Sức chống chịu của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Hôm qua (4/7), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023. Khi đánh giá về khó khăn, ông cho rằng, trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

“Nền kinh tế có độ mở lớn nhưng quy mô còn khiêm tốn, năng lực cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế, chịu tác động kép từ những yếu tố bên ngoài và bên trong; các vấn đề tồn đọng, kéo dài ngày càng bộc lộ rõ hơn; nhiều vấn đề phát sinh cần phải giải quyết; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn trong bối cảnh chi phí tăng, đơn hàng giảm, thị trường quốc tế chưa có dấu hiệu phục hồi, cạnh tranh gia tăng”, Thủ tướng nhận định.

Đúng là giai đoạn “hậu COVID-19”, rất nhiều khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp lớn phải bán rẻ tài sản, những gì bán được đã bán với giá thấp hơn cả giá trị thực. Nhiều doanh nghiệp buộc phải “đàm phán” với doanh nghiệp ngoại để “bán mình”, tránh khả năng vỡ nợ. Hiện tượng doanh nghiệp này thâu tóm đơn vị kia về lý thuyết là quy luật bình thường của thị trường; tuy nhiên, không ít trường hợp “đáng chua xót”. 6 tháng đầu năm 2023, sức mua trong nước giảm mạnh. Với những khó khăn bủa vây thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã chọn giải pháp đóng cửa, rút lui khỏi thị trường... Riêng lĩnh vực bất động sản, nhiều sàn giao dịch địa ốc phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động.

Các doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay, theo các chuyên gia, có nguyên nhân từ suy thoái kinh tế thế giới, nhưng cũng có một phần đến từ các vấn đề nội tại. Đầu tiên là dòng vốn “tắc nghẽn”. Một số doanh nghiệp chấp nhận lãi suất vay cao, nhưng tiếp cận dòng tiền cũng không dễ dàng. Vay thương mại gặp khó, dòng vốn ưu đãi thuộc chương trình phục hồi kinh tế cũng không dễ tiếp cận. Cải cách môi trường kinh doanh đang “chững lại”.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, cử 26 đoàn công tác làm việc với các địa phương để nắm bắt tình hình, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, định hướng các nhiệm vụ, giải pháp lớn trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều dự án vẫn bị vướng về pháp lý, thủ tục phê duyệt, hoàn thiện hồ sơ tại các địa phương rất lâu, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Trong nhiều nguyên nhân có một nguyên nhân được nói nhiều tại diễn đàn Quốc hội vừa qua là hiện tượng một bộ phận cán bộ, công chức “hoạt động cầm chừng”, né tránh trong công việc.

Những tháng cuối năm 2023 dự báo còn gặp nhiều khó khăn. Hy vọng, Chính phủ có các “phản ứng chính sách kịp thời”, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Đọc thêm