Đồng bằng sông Cửu Long: Tìm “nhạc trưởng” cho du lịch

(PLO) - Trong khuôn khổ Lễ hội bánh nhân gian Nam bộ, Tổng cục Du lịch (thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội nghị “Công bố và triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” diễn ra tại TP Cần Thơ.
Sản phẩm du lịch đặc trưng của ĐBSCL là du lịch sông nước miệt vườn. Ảnh minh họa
Sản phẩm du lịch đặc trưng của ĐBSCL là du lịch sông nước miệt vườn. Ảnh minh họa

Công bố “cương lĩnh” du lịch vùng

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết,thời gian qua, du lịch của ĐBSCL đã góp phần vào phát triển kinh tế của vùng, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động trong khu vực. Tuy nhiên còn bộc lộ một số hạn chế để khắc phục những khó khăn trong phát triển du lịch vùng.

Ngày 18/11/2016, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 2227/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 góp phần phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, khẳng định vị trí quan trọng của vùng đối với du lịch Việt Nam. Từng bước nâng cao vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân, góp phần quảng bá hình ảnh vùng ĐBSCL với cả nước và quốc tế. 

Ông Siêu tin tưởng: “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng ĐBSCL là “kim chỉ nam” cho định hướng phát triển du lịch của vùng, khắc phục những hạn chế đưa tiềm năng của ĐBSCL trở thành vùng du lịch đặc thù trong cả nước. Bảng quy hoạch còn là “cương lĩnh” cho quy hoạch phát triển du lịch vùng, hướng tới phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực”.

Mục tiêu của Quy hoạch phát triển du lịch vùng đến năm 2020 thu hút 34 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 25 nghìn tỷ, giải quyết việc làm cho 230 ngàn lao động. Đến năm 2030 thu hút 52 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 111 ngàn tỷ đồng, và giải quyết việc làm cho 450 ngàn lao động.

Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, 3 tháng đầu năm 2017, Cần Thơ đón trên 1,86 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 900.000 lượt khách du lịch quốc tế, doanh thu tăng hơn 12% so với cùng kỳ 2016, đối với Cần Thơdu lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Đánh giá về phát triển du lịch vùng, ông Tâm cho biết, hiện du lịch của vùng chưa tương xứng với tiềm năm của vùng; trong thời gian tới, cần có sự chung tay giữa các cấp các ngành,quan tâm chỉ đạo cho du lịch đồng bằng.

Cần thành lập ngay cơ quan điều phối 

Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hiệp Hội du lịch ĐBSCL cho biết: “Tài nguyên của các địa phương ở ĐBSCL là sông nước, thời gian qua “mạnh ai nấy làm” tỉnh nào cũng khai thác du lịch sông nước mà chưa khai thác đặc trưng của mình. Trong khi đến năm 2020, Việt Nam cơ bản là quốc gia du lịch, mà trong khi 5 năm vừa qua cơ chế đầu tư cho hạ tầng du lịch vùng chưa đến 500 tỷ. Đồng thời, gần như hầu hết các nhà đầu tư chạy về Phú Quốc hết, hơn 10 tỷ đôla.” 

Ông Phong kiến nghị, Chính phủ và các bộ ngành quan tâm chỉ đạo cho du lịch ĐBSCL chạy theo kịp 6 vùng du lịch còn lại của cả nước. “Cần thành lập ban điều phối du lịch cho vùng, tìm một Trưởng ban có vai trò là “nhạc trưởng”. Bộ VH-TT&DL cần làm nhanh tìm ra ai đóng vai trò điều phối này, phải tìm một người có thực quyền để phối hợp du lịch giữa các địa phương, thống nhất du lịch vùng, kiểm tra đôn đốc các địa phương...”- ông Phong nói. 

Cùng quan điểm, Đại diện Viện nghiên cứu Phát triển du lịch cho biết, Quy hoạch du lịch cho thấysản phẩm du lịch đặc trưng của ĐBSCL là du lịch sông nước miệt vườn. Các tỉnh thành trong vùng cần liên kết, hợp tác, gắn kết chặt chẽ để tránh tình trạng đi đến một địa phương mà biết được toàn vùng. Đồng thời, cần có cải thiện công tác an toàn giao thông, vì đây là một trách nhiệm rất quan trọng trong phát triển du lịch, vì khách quốc tế đến Việt Nam rất sợ khi tham gia giao thông. Quan trọng hơn hết là cần thành lập ngay cơ quan điều phối quy hoạch phát triển du lịch ĐBSCL.

Từ góc độ địa phương đã đạt nhiều thành công trong năm du lịch 2016, ông Mai Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhìn nhận: “Chúng ta không nên hoạt động đơn lẻ, chúng ta nên liên kết lại trong phát triển du lịch.”

Đồng thời đề xuất với lãnh đạo 13 tỉnh, thành trong khu vựctổ chức họp bàn kỹ hơn về công tác phối hợp quy hoạch du lịch của khu vực trong thời gian tới, tại Phú Quốc.Để thu hút khách du lịch trong năm 2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết:“Kiên Giang sẽ tổ chức giải Hoa hậu hòa bình thế giới với sự tham gia của trên 90 nước, tổ chức vào tháng 10 và kéo dài hơn 10 ngày...”.

Quy hoạch nêu rõ sẽ tập trung phát triển 5 khu du lịch quốc gia, gồm: 7 điểm du lịch quốc gia tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Quy hoạch còn đề cập nhiệm vụ phát triển TP Cần Thơ và đảo Phú Quốc thành trung tâm du lịch và điều phối khách cho toàn vùng. Ngoài ra, còn nêu định hướng ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của vùng: trải nghiệm đời sống sông nước, sinh thái, tìm hiểu di sản văn hóa; nghỉ dưỡng biển, đảo và vui chơi giải trí. 

Đọc thêm