Sửa đổi quy định về trường đại học tư thục: 'Phân biệt đối xử' để làm gì?

(PLO) - Theo cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, việc dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục phân định cơ cấu của trường đại học tư thục dường như đang “phân biệt đối xử”, cần phải được xem xét cẩn trọng.
VCCI cho rằng, không nên quy định phân biệt đối xử về cơ cấu tổ chức bắt buộc giữa trường đại học tư thục có vốn đầu tư nước ngoài  hay trong nước, lợi nhuận hay phi lợi nhuận
VCCI cho rằng, không nên quy định phân biệt đối xử về cơ cấu tổ chức bắt buộc giữa trường đại học tư thục có vốn đầu tư nước ngoài hay trong nước, lợi nhuận hay phi lợi nhuận

Theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (sửa đổi, bổ sung Điều 14 Luật Giáo dục đại học) thì: Trường đại học công lập, học viện công lập có cơ cấu theo quy định của Luật;

Trường đại học tư thục có cơ cấu tương tự như trường đại học công lập (trừ Hội đồng trường) và có đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, ban kiểm soát; Trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận có cơ cấu tổ chức tương tự như trường đại học tư thục ở trên nhưng không có đại hội đồng cổ đông. Cơ sở giáo dục đại học có từ 51% vốn của nhà đầu tư nước ngoài trở lên được tự quyết định cơ cấu tổ chức. Cơ sở giáo dục đại học có dưới 51% vốn của nhà đầu tư nước ngoài có cơ cấu tổ chức tương tự như đại học tư thục có/không có lợi nhuận.

Như vậy có thể thấy, cơ cấu tổ chức của trường đại học sẽ được quyết định dựa vào nguồn gốc vốn chủ sở hữu, tuy nhiên, các chuyên gia của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra một số vấn đề cần được xem xét làm rõ.

Phân biệt đối xử trường tư thục “trong nước” và “nước ngoài”?

Theo nhận định của VCCI, việc Dự thảo cho phép cơ sở giáo dục đại học có từ 51% vốn của nhà đầu tư nước ngoài trở lên được tự quyết định cơ cấu tổ chức trong khi đó các trường đại học tư thục khác lại không được, dường như chưa hợp lý, gây bất bình đẳng ngược và không rõ mục tiêu quản lý.

Xét bản chất thì hai loại cơ sở giáo dục này đều có nguồn gốc vốn từ tư nhân, chỉ khác về quốc tịch của chủ sở hữu vốn (là nhà đầu tư nước ngoài hay nhà đầu tư trong nước). 

Theo quy định của pháp luật đầu tư và DN, nguồn gốc vốn sở hữu không phải là căn cứ để phân biệt về cơ cấu tổ chức hay hình thức hoạt động, các nhà đầu tư khi đầu tư dưới dạng thành lập tổ chức đều phải tuân theo cơ cấu tổ chức như nhau tương ứng với loại hình DN đã lựa chọn. 

Trên thực tế, pháp luật liên quan tới DN nếu có phân biệt giữa nhà đầu tư nước ngoài và trong nước thì chỉ phân biệt ở điều kiện về tỷ lệ vốn (nhà đầu tư nước ngoài có thể bị giới hạn ở một tỷ lệ vốn nhất định phù hợp với cam kết quốc tế) và hoạt động được phép (cơ sở của nhà đầu tư nước ngoài có thể bị giới hạn ở một số hoạt động).

Hơn nữa, trong mọi trường hợp thì quyền của nhà đầu tư trong nước cũng rộng hơn hoặc ít nhất là bằng quyền của nhà đầu tư nước ngoài, với mục tiêu chính sách là để bảo hộ hợp lý nhà đầu tư trong nước hoặc vì các lý do an ninh quốc phòng trật tự xã hội nhất định. Chưa có trường hợp nào hạn chế quyền của nhà đầu tư trong nước hơn so với nhà đầu tư nước ngoài (trừ một số dịch vụ rất đặc thù như casino…).

“Vì vậy, để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng không phân biệt đối xử về cơ cấu tổ chức bắt buộc giữa các trường đại học tư thục, không phân biệt về nguồn gốc vốn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hay nhà đầu tư trong nước...” – văn bản của VCCI gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ.

Vì lợi nhuận hay không, vẫn cứ phải có tổ chức đại diện cổ đông

Theo quy định tại Dự thảo thì trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận không có đại hội đồng cổ đông như trường tư thục vì lợi nhuận. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo (sửa đổi, bổ sung Điều 4 Luật Giáo dục) thì sự khác nhau giữa hai trường đại học tư thục này chỉ là ở việc sử dụng phần lợi nhuận có được từ hoạt động đào tạo. Với tiêu chí phân biệt như vậy mà quy định trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận không có đại hội đồng cổ đông trong khi trường hoạt động vì lợi nhuận có cơ quan này dường như chưa hợp lý.

Thông thường, với tính chất là đơn vị tập hợp/đại diện của tất cả các cổ đông, Đại hội đồng cổ đông được xem là bộ phận có quyền lực nhất trong trường đại học tư thục, với thẩm quyền quyết định các vấn đề quan trọng nhất của trường, trong đó không chỉ có việc quyết định phân chia lợi nhuận mà còn đưa ra các quyết sách quan trọng khác liên quan đến sự phát triển của trường. 

Hội đồng quản trị bản chất không phải chủ sở hữu, không đại diện cho các cổ đông, chỉ là đơn vị thực hiện các nghị quyết do Đại hội đồng cổ đông quyết định, không thể thay thế cho Đại hội đồng cổ đông. Do vậy, dù trường đại học hoạt động không vì lợi nhuận không phải quyết định về việc phân chia lợi nhuận thì vẫn cần có tổ chức tập hợp/đại diện các cổ đông để quyết định về các vấn đề quan trọng khác của trường.

Do đó, VCCI cho rằng, để đảm bảo tính hợp lý, cần sửa đổi quy định, cơ cấu tổ chức của tổ chức đại học tư thục là như nhau, không phân biệt vì mục đích lợi nhuận hay không.

Bên cạnh đó, một vấn đề khác mà cộng đồng DN đề nghị xem xét cẩn trọng trong dự thảo, là về mô hình tổ chức của trường đại học tư thục. Theo quy định tại Dự thảo thì trường đại học tư thục hoạt động vì lợi nhuận có cơ cấu tổ chức tương tự như một công ty cổ phần, cũng bao gồm các bộ phận như: đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, ban kiểm soát. Tuy nhiên, trường không phải là công ty cổ phần hoạt động theo Luật DN, mà là chủ thể hoạt động theo Luật này.

VCCI cho rằng, cách tiếp cận này dường như là chưa hợp lý,  bởi xét về bản chất, hoạt động của trường là một “sản phẩm” dịch vụ có lợi nhuận của các chủ sở hữu đã bỏ vốn. Như vậy đối với chủ sở hữu (cổ đông bỏ vốn thành lập trường) thì đây là một hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận, do đó việc quản lý, kiểm soát phải tương tự như việc tổ chức của một DN. Tuy nhiên, đối với giảng viên, học viên thì đây là cơ sở đào tạo chuyên môn, do đó hoạt động quản trị lại phải đảm bảo tính chuyên môn của ngành giáo dục, tức là theo mô hình một trường đại học (có hội đồng trường, Ban giám đốc, văn phòng, các khoa…).

Đọc thêm