Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Sửa đổi)

Sửa Luật để khơi thông điểm nghẽn, tạo đà cho đất nước phát triển

(PLVN) -Sáng 12/2, sau phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, các Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận ở tổ về 2 dự án Luật, trong đó có dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận Tổ về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc Bộ Tư pháp đã chủ động, tích cực, nỗ lực, trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị Hồ sơ dự án Luật, bảo đảm đầy đủ, đúng tiến độ theo quy định.

Các ý kiến đều nhất trí nhận định dự thảo Luật có nhiều điểm mới so với luật hiện hành. Trong đó, dự thảo Luật đã bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng: Luật chỉ quy định vấn thuộc thẩm quyền Quốc hội, bỏ tư duy không quản được thì cấm; chuyển thẩm quyền quyết định Chương trình lập pháp hằng năm từ Quốc hội sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quy định về việc chịu trách nhiệm đến cùng đối với dự án luật của cơ quan trình; tách quy trình chính sách ra khỏi quy trình lập dự kiến Chương trình lập pháp.

Quốc hội thảo luận tại các Tổ về dự án Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi)

Quốc hội thảo luận tại các Tổ về dự án Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi)

Đa số ĐBQH tán thành việc sửa đổi toàn diện dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật và kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phù hợp với những thay đổi trong cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; tạo khung khổ pháp lý kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về thể chế đã được xác định là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, khơi thông các nguồn lực để đất nước phát triển đột phá, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, bảo đảm hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Theo chương trình dự kiến, dự thảo Luật Ban hành VBQPPL sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua ngay tại Kỳ họp này.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: “Phải tăng cường vai trò và chịu trách nhiệm đến cùng của cơ quan trình”

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật Ban hành VBQPPL sửa đổi, Chủ tịch QUốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định:“Kinh tế - xã hội thì diễn biến thường xuyên. Việc điều hành vừa qua có những vướng mắc do Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, chúng ta sửa Luật này là trụ cột cho việc xây dựng các luật mới cũng như sửa đổi, bổ sung các luật bảo đảm đúng thẩm quyền”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội, trong quá trình xem xét, thông qua dự luật này cần bám sát định hướng, chủ trương của Đảng, đồng thời “hướng đến là phải tăng cường vai trò của cơ quan trình trong việc chịu trách nhiệm đến cùng về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đây là vấn đề cần lưu ý trong sửa đổi Luật lần này”. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, phải bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là các dự án luật, nghị quyết cùng được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần này. “Nếu Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội thông qua sẽ tạo điều kiện cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Quốc hội trong thời gian tới, trước mắt là năm 2025 còn hai Kỳ họp thường lệ thứ Chín, thứ Mười”, Chủ tịch Quốc hội nói.

“Thực tiễn có vướng mắc, đòi hỏi phải sửa Luật

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, việc thực hiện Luật Ban hành VBQPPL đã mang lại những kết quả tốt như hoàn thiện các trình tự, thủ tục ban hành văn bản; sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra…Tuy nhiên, trong quá trình phát triển sẽ phát sinh những mâu thuẫn mới cần giải quyết nên việc sửa Luật Ban hành VBQPPL lần này là việc bình thường vì phải giải quyết các mâu thuẫn mới thì tiếp tục phát triển được. Cũng theo Thủ tướng, sửa Luật lần này hướng tới “đúng vai thuộc bài”, phân biệt rõ cơ quan hành pháp, lập pháp. Càng rõ thì càng dễ đánh giá, dễ xác định trách nhiệm; đồng thời, phân cấp theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân. “Một nguyên tắc nữa là từ thực tiễn có vướng mắc thì phải sửa Luật”, Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long:

"Rút ngắn thời gian xây dựng pháp luật là vấn đề hết sức quan trọng"

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành LongPhó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long

Phát biểu thảo luận tại Tổ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long (đại biểu Quốc hội Đoàn Kiên Giang) cho rằng, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật sẽ được rút ngắn thời gian, đồng thời, cùng với khả năng chuyên môn và trách nhiệm của các chủ thể có liên quan thì vẫn thực hiện được và bảo đảm được chất lượng Luật, pháp lệnh. Rút ngắn thời gian xây dựng pháp luật là vấn đề hết sức quan trọng, bảo đảm sự linh hoạt của các cơ quan điều hành, của các cơ quan hành pháp và thậm chí có cả Quốc hội trong việc xem xét các vấn đề thuộc thẩm quyền, đáp ứng được một cách tốt hơn, nhanh hơn các yêu cầu đặt ra đối với phát triển đất nước.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định:

"Sửa đổi phù hợp với thực tiễn"

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam ĐịnhĐại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Đồng tình với nhiều nội dung tại dự thảo Luật, đại biểu Mai Thị Phương Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định nhấn mạnh, việc sửa đổi lần này là một cuộc đại cách mạng trong công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Định hướng xây dựng luật là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với tình hình thực tiễn trong giai đoạn hiện nay để xây dựng được một quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật vừa bảo đảm chất lượng của luật vừa rút ngắn thời gian đến mức tối đa. Đối với quy định về lùi thời điểm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua luật, pháp lệnh, nghị quyết tại khoản 4 Điều 38 và điểm b, khoản 11 Điều 40, đại biểu tỉnh Nam Định bày tỏ nhất trí với đề xuất của Chính phủ, để bảo đảm quyền trình dự án luật, pháp lệnh của cơ quan trình và đồng thời bảo đảm yêu cầu đối với cơ quan trình chịu trách nhiệm đến cùng.

ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum):

"Đề xuất bổ sung quy định tham vấn đối với các chuyên gia, nhà khoa học"

ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum)ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum)

Tán thành với tư duy đổi mới xây dựng pháp luật đã được thể hiện trong các quy định trong dự thảo Luật. Theo đại biểu, thực tiễn cuộc sống có nhiều vấn đề phát sinh. Việc đổi mới tư duy theo hướng các luật điều chỉnh các nội dung về kiến tạo phát triển chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội, còn những vấn đề thực tiễn thường xuyên biến động thì giao Chính phủ quy định sẽ giúp chúng ta phản ứng kịp thời với các yêu cầu của thực tiễn. Bên cạnh đó, ĐBQH Tô Văn Tám cho rằng, với cách tiếp cận mới như phân định rõ quy trình chính sách và quy trình soạn thảo, thời gian ban hành luật giảm được một nửa so với hiện tại. Đại biểu cũng đề xuất bổ sung quy định tham vấn đối với các nhân là các chuyên gia, các nhà khoa học nhằm tìm được giải pháp tối ưu, hoàn thiện chính sách làm cơ sở soạn thảo, cũng như bảo đảm tính khả thi của chính sách trong cuộc sống.

ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị):

"Dự thảo Luật đã có thay đổi lớn"

ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị)ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị)

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, dự thảo Luật có 2 thay đổi lớn, đó là tạo sự linh hoạt trong quá trình soạn thảo, rút ngắn thời gian để có thể đẩy nhanh tiến độ ra quyết sách. Đồng thời, chuyển vai nhiều về cho Chính phủ, Quốc hội sẽ chỉ thông qua hoặc không thông qua luật. Tuy nhiên, một số ĐBQH đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung thêm nguyên tắc bảo đảm tính ổn định khi xây dựng và ban hành luật như: bảo đảm tính ổn định, tránh sửa đổi thường xuyên, trừ khi có sự thay đổi lớn về chính sách hoặc thực tiễn đặt ra yêu cầu cấp bách để tránh việc vừa ban hành xong lại phải sửa đổi.

ĐB Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội):

"Cần quy định cụ thể hơn về việc triển khai lập định hướng"

ĐB Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội)

ĐB Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội)

Cũng tán thành việc sửa Luật Ban hành VBQPPL để rút ngắn được quy trình xây dựng chính sách, ĐB Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) cho rằng, quy trình hiện đã khá chặt chẽ, được thực hiện trong thời gian dài, nhưng từ khi đề xuất chính sách đến khi ban hành còn khá dài, chưa đáp ứng yêu cầu có những chính sách hiệu quả, kịp thời trong điều kiện mới. Theo ĐB Thủy, vai trò của UBTVQH rất quan trọng, khi cơ quan trình và thẩm tra không thống nhất, UBTVQH sẽ quyết định những nội dung trình QH. Định hướng chương trình lập pháp của nhiệm kỳ QH là điểm mới trong dự án Luật, nhưng cần quy định cụ thể hơn về việc triển khai lập định hướng, UBTVQH cần có chỉ đạo, các Ủy ban cần rà soát triển khai; rà soát các mốc thời hạn thẩm tra, thời gian gửi tài liệu cho ĐBQH, tính toán bảo đảm thời gian cho ĐB nghiên cứu, góp ý.

Đọc thêm