Sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng, dầu: Những vấn đề trọng tâm được “gỡ” ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Dự thảo sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng, dầu (NĐ 95) được Chính phủ giao Bộ Công Thương sửa đổi theo quy trình rút gọn, nhưng đến nay sau gần 1 năm được giao nhiệm vụ, Nghị định sửa đổi chưa được ban hành.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương liên quan đến dự thảo sửa đổi NĐ 95, Bộ Công Thương đã đề xuất 2 phương án về sửa đổi công thức tính giá. Phương án 1 giữ nguyên công thức giá cơ sở như quy định hiện hành. Tuy nhiên, cần rà soát một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp (DN) nhưng chưa được tính tại công thức hiện hành, đồng thời thay đổi tần suất xác định các chi phí để bảo đảm tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở do Nhà nước công bố (quy định hiện hành rà soát chi phí 6 tháng/lần).

Phương án 2 sẽ sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở cùng các loại thuế, mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá để các DN đầu mối kinh doanh căn cứ các chi phí thực tế (gồm các chi phí kinh doanh, chi phí vận chuyển, premium...) tự xác định và công bố giá bán lẻ của DN. Theo Bộ Công Thương, với phương án này, khi các DN đầu mối được tự quyết định các chi phí trong kinh doanh xăng, dầu, vấn đề chiết khấu cho các thương nhân thuộc hệ thống phân phối sẽ được giải quyết. Như vậy, sự xung đột liên quan đến vấn đề chiết khấu giữa các thương nhân phân phối và đại lý bán lẻ xăng dầu có thể được giảm thiểu.

Bộ Công Thương cũng cho biết, với việc sửa đổi công thức giá đã 2 lần xin ý kiến Bộ, ngành và nhận được hồi âm của một số Bộ, ngành. Trong đó, ở lần xin ý kiến thứ nhất (vào tháng 01/2023) có 6 Bộ lựa chọn phương án 2, 3 Bộ lựa chọn phương án 1. Ở lần xin ý kiến thứ hai (vào tháng 7/2023), trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương đã gửi xin ý kiến 5 Bộ,ngành. Kết quả có 3/5 Bộ lựa chọn Phương án 1.

Như vậy, sau 2 lần xin ý kiến, đến nay đã có 6 Bộ lựa chọn Phương án 1; 4 Bộ lựa chọn Phương án 2. Do đó, Bộ Công Thương đã đề xuất lựa chọn phương án 1 với lý giải có nhiều ưu điểm hơn (kiểm soát được nguồn cung và giá bán trong nước). Còn phương án 2 có thể góp phần ổn định nguồn cung nhưng cũng gây ra khó khăn trong việc kiểm soát giá xăng, dầu.

Đáng chú ý, Dự thảo cũng đã cho phép DN bán lẻ xăng, dầu (BLXD) được lấy hàng từ nhiều nguồn (tối đa 3 nguồn). Theo Bộ Công Thương, việc này sẽ tạo ra cạnh tranh về chiết khấu trên thị trường xăng, dầu. Và đây là quy định được cộng đồng DN BLXD rất đồng tình vì đã nới lỏng nguồn cung cho DN BLXD.

Cùng với đó, Dự thảo cũng đưa ra vấn đề giảm chu kỳ điều hành giá xăng, dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày và cố định vào Thứ Năm hàng tuần. Tuy nhiên, quy định này đã vấp phải sự phản đối của cộng đồng DN BLXD.

Về phía DN, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc cho rằng, việc càng thu hẹp khoảng thời gian điều chỉnh giá sẽ khiến cho nguồn cung trên thị trường xăng, dầu hỗn loạn do đại lý lấy hàng nhỏ giọt nhằm canh lượng hàng bán để giảm lỗ hàng tồn kho khi giá có xu hướng giảm. Việc này sẽ làm giảm quy mô kinh doanh và đặc biệt là cực kỳ khó khăn cho các thương nhân phân phối khi giao hàng với số lượng nhỏ mà phải rải rác ở nhiều cửa hàng, chưa kể các thành phố chỉ được giao hàng vào ban đêm thì càng khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát nhận định, Dự thảo sửa đổi NĐ 95 đã tháo được “nút thắt” bảo đảm tính cạnh tranh khi cho DN BLXD lấy được từ nhiều nguồn, nhưng vẫn chưa có giải pháp cho vấn đề “bóp chiết khấu” - vẫn thường xuyên được các DN đầu mối kinh doanh xăng, dầu sử dụng, khiến DN BLXD không thể kinh doanh có lãi.

Trước đây, nguồn lãi của DN BLXD đến từ 2 yếu tố, gồm chiết khấu từ DN đầu mối và chênh lệch giá bán. Tuy nhiên, kể từ khi thị trường rơi vào bất ổn, DN đầu mối “bóp chiết khấu” để giữ lãi cho mình, đẩy phần khó cho DN BLXD. Do đó, các DN BLXD cho rằng, cùng với việc sửa đổi nghị định kinh doanh XD cần sửa đổi thông tư 104 về chi phí định mức kinh doanh để đội ngũ bán lẻ được kinh doanh trong thị trường ổn định và có lãi.

Đọc thêm