Sức nóng từ thị trường bán lẻ xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hơn trăm doanh nghiệp bán lẻ (DNBL) của hơn 50 tỉnh, thành trên cả nước đã xuất hiện tại Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/CP và 83/CP về kinh doanh xăng dầu” do Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức sáng qua (14/2). Điều này thể hiện sức nóng của thị trường bán lẻ xăng dầu.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quy định cần tạo động lực kinh doanh

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký VCCI khẳng định, thị trường cần nhất quan quan điểm về tự do kinh doanh. Mệnh lệnh hành chính có thể khiến DN làm theo quy định nhưng chỉ là giải pháp tình thế, cấp bách. Về lâu dài chuỗi XD không thể mãi vận hành theo mệnh lệnh hành chính nếu chi phí và lợi nhuận không thể đáp ứng. Mệnh lệnh hành chính không thể bền vững bằng động lực thị trường.

“Trong lịch sử hơn 20 năm theo dõi DN, thị trường, tôi chưa từng thấy xuất hiện hiện tượng DN phải bỏ tiền túi ra để kinh doanh, vận hành. Thể chế phải nuôi dưỡng được DN, để DN có động lực bán hàng nên các quy định cần tạo động lực kinh doanh” - ông Tuấn nói.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đại diện ban soạn thảo nghị định (NĐ) về quản lý kinh doanh XD cho biết, NĐ 95 hoàn thiện trong 2 năm, thường trực Chính phủ 2 lần họp qua 2 đời Thủ tướng mới ban hành được. Những vấn đề cần sửa đổi trong 2 NĐ quản lý kinh doanh XD mà nhiều DN cũng như các cơ quan ngôn luận thông tin trong thời gian vừa qua cũng đã được đưa ra trong thời gian góp ý sửa NĐ 95. Những vấn đề như điều hành giá trong chu kỳ bao nhiêu ngày; Quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối, bao gồm cả 2 nhà máy lọc dầu; Trách nhiệm dự trữ, quyền và nghĩa vụ của các nhà bán lẻ… đều đã được thảo luận kỹ.

Tuy nhiên, 2022 là năm rất đặc biệt, có nhiều yếu tố chưa bao giờ xuất hiện trong lịch sử thế giới. Giá cả thị trường biến động trong biên độ mạnh, tần suất lớn, thời gian thay đổi nhiều. “Bình thường chu kỳ biến động giá cả theo hình sin nhưng năm vừa qua chu kỳ biến động theo hình parabol dựng ngược. 6 tháng đầu năm dựng đứng, 6 tháng cuối năm lại dốc ngược giảm mạnh; Sự rủi ro là thấy rõ và khó tránh khỏi. Đây chính là cơ hội để cơ quan Nhà nước tư duy lại cách thức điều hành XD, sử dụng công cụ của Nhà nước như thế nào, Nhà nước nên can thiệp đến đâu để đảm bảo an ninh năng lượng, kiểm soát CPI để phát triển kinh tế, thúc đẩy cộng động DN phát triển. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khẳng định, làm chính sách thì phải hướng tới lâu dài và tôn trọng quy luật khách quan, không chạy theo những vấn đề cục bộ, hiện tượng mang tính chất cực đoan” - ông Đông nói.

Hàng trăm DNBL đã phát biểu các ý kiến tại Hội thảo.

Hàng trăm DNBL đã phát biểu các ý kiến tại Hội thảo.

Cần đề cao vai trò của doanh nghiệp bán lẻ

Ông Hà Thanh Tùng, Đại diện Công ty TNHH Thương mại Vận tải XD Hà Giang cho biết, trên toàn quốc có 950 DNBL với khoảng 9.000 cửa hàng, chiếm 53% số cửa hàng bán lẻ; Tổng giá trị của khối DNBL vào khoảng 90.000 tỷ đồng, tạo ra tổng số 27.000 việc làm. Chi phí tối thiểu cho 1 cửa hàng bán lẻ khoảng 100 triệu/tháng, nếu không có nguồn thu giải quyết thì coi như DN lỗ. Ước tính thua lỗ cao nhất của DNBL rơi vào khoảng 900 tỷ.

“Kinh doanh đương nhiên có lúc thuận lợi, lúc khó khăn, có lỗ, có lãi nhưng lỗ - lãi diễn ra khoảng vài tháng còn cầm cự được. Nhưng chúng tôi đã lỗ cả năm nay rồi; Dù chiết khấu âm DNBL vẫn phải duy trì kinh doanh, nếu không sẽ bị phạt. Sức chịu đựng của DN có hạn. Nếu 9.000 DNBL buộc phải xin ngừng kinh doanh thì chuỗi cung ứng XD chắc chắn đứt gãy” – ông Tùng bày tỏ.

Do đó, ông Tùng kiến nghị để đảm bảo chuỗi XD ổn định, hài hòa, công bằng lợi ích đề nghị cần công nhận sự tồn tại của lực lượng bán lẻ trong các quy định của NĐ, có quyền và nghĩa vụ bình đẳng như thương nhân đầu mối. “Cần ghi nhận chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức cho cả khâu bán lẻ; Cần sửa đổi công thức tính giá cơ sở, chia cả chi phí kinh doanh - lợi nhuận định mức cho cả 3 khâu nhập khẩu, phân phối và bán lẻ. Quy định hiện hành quy định lợi nhuận định mức chỉ dành cho DN nhập khẩu và thương nhân phân phối, DNBL không có gì. Chúng tôi mong muốn giữ lấy DNBL để chúng tôi tiếp tục kinh doanh, 9.000 cửa hàng bán lẻ là yếu tố giữ lại thị trường” – ông Tùng nói.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh), ông Giang Chấn Tây cho rằng, để ổn định tình hình thị trường XD hiện nay cần quy định chiết khấu tối thiểu - là phần ổn định để DNBL đảm bảo chi phí hoạt động ổn định. Tôi kiến nghị cần xác lập vị thế của cộng đồng DNBL XD cao hơn, có vai trò lớn hơn nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng XD trên toàn quốc” - ông Tây nói.

Liên quan đến vấn đề chiết khấu, sau khi nghe rất nhiều ý kiến về tình hình chiết khấu bằng 0, thậm chí âm từ các DNBL, ông Trần Duy Đông đề nghị DN đầu mối phát biểu về việc chia sẻ lợi nhuận của DNBL: “DN đầu mối cần phải phát biểu xem DNBL nói đúng không bởi chúng tôi không nghe một chiều” - ông Đông nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, quan điểm quản lý là vấn đề chiết khấu bán lẻ để thị trường điều tiết, nếu thị trường không điều tiết được thì Nhà nước mới quy định cụ thể.

Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), ông Nguyễn Hồng Nam - Trưởng ban chính sách kinh doanh thừa nhận: “Lỗ của chúng tôi lớn hơn của DNBL rất nhiều nên không đủ nguồn lực để chiết khấu cho DNBL. Hiện thương nhân đầu mối trữ tồn kho 20 ngày nhưng công thức giá lại lấy biên độ giá quá ngắn nên nếu giá xuống thì đầu mối “chết” tồn kho rất nhiều. Do đó, thay đổi điều chỉnh 10 hay 15 ngày cũng không thể phủ được lượng tồn kho của DN đầu mối”.

Đáng chú ý, ông Nam cũng cho rằng, cần phải có chi phí định mức cho DNBL vì DNBL cũng là một thành phần tiếp nối trong chuỗi kinh doanh XD. Đồng quan điểm, ông Thoại - Chủ tịch HĐQT Saigon Petro cũng cho rằng các ý kiến của DNBL là thỏa đáng nhưng cũng ông cũng mong DNBL cần hiểu và chia sẻ với DN đầu mối về những sức ép thị trường và đảm bảo đủ năng lượng quốc gia. “Chúng tôi có lãi thì chia sẻ nhưng nếu lỗ thì lấy đâu ra mà chia” - ông Thoại nói.

Đọc thêm