Sửa đổi một số quy định về lý lịch tư pháp

(PLO) - Qua tổng kết thực tiễn 6 năm thi hành, có thể khẳng định Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) năm 2009 đã thực sự đi vào cuộc sống và mang lại nhiều kết quả. Về cơ bản, các quy định của Luật LLTP là đúng hướng và đa phần vẫn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác LLTP vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, nổi lên tình trạng lạm dụng yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 và khó khăn trong xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích.

Cá nhân có quyền tiếp cận thông tin LLTP

Sau hơn 6 năm thi hành, Luật LLTP năm 2009 đã tạo cơ sở pháp lý có hiệu lực cao để triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP, chủ động xóa án tích cho những người đã từng bị kết án có đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích, tái hòa nhập cộng đồng.

Thông qua việc triển khai thi hành Luật LLTP, nhận thức của xã hội về ý nghĩa, giá trị của LLTP ngày càng được nâng lên, qua đó LLTP trở thành công cụ pháp lý quan trọng góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân trong việc chứng minh nhân thân tư pháp của mình khi tham gia vào các quan hệ pháp lý, dân sự, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ. LLTP cũng phát huy vai trò là công cụ quan trọng hỗ trợ cho các cơ quan nhà nước trong quản lý dân cư, quản lý xã hội.

Tuy nhiên, thực tế giải quyết yêu cầu cấp Phiếu LLTP cho thấy, cá nhân yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 ngày càng gia tăng. Đơn cử, tại Sóc Trăng, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016 có đến 60% hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2.

Có điều, cá nhân yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 không xuất phát từ yêu cầu của cá nhân muốn biết về nội dung LLTP của mình theo quy định của Luật LLTP mà xuất phát từ yêu cầu của các cơ quan, tổ chức giải quyết các giao dịch dân sự, thương mại, chủ yếu là để bổ túc hồ sơ xin thị thực nhập cảnh, kết hôn… tại cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài; xin việc làm tại một số doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam; xin cấp giấy phép hoạt động, cung cấp dịch vụ… tại một số tổ chức của Việt Nam.

Thực trạng này đã ảnh hưởng tới quyền được pháp luật bảo đảm bí mật cá nhân và chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự của Nhà nước ta, ảnh hưởng đến việc tái hòa nhập cộng đồng của người bị kết án, đặc biệt là những người đã được xóa án tích. Theo phản ánh của công dân, khi Phiếu LLTP số 2 được cấp và sử dụng công khai có thể dẫn đến hệ lụy cho cá nhân khi tái hòa nhập cộng đồng, khó khăn, thậm chí mất cơ hội khi đi du học, xin việc làm, xuất cảnh…

Hôm qua (21/3), báo cáo tại cuộc họp Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LLTP năm 2009, Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia Hoàng Quốc Hùng cho biết sẽ quy định chặt chẽ hơn về việc tiếp cận, sử dụng Phiếu LLTP số 2 để bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp năm 2013. Theo đó, để tránh tình trạng lạm dụng Phiếu LLTP số 2 cấp theo yêu cầu của cá nhân trong thực tiễn hiện nay, Dự thảo Luật sửa đổi quy định Phiếu LLTP số 2 chỉ cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng, không cấp cho cá nhân. Tuy nhiên, cá nhân vẫn có quyền tiếp cận thông tin LLTP được quản lý trong cơ sở dữ liệu LLTP theo quy định của Luật LLTP.

Định kỳ rà soát các trường hợp đủ điều kiện xóa án tích đương nhiên

Đề cập tới khó khăn trong xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích của các Sở Tư pháp, ông Hùng chia sẻ khó khăn lớn nhất của các Sở Tư pháp là không có đủ thông tin về bản án hoặc người bị kết án đã chấp hành đầy đủ quyết định của Tòa án trong bản án chưa. Cụ thể như người đó đã chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, án phí, trách nhiệm dân sự, thông tin về việc phạm tội mới trong thời hạn để đương nhiên được xóa án tích không, đặc biệt là đối với thông tin có trước ngày 1/7/2010.

Nhiều trường hợp bản án đã được Tòa án tuyên khá lâu nên người bị kết án cũng như các cơ quan liên quan không còn lưu giữ được các giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc thi hành bản án hay trường hợp một người có nhiều án tích hoặc cư trú ở nhiều địa phương khác nhau. Đó là chưa nói đến công việc này được thực hiện rất khó khăn trong tình hình nhân lực thiếu, kinh phí hạn hẹp hiện nay.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, toàn bộ việc xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích khi cấp Phiếu LLTP sẽ do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP thực hiện. Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định một trong những điều kiện đương nhiên được xóa án tích là người bị kết án không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn Bộ luật này quy định (khoản 2, khoản 3 Điều 70). Trong khi ấy, Luật LLTP chưa có quy định cụ thể về cơ chế phối hợp để xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích của người đã bị kết án.

Vì vậy, ông Hùng cho biết, để bảo đảm thực hiện chế định đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Dự thảo Luật bổ sung Điều 32a theo hướng định kỳ 6 tháng, cơ quan quản lý LLTP và Sở Tư pháp thực hiện rà soát các trường hợp người đủ điều kiện về thời gian để đương nhiên được xóa án tích mà Bộ luật Hình sự quy định cũng như thực hiện xác minh thông tin về hành vi phạm tội mới. Việc xác minh được thực hiện tại UBND xã, phường, thị trấn nơi người bị kết án cư trú. Trường hợp cần thiết, thực hiện xác minh tại cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan.

Đọc thêm