Sửa Luật Điện ảnh: Cần xác định rõ thế nào là “cảnh bạo lực”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Việc pháp luật hạn chế các cảnh quay bạo lực là đúng đắn, bởi nguy cơ tác động đến nhận thức, hành vi của người xem. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ thế nào là cảnh “kích động bạo lực” để tránh tình trạng “vơ đũa cả nắm”, hạn chế sức sáng tạo của điện ảnh.
Các cảnh quay bạo lực bị hạn chế trên phim ảnh.
Các cảnh quay bạo lực bị hạn chế trên phim ảnh.

Cảnh quay bạo lực bị hạn chế trên phim ảnh

Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ làm thay đổi phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim đến nhu cầu và thị hiếu của thị trường, việc sửa đổi Luật Điện ảnh và các văn bản pháp luật liên quan một cách toàn diện nhằm luật hóa chủ trương của Đảng, phát triển ngành công nghiệp điện ảnh phù hợp thực tiễn của đất nước, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam.

“Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) có nhiều điểm mới, kỳ vọng tạo bước phát triển đột phá cho công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong những năm tới”. Đó là nhận định của bà Hoàng Thị Hoa – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tại “Hội thảo khoa học về thực trạng pháp luật về điện ảnh và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật Điện ảnh” mới đây.

Tại Hội thảo này, khi nói về quản lý nội dung trong phim, nhiều ý kiến cho rằng cần thống nhất quản lý theo một tiêu chí chung không phân biệt phim chiếu rạp, phim chiếu truyền hình và phim trên mạng. Đặc biệt, cần quy định chi tiết nhất có thể về các nội dung bị cấm, bị hạn chế; cần thiết phải phân loại phim theo từng cấp độ để có quy định quản lý phù hợp. Mặt khác, điều này cũng không hạn chế đến sức sáng tạo của giới nghệ sĩ để tạo ra những bộ phim hay.

Cụ thể, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) có điều khoản chỉ rõ những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh bao gồm việc “Kích động bạo lực, hành vi tội ác bằng việc thể hiện chi tiết hình ảnh, âm thanh, lời thoại cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, tàn bạo và những hành vi khác xúc phạm đến nhân phẩm con người, trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc, trừ trường hợp nội dung nhằm phê phán, tố cáo, lên án tội ác, đề cao chính nghĩa”.

Một quy định tương tự trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cũng đề cập đến việc hạn chế hình ảnh kích động bạo lực gia đình trong các tác phẩm. Cụ thể, Bộ VH,TT&DL có trách nhiệm hướng dẫn thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình trong các hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao, du lịch; quy định việc hạn chế hình ảnh diễn viên có hành vi kích động bạo lực gia đình trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình và các trò chơi điện tử.

Theo ông Bùi Huy Cường - Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ TT&TT: “Đối với những phim có nội dung ảnh hưởng đến nhận thức xã hội, phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh cấp giấy phép phổ biến hoặc phải được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình biên tập, quyết định phát sóng, phổ biến...”.

Làm rõ khái niệm để tránh tranh cãi

Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ cho rằng, cần có định nghĩa rõ ràng hơn về thế nào là “kích động bạo lực”. Đơn cử, những bộ phim ảnh khai thác chủ đề hành động, tội phạm, trinh thám… khó thể tránh những cảnh đánh nhau táo bạo để phản ánh cuộc đối đầu giữa thiện – ác hoặc tạo ra sự hào hứng cho người xem.

Trong khi đó, có những bộ phim mô tả các hành vi bạo lực tinh thần trong gia đình, nhà trường và xã hội, những hành vi này không thể hiện bằng hành động nhưng tính chất thì có thể còn “kinh khủng” hơn bạo lực thể xác. Liệu những cảnh quay như vậy có bị cấm hay không và cấm như thế nào?

Còn trong các bộ phim lấy đề tài bạo lực gia đình, bạo lực học đường, chiến tranh,… những cảnh quay bạo lực là điều tất yếu. Tuy nhiên, ranh giới giữa nghệ thuật và phản cảm ở đâu vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Trước những ý kiến chỉ trích cho rằng các cảnh quay bạo lực trong phim gia đình có thể khiến người xem bắt chước làm theo phim ảnh, nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương cho rằng không nên quá lo lắng về điều này. Ông nói: “Đa số người ta thấy đấy là phản cảm. Chỉ có một số ít người coi bạo lực gia đình là bình thường. Người ta không vì xem phim mà bắt chước làm theo phim ảnh”.

Cũng theo ông Chương, điều khó khăn nhất của những người làm luật hiện nay là chưa khái quát được những khái niệm đưa ra. Tức là, phải làm rõ được những khái niệm như “bạo lực gia đình”, “hạn chế”, “hành vi kích động bạo lực gia đình”…, tránh dẫn đến nhiều tranh cãi không hồi kết xung quanh các bộ phim mới. Cũng như với quy định “không xâm hại thuần phong mỹ tục” trong phim ảnh đã nhiều lần “vấp” phải tranh cãi do khái niệm “thuần phong mỹ tục” vẫn chưa rõ ràng.

Phim ảnh nhiều khi nêu những xấu xa để người xem nhận ra những hành vi sai trái và chống lại cái ác. Chưa kể, nếu so sánh với nền phim ảnh quốc tế, nhiều bộ phim Mỹ, Hàn Quốc được trình chiếu trên các nền tảng khác nhau ở Việt Nam cũng có các cảnh bạo lực mà không bị cắt bỏ.

Như vậy, dư luận cho rằng quy định của luật không nên chung chung mà cần tạo hành lang pháp lý vững chắc để nền công nghiệp điện ảnh phát triển sáng tạo và văn minh hơn, tạo điều kiện cho các bộ phim Việt có đủ khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế.

Vụ trưởng Vụ Gia đình Trần Thị Tuyết Ánh cho biết đơn vị của bà là nơi soạn thảo dự Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, định hướng của Bộ VH,TT&DL cũng là “xây dựng những nội dung cụ thể, như thế nào là hạn chế, thế nào là hành vi kích động bạo lực gia đình”.

Còn nói về việc khai thác, sử dụng các cảnh bạo lực trên phim ảnh nói chung, các nghệ sĩ có thể thể hiện khác nhau trên tinh thần phản ánh nhằm mục đích cảnh báo hoặc lên án, phê phán.

Tuy nhiên, các nghệ sĩ có những cách thể hiện khác nhau dựa trên năng lực của họ - đây cũng sẽ là một trong các thách thức đối với những nhà thẩm định nói riêng và các làm luật, các cơ quan chức năng nói chung.

Đọc thêm