Trong xây dựng, khái niệm suất vốn đầu tư được đề cập từ Nghị định 99/2007/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, mới nhất là Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ, Thông tư số 06/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng. Theo quy định hiện nay có ba điểm cần chú ý khi áp dụng suất vốn đầu tư. Thứ nhất là những phương pháp xác định tổng mức đầu tư của dự án và quản lý chi phí xây dựng công trình. Thứ hai, suất vốn đầu tư chỉ áp dụng cho những công trình phổ biến. Thứ ba, suất vốn đầu tư chưa tính đến các điều kiện đặc thù của từng dự án như xử lý nền móng, lãi vay, dự phòng phí, bồi thường giải tỏa...
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều khi chúng ta hiểu sai cơ bản khái niệm về suất vốn đầu tư theo luật định và theo thông lệ quốc tế. Thứ nhất, Việt Nam chỉ mới làm một số đường cao tốc theo nhiều dạng khác nhau (hai làn xe, bốn làn xe, sáu làn xe...), việc quyết toán chưa đầy đủ, do vậy chắc chắn không đủ dữ liệu tối thiểu để phân tích bài toán thống kê. Thứ hai, so với các văn bản quy phạm pháp luật về suất vốn đầu tư, sử dụng cụm từ “suất đầu tư đường cao tốc” nhiều khi là chưa chuẩn xác và chỉ nên gọi là chi phí đầu tư cho 1 ki lô mét đường cao tốc thì đúng bản chất hơn.
Thứ ba, trên thế giới, không một nước nào, kể cả Mỹ là nước đang có hệ thống cao tốc tương đối hoàn chỉnh, dám công bố suất đầu tư cho đường cao tốc, bởi vì chi phí đầu tư cho 1 ki lô mét đường cao tốc trên thế giới khác xa nhau không phải vài lần mà là vài chục lần ngay trong cùng một nước, do các đặc thù về địa hình, địa chất, số lượng hầm chui, cầu vượt, mật độ dân cư, nhà cửa hai bên, yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu về môi trường, nguồn vốn và hình thức đầu tư...
Đấy là chưa nói đến chúng ta chưa có công khai, minh bạch.
Nếu không kiểm soát được chi phí thực tế xây dựng đường cao tốc sẽ rất nguy hiểm, vì hầu hết các dự án đều sử dụng vốn vay và hợp đồng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) hoặc BT (xây dựng - chuyển giao). Nhà đầu tư không ai bỏ vốn ra làm hạ tầng giao thông mà không thu hồi vốn và có lãi, thêm vào đó là các rủi ro khá cao khi đầu tư dài hạn, dẫn đến xu hướng tính toán không chính xác ngay từ ban đầu, làm tăng chi phí đầu tư, thậm chí giảm chất lượng. Câu chuyện còn nóng hổi ở Trạm thu phí Cai Lậy – Tiền Giang cho chúng ta nhiều bài học quý báu.
Xem ra, câu chuyện “suất đầu tư” vô cùng hệ trọng. Điều đó đòi hỏi chúng ta vừa nghiên cứu bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch ngành, lĩnh vực, đặc biệt là tiêu chuẩn kỹ thuật ngành một cách khoa học. Đó cũng là yêu cầu của tiết kiệm, phòng chống tiêu cực, thất thoát, thậm chí tham nhũng trong đầu tư công nói chung, hạ tầng GTVT nói riêng.