Sức mua "hấp hối", khuyến mại bất chấp pháp luật

Luật quy định, khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hoá, dịch vụ vốn có. Thế nhưng, có vẻ như trước tình hình sức mua "hấp hối", doanh nghiệp "gác" luật, “xả” hàng. 

Luật quy định, khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hoá, dịch vụ vốn có. Thế nhưng, có vẻ như trước tình hình sức mua "hấp hối", doanh nghiệp "gác" luật, “xả” hàng.

Người tiêu dùng chỉ thực sự vui khi sở hữu món hàng yêu thích với giá “hời” nhưng phải đảm bảo chất lượng thực sự. Ảnh minh họa
Người tiêu dùng chỉ thực sự vui khi sở hữu món hàng yêu thích với giá “hời” nhưng phải đảm bảo chất lượng thực sự. Ảnh minh họa.

Hàng hiệu cũng “xả giá" khủng?

Mùa khuyến mãi, mùa “sale”, mùa “xả hàng cuối vụ” cũng là mùa vui của "tín đồ" mua sắm, với cơ man những lời mời chào hấp dẫn mà ấn tượng nhất là những biển bảng bắt mắt: sale 70%, 50%...

Một chủ cửa hàng có tiếng, lâu nay vẫn “chuyên thời trang nhập khẩu từ châu Âu”, giờ cũng thấy căng biển tiếp thị: “1.000 sản phẩm sale 70%, 2.000 sản phẩm sale mức 50%”...

Nhiều mặt hàng xa xỉ, vốn chỉ dành cho người có tiền, nay cũng ào ra sale. “Sản phẩm nước hoa và mỹ phẩm được nhập từ Pháp và Italy, chuyên những hãng Zara, Forever 21, H&M, ASOS, Lipsy London, River Island, Juicy Couture, Victoria’s Secret, Top Shop, Arie, Paul’s Boutique, chính hãng, sale đến 70%”. Thậm chí, có cửa hàng còn cam kết “chắc như đinh”: “Rẻ nhất Hà Nội, nếu phát hiện rẻ hơn, shop hoàn trả 200% giá trị sản phẩm”.

Giãi bày rõ lý do vì sao giảm giá tới 70%, một chủ cửa hàng cho hay: “Nhà mình chuyên phân phối mặt hàng thời trang công sở, đều là hàng cao cấp. Lần này giảm giá mạnh như vậy chẳng qua là vì thiếu size”.

Không chỉ giảm giá từ 50 – 70%, hàng loạt các hãng thời trang và các cửa hàng mỹ phẩm lớn còn mời chào “thượng đế” tận tình cùng với “cơn lốc quà tặng” kèm theo... Ai ghé mua cũng được chào đón, "xem chơi" rồi đi cũng không bị oán trách như thường ngày.

Thường thì con số 70%, 50% chỉ xuất hiện trên tủ kính mấy cửa hàng thanh lý. Nay có thể vì sức mua đang “chết lâm sàng” nên thấy xuất hiện nhan nhản khắp mọi nơi. Cũng không loại trừ những trường hợp như ông Vũ Vinh Phú, Phó Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, từng thẳng thắn: “70% khuyến mại hiện nay là giả - tức là để  kích cầu tiêu dùng, nhiều DN sử dụng các hình thức khuyến mại giảm giá nhưng thực tế là tự nâng giá rồi khuyến mại nhằm bán được sản phẩm”.

“Tạm gác” Luật Thương mại

Điều 6 Nghị định số 37/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại ghi rõ, mức giảm giá tối đa đối với hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hoá, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại (trừ trường hợp hình thức khuyến mãi hàng mẫu để khách dùng thử không phải trả tiền). Đành là luật như vậy, nhưng trước cơ man các doanh nghiệp, cửa hàng chẳng giấu giếm, úp mở, mà thỏa sức công khai “tung chiêu” khuyến mãi lên đến 70%... cũng chẳng thấy ai đến “hỏi thăm”. Phải chăng cơ quan quản lý cũng “thông cảm” với DN?.

Mới đây, tại buổi họp báo công bố kế hoạch Tháng khuyến mại năm 2013 (từ 30/10-1/11/2013), ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, điểm mới của Tháng khuyến mại năm nay là các DN chỉ cần đăng ký với Sở Công Thương Hà Nội để được xác nhận tham gia chương trình mà không cần đăng ký rõ tên từng mặt hàng phải giảm giá bao nhiêu phần trăm như những năm trước, trừ những đơn vị khuyến mại có thưởng và những khuyến mại mang tính may rủi (phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước)... Như vậy, quyền tự quyết của các cửa hàng cho chương trình, kế hoạch kinh doanh của mình là rất lớn.

Thế nhưng, khuyến mại đâu chỉ là việc tung ra tỷ lệ giảm giá “khủng”. Người tiêu dùng chỉ thực sự vui khi sở hữu món hàng yêu thích với giá “hời” nhưng phải đảm bảo chất lượng thực sự. Điều đó, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước không chỉ trao quyền tự chủ mạnh mẽ cho cơ sở kinh doanh, mà phải giám sát nghiêm túc hoạt động khuyến mãi, để những “Tháng Khuyến mãi” thực sự phát huy đúng ý nghĩa của nó, duy trì niềm tin của người tiêu dùng…

Mai Hoa

Đọc thêm