Bổ sung biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới để hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân
Theo đó, phụ nữ và trẻ em gái dễ bị tổn thương hơn trước nạn mua bán người vì mục đích bóc lột tình dục, trong khi nam giới và trẻ em trai là mục tiêu của những kẻ mua bán người nhằm mục đích bóc lột sức lao động hoặc các hoạt động tội phạm. Những tổn thương giữa nạn nhân nam và nạn nhân nữ cũng tương đối khác nhau về mức độ trầm trọng. Luật Phòng, chống mua bán người hiện hành đã thể hiện một số nguyên tắc về giới và bình đẳng giới. Tuy nhiên, đây vẫn là những quy định trung tính về giới, chưa thể hiện rõ nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới trong phòng, chống mua bán người. Do đó, trong quá trình sửa đổi pháp luật về phòng, chống mua bán người cần bổ sung nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới và cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các nạn nhân.
Ngày 3/6/2024, tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, trình bày quan điểm dựa trên kết quả nghiên cứu của cá nhân, ThS. Vũ Thị Hường - Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp nhận định, dự thảo Luật đang theo hướng trung tính về giới. Nói cách khác, các chính sách nói chung và chính sách hỗ trợ đối với phụ nữ và trẻ em gái đã được quy định trong dự thảo luật là ở ngưỡng mức ngang bằng cùng với các nhóm đối tượng khác, được áp dụng chung, không mang tính phân biệt đối xử về giới, không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện, việc thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới.
Tuy vậy, từ góc độ nghiên cứu về giới tính, với cách tiếp cận “nhạy cảm giới” thì cũng cần có sự tính toán thêm về tác động của quy định này trong quá trình thực hiện trên thực tế, để từ đó có những hướng dẫn cụ thể, phù hợp với yếu tố đặc thù về thể chất, tâm lý, văn hóa, phong tục, thói quen… của phụ nữ và trẻ em gái.
“Trước hết, cần có những nghiên cứu kỹ hơn để đánh giá liệu phụ nữ và trẻ em gái có bị ảnh hưởng, bị tác động và bị xâm hại như nam giới và trẻ em nam hay không, xét về mặt tâm lý, thể chất và tinh thần. Liệu dư chấn của hành vi bị mua bán để lại cho họ có hoàn toàn giống nhau cả về mức độ, về thời gian và về hậu quả hay không. Nếu không, thì cần phải có những quy định và biện pháp cụ thể, phù hợp hơn (có thể ở tầm văn bản quy phạm pháp luật dưới luật hoặc văn bản hướng dẫn) để có thể bảo vệ họ một cách bình đẳng và thực chất, phù hợp với đặc điểm giới tính và lứa tuổi của họ, giúp họ thực sự có đủ năng lực và khả năng để thụ hưởng các chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân mà pháp luật quy định cho họ”, theo ThS. Vũ Thị Hường.
Như vậy, có thể nói, cùng với nguyên tắc trung tính về giới, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) cũng cần được nghiên cứu, bổ sung thêm một số biện pháp để thúc đẩy bình đẳng giới để hỗ trợ tốt hơn cho các nạn nhân. Như quan điểm của ông Nguyễn Hồng Hải - Cục trưởng Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp tại Hội nghị: “Dự thảo Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) có quy định cấm kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Đây là quy định tiến bộ, nhân văn, tuy nhiên để có tính toàn diện, bao quát hơn, nhận thấy việc mua, bán người, nhất là mua, bán có mục đích bóc lột tình dục, lấy bộ phận cơ thể người có thể gây ra nhiều nhất hậu quả về định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử trên phương diện giới.
Bên cạnh đó, nạn nhân của sự kỳ thị, phân biệt đối xử không chỉ dừng lại đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân mà còn có thể hướng tới, tác động trực tiếp đến những người thân thích của họ, nhất là cha mẹ, vợ chồng, con. Do đó, đề xuất xem xét chỉnh lý quy định tại dự thảo Luật theo hướng cấm “kỳ thị, phân biệt đối xử về giới hoặc bất kỳ lý do nào khác đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, người thân thích của nạn nhân, người thân thích của người đang trong quá trình xác định là nạn nhân”.
Thể hiện rõ nguyên tắc bảo đảm giới tính trong phòng, chống mua bán người
Ảnh minh họa - Nguồn: Concealed Coalition. |
Ngày 24/6/2024, tại phiên thảo luận ở hội trường Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đối với quy định cụ thể về cơ sở chuyên biệt hỗ trợ nạn nhân mua bán người dành cho nam giới và phụ nữ, Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, các cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện đón tiếp nạn nhân bị mua bán không có khu vực trợ giúp nạn nhân mua bán người chuyên biệt, mà lồng ghép vào ở chung với các nhóm đối tượng khác. Do đó, lúng túng trong việc triển khai thực hiện công tác hỗ trợ vì chưa có quy trình tiếp nhận nạn nhân phù hợp và thân thiện, thiếu quy định về quản lý các trường hợp và quy trình hỗ trợ nạn nhân đặc thù; đặc biệt thiếu hẳn quy định đón tiếp trong trường hợp khẩn cấp hoặc nghi ngờ bị mua bán để chờ xác minh, xác định nạn nhân.
Thực tế cho thấy, còn khoảng trống nhất định trong việc bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ hỗ trợ giữa nạn nhân nam và nữ. Các dịch vụ hỗ trợ mới chỉ tập trung vào nạn nhân nữ bị mua bán qua biên giới làm vợ hoặc làm mại dâm, còn những nhóm có nguy cơ khác như nam công nhân làm việc tại các công trường xây dựng, dịch vụ, đánh bắt hải sản hoặc những người bị mua bán trong nội địa thường ít nhận được sự quan tâm hơn. Vì vậy, để bảo đảm đầy đủ quyền của nạn nhân bị mua bán, Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung những quy định cụ thể về việc thành lập, quản lý, vận hành những cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trên cơ sở đáp ứng nhu cầu giới, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ.
Còn theo Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, về nguyên tắc bình đẳng giới, Đại biểu cho biết, dự thảo Luật đã thể hiện rõ nguyên tắc này trong các quy định về nguyên tắc phòng, chống mua bán người; tôn trọng quyền lợi, lợi ích hợp pháp, không kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân; quy định nội dung thông tin, tuyên truyền giáo dục phòng, chống mua bán người…
Tuy nhiên, Đại biểu cho rằng đây vẫn là những quy định mang tính chất chung chung, chưa thể hiện rõ nguyên tắc bảo đảm giới tính trong phòng, chống mua bán người. Phụ nữ và trẻ em gái bị tổn thương hơn vì mục đích mua bán người về tình dục; trong khi nạn nhân nam giới là trẻ em sẽ là mục tiêu của những kẻ mua bán người nhằm mục đích bóc lột sức lao động và hoạt động tội phạm. Những tổn thương của nạn nhân nam và nạn nhân nữ cũng tương đối khác nhau về mức độ trầm trọng. Do đó, Đại biểu đề nghị cần bổ sung nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới và cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm trong phòng, chống mua bán người.
Quan điểm này cũng đã được ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đưa ra tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Theo ông Lê Việt Trường, thực tế, nạn nhân các vụ mua bán người gần đây đã có cả nam giới, nhưng xét trên tổng thể toàn bộ quá trình xử lý vấn đề nạn nhân các vụ mua bán người, phải thừa nhận rằng, sau khi được giải cứu, hỗ trợ về lại gia đình và cộng đồng, so với nạn nhân nam giới, nạn nhân là nữ giới, trẻ em gái sẽ khó hòa nhập cộng đồng hơn, dễ trở thành “nạn nhân mới” của sự kỳ thị, phân biệt đối xử do chính gia đình, cộng đồng mà họ đang sống tạo ra.
“Một phụ nữ bị lừa bán ra nước ngoài làm nô lệ tình dục hoặc làm vợ, sau khi được giải cứu trở về nhà khả năng tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình là điều không đơn giản, vì quan niệm của xã hội còn khắt khe với phụ nữ hơn nam giới về vấn đề phẩm giá và trinh tiết. Vì vậy, cùng với nguyên tắc trung tính về giới, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) cần được nghiên cứu, bổ sung thêm một số biện pháp cần thiết thúc đẩy bình đẳng giới nhằm hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân các vụ mua bán người là phụ nữ và trẻ em”, ông Lê Việt Trường nêu ý kiến.