Theo đó, Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng bãi bỏ Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 5/12/2012 quy định cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, trình Thủ tướng trước ngày 30/9/2018.
Giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ Bảo trì đường bộ; đồng thời nghiên cứu, đề xuất phương án tổng thể về Quỹ bảo trì đường bộ, bảo đảm phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, báo cáo Thủ tướng.
Bộ GTVT cho hay, từ khi thành lập đến nay, điều hành quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ gồm có Hội đồng quản lý Quỹ và tham mưu cho Hội đồng quản lý Quỹ là Văn phòng Quỹ, với bộ máy gồm 1 Chánh Văn phòng và 2 Phó Chánh Văn phòng.
Từ năm 2017, thực hiện theo quy định của pháp luật về Luật Phí, lệ phí và Luật Ngân sách nhà nước, nguồn thu của Quỹ Bảo trì đường bộ từ phí sử dụng đường bộ (thu qua đầu phương tiện) nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước. Toàn bộ nhu cầu chi cho Quỹ Bảo trì đường bộ đều do ngân sách nhà nước cấp. Việc phân chia phần 35% phí thu được do Bộ Tài chính tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp cho các địa phương.
Theo cơ chế vận hành mới, Bộ GTVT nhận thấy vai trò của Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương có hạn chế, không đảm bảo hiệu quả như trước đây. Trên cơ sở kết quả đánh giá, tổng kết 5 năm hoạt động của Quỹ này và dựa trên ý kiến từ các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng xem xét và cho phép giải thể Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương.
Như PLVN đã đưa tin, trước đó, Bộ GTVT cũng đã đồng ý với đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc giải thể Cục Quản lý đường bộ cao tốc; chỉ đạo các Vụ, Cục liên quan cơ cấu lại các Ban quản lý dự án trực thuộc Bộ… theo hướng giảm đầu mối và biên chế.