Sức khỏe tâm thần học sinh cần được quan tâm nhiều hơn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục (VHGD) của Quốc hội vừa có báo cáo kết quả Tọa đàm tham vấn chuyên gia về “Giải pháp với vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh (HS)”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, các ý kiến dự Tọa đàm cho rằng, số trường hợp HS tự tử gia tăng thời gian qua đặt ra vấn đề sức khỏe tâm thần với HS cần được quan tâm nhiều hơn. Vì vậy, nghiên cứu vấn đề tự tử ở trẻ em phải được thực hiện trên cơ sở thống kê đầy đủ, có phân tích, đánh giá để tìm ra căn nguyên cũng như giải pháp khắc phục một cách toàn diện hơn.

Nguyên nhân ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần của HS được các chuyên gia, đại biểu phân tích trên cả 3 mối quan hệ: Gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, ở môi trường nhà trường là áp lực học hành, thiếu hoạt động vui chơi, giải trí, bệnh thành tích...

Công tác tư vấn tâm lý học đường trong các cơ sở giáo dục công lập gặp khó khăn; việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe tâm thần của HS chưa được quan tâm đúng mức do chưa có đội ngũ chuyên trách, thiếu vị trí, biên chế tư vấn tâm lý. Đội ngũ quản lý, cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm và hầu hết giáo viên cũng ít được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng trong lĩnh vực này.

Các cơ sở đào tạo giáo viên tập trung vào chuyên môn, ít chú trọng tới chương trình bồi dưỡng, đào tạo kiến thức kỹ năng về sức khỏe tâm thần. Hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống chưa thực sự đáp ứng nhu cầu trang bị kỹ năng cho HS trước sự phát triển nhanh chóng của xã hội...

Bên cạnh đó, kỳ vọng của người lớn, cha mẹ về kết quả học tập tạo áp lực cho con cái khiến cho HS lo âu, trầm cảm. Bố mẹ thiếu kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ nên không nhận biết, phát hiện sớm, can thiệp ngay những biểu hiện rối loạn tâm lý ban đầu của trẻ...

Các chuyên gia đã kiến nghị nhiều giải pháp. Theo đó, các bộ liên quan cần có nghiên cứu, đánh giá một cách bài bản, tổng thể, khách quan để nhận diện đúng và đầy đủ về vấn đề sức khỏe tâm thần HS; về nguy cơ tự tử ở thanh, thiếu niên. Xây dựng cơ chế, chính sách vừa giải quyết vấn đề một cách kịp thời, bảo đảm tính tổng thể, lâu dài, bền vững; rà soát bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong hoạt động và quản lý dịch vụ liên quan chăm sóc sức khỏe tâm thần; bổ sung xử phạt hành chính về bảo đảm an toàn thông tin trên môi trường mạng.

Quan tâm phát triển hệ thống công tác xã hội, tăng cường nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe tâm thần HS. Tăng cường truyền thông giáo dục kiến thức cho cha mẹ và xã hội về sức khỏe tâm thần của HS và các dịch vụ tư vấn về chăm sóc sức khỏe tâm thần. Tổ chức định kỳ khám sàng lọc, tầm soát chứng lo âu cho trẻ từ 8 - 16 tuổi nhằm hạn chế nguy cơ tự tử.

Xây dựng trang web liên quan tới dịch vụ tư vấn tâm lý, chia sẻ và hướng dẫn giáo viên, cha mẹ HS, người chăm sóc trẻ cách truy cập khi phát hiện HS có vấn đề khó khăn về tâm lý để được hỗ trợ kịp thời, miễn phí. Đầu tư cho tư vấn tâm lý học đường phòng, chống bạo lực học đường để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Tổ chức các hoạt động cho HS, giảm áp lực học kiến thức và tăng kỹ năng sống để các em thích ứng và vượt qua những khó khăn trong học tập và trong cuộc sống...

Từ các ý kiến tại Tọa đàm, Ủy ban VHGD kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát, giải trình việc thực hiện các chính sách pháp luật với trẻ em, trong đó có vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho HS, thanh, thiếu niên; sớm thông qua dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), góp phần hoàn thiện hệ thống pháp lý, giải quyết bạo lực gia đình; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về văn hóa học đường để hướng tới môi trường học đường lành mạnh, an toàn; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho HS, thanh, thiếu niên.

Bộ GD&ĐT nghiên cứu, rà soát và đề xuất bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác tư vấn tâm lý cho HS; xem xét bố trí vị trí việc làm với công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông phù hợp điều kiện thực tiễn các nhà trường.

Bộ GD&ĐT cũng cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường tổ chức đào tạo, đào tạo lại, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục để hướng tới chuyên nghiệp hóa đội ngũ này. Hoàn thiện và ban hành tài liệu dành cho đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường...

Đọc thêm