Sức mạnh của khẩu hiệu

(PLO) - Trải nghiệm thực tế cuộc sống cho thấy, một khẩu hiệu có sức mạnh vô biên khi nó đi vào lòng dân và gắn liền với lời dạy bất hủ của Bác Hồ. Nhưng khẩu hiệu khó đi vào cuộc sống khi nó không đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân và đi ngược lại lời dạy của Người. Do đó phải cân nhắc cẩn trọng, nhất là khi chiến tranh, chết chóc đã lùi xa thì khuynh hướng xa dân ngày càng tăng lên. 

Tác giả bài viết bên Bàn thờ cha mình là Cố Chủ tịch - Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.
Tác giả bài viết bên Bàn thờ cha mình là Cố Chủ tịch - Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.
Quyết định một khẩu hiệu không chỉ nghe lãnh đạo cấp trên mà còn phải biết lắng nghe ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, trong đó  phải kể đến vai trò  Mặt trận và  các đoàn thể là người đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân (Hiến pháp 2013).
Sau quá nhiều năm chờ đợi, theo Nghị quyết Trung ương 9 (Khóa XI), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quyết định đổi tên cuộc vận động (CVĐ) “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” thành CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Lâu nay, hoạt động của Mặt trận là đời sống xã hội, và văn hóa là một lĩnh vực trong đó. Tuy nhiên, về CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, dư luận chung chưa thực sự đồng tình, thỏa mãn. Lý do là cuộc vận động không trọn vẹn vì thiếu “miền núi”. Nên chăng cần bổ sung để khẩu hiệu đi vào cuộc sống tốt hơn.
Trong phiên họp của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các ban, ngành, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể triển khai hiệu quả các phong trào thi đua trong từng lĩnh vực cụ thể, nhất là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội (năm 2015), bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. 
Như vậy, phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” của Chính phủ chỉ là một trong nhiều phong trào thi đua có thời hạn. Trên tinh thần đó, Mặt trận, các đoàn thể một mặt hưởng ứng phong trào chung nói trên, mặt khác chủ động đề ra khẩu hiệu hành động chiến lược, mang tính đặc thù và độc lập riêng của mình. 
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động phong trào “Phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc và tham gia xây dựng nông thôn mới”, Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam có cuộc vận động “Xây dựng Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam vững mạnh, hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, phát huy sức trẻ vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Hội Nông dân Việt Nam có khẩu hiệu hành động gắn với đặc thù của mình: “Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”. Đây là kinh nghiệm phong phú cần học tập lẫn nhau để đáp ứng tốt nhất nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.
Ngược dòng lịch sử, thời chống Pháp, dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, Bác Hồ kêu gọi “Văn hóa hóa kháng chiến” mà nội dung then chốt là “Cần, kiệm, liêm, chính”, “lợi ích của Tổ quốc lên trên hết”. Cuối cùng, nhân dân Việt Nam thắng, thực dân Pháp thua với Điện Biên Phủ làm chấn động địa cầu. Thời chống Mỹ cứu nước, dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, mục tiêu chung là “Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” và khẩu hiệu hành động là “Sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Cuối cùng, dân tộc Việt Nam từ Nam chí Bắc hòa bình, thống nhất làm cho cả thế giới vui mừng. 
Sau khi “non sông thu về một mối”, Đảng đã đề ra mục tiêu chiến lược “xây dựng đất nước – dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Khẩu hiệu hành động là “Sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thực hiện mục tiêu chung này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong từng giai đoạn lần lượt có CVĐ “Toàn dân đoàn kết chăm lo đời sống xã hội trên địa bàn dân cư”, CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư” mà nền tảng là “Cần, kiệm, liêm, chính”, gắn liền với mục tiêu đại đoàn kết dân tộc vẫn giữ nguyên giá trị. Các CVĐ này được nhân dân đồng tình ủng hộ. 
Rất tiếc, CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tuy đạt thành tựu lớn nhưng chưa hoàn toàn được nhân dân đồng tình vì nội dung hoạt động chưa phù hợp với lời dạy của Bác Hồ, rằng: “văn hóa là “học chữ”, còn xây dựng con người là xây dựng con người tốt”. Hơn nữa, hoạt động của Mặt trận là chăm lo đời sống xã hội theo khởi xướng của Bác Hồ chứ không phải chỉ hoạt động ở lĩnh vực văn hóa. 
Nhà báo Hữu Thọ - người sát thực tiễn, sát cơ sở, gần gũi với nhân dân – sinh thời đã lưu ý: “Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) xác định coi tư tưởng, lối sống là then chốt của văn hóa mà trong đó cao nhất là con người. Vậy mà chúng ta có làm được bao nhiêu đâu. Sự xuống cấp về đạo đức xã hội làm lòng dân thấy bất an. Vì vậy, cần sớm có những điều chỉnh về đường hướng phát triển và quản lý văn hóa cho phù hợp”. Và Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) đã ra đời.
Chỉ có xây dựng con người “Cần, kiệm, liêm, chính”, Mặt trận – một tổ chức rộng rãi nhất gồm nhiều giai cấp, đoàn thể, cá nhân tiêu biểu mới có đủ khả năng vận động được sức mạnh “đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng đời sống mới”, “gia đình mẫu mực”, góp phần tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, miền núi ấm no. Chẳng hạn như phong trào “con cháu hiếu thảo” (bao gồm cha mẹ, con cháu) đã được Báo Đại Đoàn Kết phát động từ rất lâu. 
Mặt trận Tổ quốc còn có nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội đối với chính quyền. Nguyên tắc vận hành của chế độ ta không thể chỉ quản lý bằng mệnh lệnh của chính quyền mà cần sự gần gũi, vận động, thuyết phục, cảm hóa, đoàn kết chân thành với người dân và đây chính là chức năng của Mặt trận mà Đảng giao cho.
Nhờ Đảng, Bác Hồ mà nhân dân ta đã giành độc lập cho Tổ quốc. Nay trong đời sống hòa bình và hội nhập ngày càng sâu rộng, để thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, trước mắt vẫn rất cần gắn kết  phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới,  đô thị văn minh” với khẩu hiệu “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư” với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân mà nội dung then chốt là lời dạy của Bác Hồ viết trong “Đời sống mới” năm 1947 “ cần, kiệm, liêm, chính trong chăm lo việc ăn, mặc, ở, học, việc làm, đi lại” của người dân. 
Biểu tượng của khẩu hiệu này chính là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu với những di sản bất hủ về các câu khẩu hiệu, gắn kết với cơ chế chiến lược của  Đảng là “Đảng lãnh đạo bằng nghị quyết, chính quyền quản lý bằng luật pháp, Mặt trận vận động bằng phong trào hành động của nhân dân”.

Đọc thêm