Sửa đổi quy định về đại lý làm thủ tục hải quan: Liệu có làm gia tăng thủ tục hành chính?

(PLO) - Cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang băn khoăn một số quy định được Bộ Tài chính đưa ra trong Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 12/2015/TT-BTC  có thể sẽ làm gia tăng về thủ tục hành chính cho DN.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đủ dữ liệu, Tổng cục Hải quan có thể “quyết” luôn

Tại khoản 5 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 7 Thông tư 12, Dự thảo đã sửa đổi quy định về tạm dừng hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan theo hướng: Tổng cục Hải quan sẽ chủ động quyết định tạm dừng hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan hoạt động không đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Hải quan hoặc không hoạt động đúng tên và địa chỉ đã đăng ký với cơ quan hải quan thay vì chờ Cục Hải quan báo cáo. Lý do để điều chỉnh là vì Tổng cục Hải quan có thể có đầy đủ thông tin để kịp thời phát hiện các trường hợp không duy trì được đủ điều kiện hoạt động và thực tế, việc chờ báo cáo từ các cục hải quan khiến cho Tổng cục Hải quan bị bị động.

Theo quan điểm của cộng đồng DN, điều chỉnh quy định trên là hợp lý, tuy nhiên cũng liên quan đến việc tạm dừng hoạt động, thủ tục đại lý làm thủ tục hải quan có được xác nhận để được tiếp tục hoạt động lại vẫn giữ quy định: Cục Hải quan kiểm tra xác minh đáp ứng điều kiện thì báo cáo Tổng cục Hải quan có văn bản xác nhận, tức là Tổng cục Hải quan vẫn phải chờ báo cáo của Cục Hải quan.

Trong văn bản gửi Tổng cục Hải quan góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 12/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính quy định chi tiết thủ tục cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan; cấp và thu hồi mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan; trình tự, thủ tục công nhận và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cơ quan đại diện cộng đồng DN – cho rằng, theo giải trình ở trên thì Tổng cục Hải quan đủ cơ sở dữ liệu thông tin để nhận biết đại lý làm thủ tục hải quan có đáp ứng điều kiện hay không, vi phạm về điều kiện hay không, như vậy thì cơ quan này cũng sẽ có đủ thông tin để biết đại lý có khắc phục được việc vi phạm phạm điều kiện hay không.

Mặt khác, quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 (được sửa đổi) cũng chưa rõ ràng về thủ tục được tiếp tục hoạt động, ít nhất ở các điểm: trong khoảng thời gian bao lâu kể từ thời điểm nhận được công văn nhận đề nghị tiếp tục hoạt động của đại lý, Cục Hải quan sẽ kiểm tra, xác minh đáp ứng đủ điều kiện; sau khi xác minh thì thời hạn bao lâu sẽ gửi báo cáo cho Tổng cục Hải quan; trong khoảng bao lâu kể từ ngày nhận được báo cáo của Cục Hải quan, Tổng cục Hải quan sẽ có văn bản xác nhận để đại lý làm thủ tục hải quan được tiếp tục hoạt động? 

“Việc thiếu rõ ràng trong trình tự, thủ tục này sẽ khiến cho DN không nhận biết được thời điểm mình được quay trở lại hoạt động sau thời gian bị tạm dừng” – VCCI đặt vấn đề, và cho rằng, trong trường hợp giải trình hợp lý về việc vẫn giữ quy trình như Dự thảo (tức là phải chờ báo cáo từ Cục Hải quan), cần quy định rõ về trình tự, thủ tục này.

Có thể gia tăng về thủ tục hành chính cho DN 

Tại khoản 6 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 9 Thông tư 12, Dự thảo có một số điều chỉnh đối với quy định cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan về hồ sơ và thời hạn của mã số nhân viên. Theo đó, trong hồ sơ phải cung cấp thêm “Hợp đồng lao động”, giá trị của mã nhân viên được điều chỉnh lại là “không quá 03 năm kể từ ngày cấp” thay vì có thời hạn là 03 năm như quy định hiện hành.

Như vậy, thời hạn có giá trị của mã nhân viên sẽ ít hơn hiện hành. Lý do để điều chỉnh được cơ quan soạn thảo giải trình là khi Chứng minh thư nhân dân của người được cấp còn thời hạn sử dụng không đủ 03 năm kể từ ngày cơ quan hải quan nhận hồ sơ, Hợp đồng lao động giữa DN và nhân viên đề nghị cấp mã số không đủ thời hạn 03 năm kể từ ngày cơ quan hải quan nhận hồ sơ khi đi kiểm tra thực tế.

Nhưng theo VCCI, những lý do trên chưa đủ sức thuyết phục để điều chỉnh quy định trên, bởi vì mã số nhân viên gắn liền với mỗi nhân viên đại lý hải quan ở mỗi DN làm đại lý hải quan. Khi nhân viên này không còn làm việc tại DN nữa thì mã số này sẽ bị thu hồi và cơ quan quản lý nhà nước có thể kiểm soát được việc này (thông qua cơ sở dữ liệu thông tin nếu DN khác đăng ký cho nhân viên này hoặc DN là đại lý làm thủ tục hải quan sẽ chủ động đề nghị thu hồi mã số nhân viên nếu nhân viên này không còn làm việc). Vì vậy, không cần thiết phải xem xét thời hạn hợp đồng lao động giữa nhân viên và DN.

Hơn nữa, thực tế, DN có thể ký hợp đồng lao động với nhiều loại thời hạn khác nhau, tùy thuộc vào chính sách cũng như nhu cầu của mình. Họ có thể gia hạn hợp đồng lao động. Nếu giá trị thời hạn của mã số nhân viên tương ứng với thời hạn của hợp đồng lao động (nhưng không quá 03 năm) thì sẽ khiến DN phải thực hiện nhiều thủ tục để gia hạn mã số nhân viên, tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính.

“Yêu cầu thêm giấy tờ trong hồ sơ cũng như rút ngắn thời hạn về giá trị của mã số nhân viên sẽ gia tăng về thủ tục hành chính cho DN, đây là vấn đề chưa được phản ánh và đánh giá tác động trong Tờ trình, do đó đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc giữ nguyên quy định về thủ tục cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan như quy định hiện hành” – VCCI đề nghị.

Đọc thêm