Sửa đổi quy định về điều kiện nhập khẩu ô tô: “Cởi trói” hay "thả lỏng"?

(PLO) - Bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu trách, xây dựng dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu (NK) và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, trong đó đề xuất sửa đổi một số quy định về NK ô tô gây tranh cãi trong nhiều năm qua.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Siết điều kiện nhập khẩu nhằm ràng buộc trách nhiệm

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, chưa có các quy định chặt chẽ để ràng buộc trách nhiệm của các nhà NK ô tô nhằm bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng trong nước cũng như trách nhiệm bảo vệ môi trường. Ví dụ như một số xe ô tô NK phát sinh lỗi kỹ thuật trong quá trình sản xuất của hãng, có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và an toàn của người sử dụng và cộng đồng, tuy nhiên không có doanh nghiệp (DN) NK nào chịu trách nhiệm triệu hồi, sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng. Trong khi đó ở các nước trên thế giới, xe ô tô NK khi phát sinh các lỗi kỹ thuật tương tự được triệu hồi và sửa chữa miễn phí. 

Việc thiếu các ràng buộc đối với các nhà NK ô tô đã dẫn tới một số bất cập. Ví dụ, nhà NK không có trách nhiệm đối với người tiêu dùng khi phát sinh yêu cầu xử lý lỗi kỹ thuật xảy ra trong quá trình sản xuất. Hoặc hệ thống bảo hành, bảo dưỡng của nhà NK không tương thích với xe NK dẫn đến khả năng gây mất an toàn, bởi xe ô tô không chỉ là sản phẩm cơ khí đơn thuần, mà còn là sản phẩm tích hợp nhiều công nghệ cao (trong đó bao gồm cả các công nghệ đặc thù riêng của các hãng sản xuất như công nghệ điều khiển hệ thống phanh, động cơ hay các phần mềm chuyên dụng của từng hãng xe) nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành, sử dụng.

Đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu chuyển đổi sang sử dụng động cơ theo tiêu chuẩn Euro 4, hệ thống điều khiển sẽ được thiết kế sử dụng hệ thống phần mềm điện tử thay vì hệ thống điều khiển cơ khí như trước đây. Bên cạnh đó, không ràng buộc được trách nhiệm triệu hồi sản phẩm bị lỗi kỹ thuật đối với nhà NK theo thông lệ quốc tế, không đáp ứng được yêu cầu thu hồi, thải bỏ ô tô theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trước khi Luật Đầu tư ban hành, việc NK ô tô phải đáp ứng một số yêu cầu đã được quy định tại Thông tư số 20/2011/TT-BCT ngày 12/5/2011 quy định bổ sung thủ tục NK xe ô tô chở người nhưng chỉ áp dụng cho loại xe chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống, không áp dụng cho các loại xe khác cũng có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến an toàn môi trường và quyền lợi của người tiêu dùng như: xe tải, xe buýt, xe chở người trên 10 chỗ ngồi. Các quy định tại Thông tư này đã bị phản ứng dữ dội từ cộng đồng DN nhập khẩu ô tô, và cũng chưa thể hiện tác dụng rõ rệt đối với người tiêu dùng.

“Nới” điều kiện, yêu cầu cam kết trách nhiệm

Trong Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, NK ô tô là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.  Dự thảo Nghị định cũng dành toàn bộ Chương II để quy định các nội dung về điều kiện NK ô tô.

Cụ thể, với tinh thần tôn trọng sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các DN trong lĩnh vực NK ô tô, dự thảo Nghị định khẳng định mọi DN đều được quyền NK ô tô sau khi đáp ứng các điều kiện và được cấp Giấy phép kinh doanh NK ô tô theo quy định tại Nghị định. Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị định quy định rõ các điều kiện NK ô tô cũng như các quy trình, thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh NK ô tô để tạo điều kiện cho DN trong quá trình thực hiện. 

Để bảo đảm sự minh bạch trong việc áp dụng điều kiện NK ô tô, dự thảo Nghị định ban hành Danh mục ô tô NK có điều kiện kèm theo Mã HS. Theo đó, chỉ những DN NK ô tô thuộc Danh mục kèm theo Nghị định mới phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định và phải được cấp Giấy phép kinh doanh NK ô tô trước khi NK. Đối với các loại ô tô không có tên trong Danh mục, việc NK thực hiện theo các quy định về quản lý NK ô tô tại các văn bản pháp luật khác có liên quan, thủ tục NK giải quyết tại cơ quan hải quan.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng có điều khoản quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh Danh mục ô tô NK có điều kiện trên cơ sở ý kiến của Bộ Công Thương để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ. 

Với mục tiêu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự thảo Nghị định được xây dựng theo hướng DN NK phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo quy định tại Nghị định và phải cam kết trách nhiệm bảo hành, triệu hồi ô tô NK với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, trước mắt, DN NK có thể lựa chọn một trong ba hình thức: một là, sở hữu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng; hai là, thuê cơ sở bảo hành, bảo dưỡng với thời hạn tối thiểu 3 năm; hoặc ba là, cơ sở bảo hành, bảo dưỡng thuộc hệ thống phân phối của DN NK. Tuy nhiên, để duy trì môi trường kinh doanh ổn định và bảo vệ lợi ích lâu dài của người tiêu dùng, dự thảo Nghị định quy định tới thời điểm 01/7/2020, DN NK bắt buộc phải sở hữu tối thiểu một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo quy định tại Nghị định.

Về các thủ tục liên quan, nhằm bảo đảm phù hợp với các thủ tục quản lý xuất NK hiện hành cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong quá trình thực hiện, Nghị định quy định cụ thể hồ sơ, trình tự, thủ tục và thẩm quyền cấp, thu hồi, tạm dừng Giấy phép kinh doanh NK ô tô. Các quy định cụ thể về thủ tục bao gồm: Hồ sơ đề nghị và trình tự cấp Giấy phép kinh doanh NK ô tô (Điều 22); Cấp sửa đổi, bổ sung Giấy phép kinh doanh NK ô tô (Điều 23); Cấp lại Giấy phép kinh doanh NK ô tô (Điều 24); Tạm dừng hiệu lực, thu hồi Giấy phép (Điều 25); và Trách nhiệm của DN được cấp Giấy phép kinh doanh NK ô tô (Điều 26).

Đọc thêm