhượng quyền kinh doanh, quản lý đối với các công trình, hạ tầng văn hóa do Nhà nước đầu tư; cho phép Thành phố Hà Nội được áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để phát triển khu thúc đẩy thương mại và văn hóa ở một số địa điểm có tiềm năng, lợi thế về thương mại, dịch vụ, du lịch, văn hóa. Dự thảo Luật cũng có quy định đầu tư mới vào một số ngành công nghiệp văn hóa như: điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; du lịch văn hóa thuộc danh mục dự án ưu đãi đầu tư...
Trao đổi với truyền thông vào tháng 9/2023, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, việc tập trung nguồn lực xác định các di sản văn hóa có tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, thiết kế) là cần thiết và phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Nếu tập trung đầu tư cho những di sản có tiềm năng, đối tượng được đầu tư sẽ thu hẹp hơn nhiều về số lượng, điều đó giúp Hà Nội đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và thực sự có thể tập trung nguồn lực như dự thảo Luật đề ra. Các giá trị tiêu biểu của những di sản này sẽ là điều kiện, là “nguyên liệu” tốt để phát huy hiệu quả, nhất là phát triển công nghiệp văn hóa.
Theo TS. Phạm Đắc Thi - Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, nguồn nhân lực chính là thành tố cấu thành công nghiệp văn hóa, quyết định trực tiếp đến quá trình xây dựng thương hiệu, chất lượng và sức mạnh cho công nghiệp văn hóa Thủ đô. “Nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ ra, nguồn nhân lực là tài nguyên quan trọng. Phát huy tối đa sức mạnh của nguồn nhân lực sẽ góp phần xây dựng thành công ngành công nghiệp văn hóa. Vì thế, để phát triển công nghiệp văn hóa bền vững, cần bắt đầu từ các trẻ em được giáo dục, hướng nghiệp, kết nối với xã hội để sẵn sàng cho tương lai” - TS. Phạm Đắc Thi cho hay.
Tháng 11/2023, tại Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, PGS. TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh về tương quan giữa các thành tố phát triển, quy hoạch Thủ đô vẫn cần quan tâm hàng đầu đến yếu tố văn hóa.
Quy hoạch Hà Nội theo hướng là thành phố di sản, có văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mang bản sắc Thủ đô ngàn năm văn hiến; Hà Nội là thành phố sáng tạo, công nghiệp văn hóa phát triển, thành phố thông minh; là điểm đến của du lịch văn hóa, ẩm thực và trung tâm dịch vụ chất lượng cao; thành phố của các sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế thường niên; thành phố hiện đại nhưng thanh bình với con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam, theo PGS. TS Nguyễn Ngọc Hà.