Sửa đổi quy chuẩn liên quan đến đèn vàng trong giao thông: Có giao “nhiệm vụ bất khả thi” cho người dân

(PLO) - Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt qui định, người điều khiển phương tiện giao thông vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền tương đương với vượt đèn đỏ. Tuy nhiên, ngay từ khi bắt đầu có hiệu lực, quy định này cũng đã gây nhiều hoang mang, thắc mắc cho cả người dân và lực lượng chức năng. 
Nhìn người tham gia giao thông vẫn vượt đèn vàng.
Nhìn người tham gia giao thông vẫn vượt đèn vàng.

Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (Quy chuẩn QCVN 41:2016/BGTVT). Một lần nữa nội dung quy định về việc vượt đèn vàng lại gây tranh cãi.

Chỉ đi quá vạch dừng mới bị phạt

Cụ thể, khi Nghị định 46 có hiệu lực, nhiều người dân cho rằng, hầu hết các trường hợp tham gia giao thông trên đường khi qua ngã tư có tín hiệu đèn giao thông (đặc biệt là các ngã tư không bố trí hệ thống đèn tín hiệu giao thông đếm ngược) mà vượt đèn vàng là do lỡ trớn chứ không phải cố ý vượt để được hiểu đó là hành vi phạm luật và bị phạt.

Mặt khác, quy định hiện nay trong nội thị đối với xe máy, ô tô con… được lưu thông với tốc độ tối đa là 60km/h. Với tốc độ này, nếu không bố trí đèn tín hiệu giao thông đếm ngược dễ dẫn tới tình trạng vượt đèn vàng, như một kiểu “mắc bẫy”. Vì thế quy định người điều khiển phương tiện giao thông vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền là không công bằng. 

Tại thời điểm tháng 8/2016, ở góc độ Bộ Giao thông vận tải, trả lời báo giới, ông Hoàng Thế Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông đã lý giải về quy định “tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp” trong đó cụm từ “đã đi quá vạch dừng” được hiểu là khi phương tiện đã đè lên vạch dừng thì đèn tín hiệu mới chuyển từ màu xanh sang màu vàng sẽ không bị coi là vi phạm và không bị xử phạt.  

Còn ở góc độ Cục Cảnh sát giao thông, cũng thời điểm Nghị định 46 có hiệu lực, trả lời báo giới, Trung tá Tạ Thị Hồng Minh - Phó Trưởng phòng Tuyên truyền, Phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho biết, Nghị định 46/2016 quy định xử lý lỗi vượt đèn vàng bằng vượt đèn đỏ để không còn những trường hợp người dân thấy đèn vàng là cố tăng tốc để vượt, góp phần hạn chế nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn, ùn tắc giao thông.

Tuy vậy, không phải mọi trường hợp vượt đèn vàng đều có lỗi và bị xử phạt. Theo tinh thần Điểm 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ, nếu người tham gia giao thông đi chưa đến vạch dừng mà đèn đã chuyển sang màu vàng nhưng không dừng lại và cố tình đi tiếp thì mới bị phạt. Còn nếu đã đi quá vạch dừng, lúc đó đèn mới chuyển sang màu vàng vẫn có quyền đi tiếp mà không bị phạt.

Tiến sát đến vạch dừng hay quá vạch thì được vượt?

Hiện tại, Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (Quy chuẩn QCVN 41:2016/BGTVT). Điểm đáng chú ý của dự thảo lần này là việc sửa Mục 10.3.2 Điều 10 theo hướng: “Khi có tín hiệu đèn vàng bật sáng phải dừng lại trước vạch dừng; trừ các trường hợp sau thì được phép đi tiếp: Đã đi quá vạch dừng, hoặc đã tiến sát đến vạch dừng tại các cụm đèn không có đồng hồ đếm ngược, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm...”. 

Việc điều chỉnh lại cho rõ nội dung trên trong dự thảo Thông tư được ban soạn thảo Bộ GTVT tải lý giải: “Để phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ trong trường hợp đã đi quá vạch dừng ở tất cả cụm đèn và áp dụng thêm theo Công ước viên (tiến sát tới vạch dừng) ở các cụm đèn không có đồng hồ đếm ngược…”. 

Tuy nhiên, nhiều quan điểm cũng cho rằng nội dung sửa đổi là “cho phép đi tiếp vượt đèn vàng nếu đã tiến sát đến vạch dừng mà nếu dừng lại sẽ nguy hiểm...” là khá mơ hồ ở góc độ từ ngữ pháp luật.

Hơn nữa, quy định như vậy khác nào “giao” cho người giao thông nhiệm vụ  là “phải biết” ước đoán căn cứ vào điều kiện cụ thể là nếu dừng xe lại có thể bị các phương tiện phía sau đâm vào gây mất an toàn giao thông thì mới được đi tiếp. Một “nhiệm vụ” bất khả thi trong nhiều tình huống tham gia giao thông và sẽ gây tranh cãi nếu bị lực lượng chức năng xử phạt. 

Hiện tại, tại Mục 10.3.2, Điều 10 Quy chuẩn 41 quy định về ý nghĩa của đèn vàng: “Tín hiệu vàng báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau”.

 Đây là quy định hiện hành và đã và đang gặp phản ứng của cảnh sát giao thông vì cho rằng quy chuẩn này không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 khi Luật quy định: Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì mới được đi tiếp. 

Thế nên, những quan điểm lo ngại về một điều luật định khá mơ hồ ở góc độ từ ngữ pháp luật và giao “nhiệm vụ bất khả thi” cho người tham gia giao thông là hoàn toàn có cơ sở. 

Đọc thêm